Khu vườn bưởi cảnh cổ thụ nhà anh Hoàng Đình Chính (Văn Giang, Hưng Yên) có khoảng gần 200 gốc, cây có giá trị cao nhất lên tới gần 200 triệu đồng. Một số cây có thế độc lạ chỉ cho thuê, không bán.
Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022, vườn bưởi cảnh nhà anh Hoàng Đình Chính ở huyện Văn Giang tất bật chăm sóc, tỉa cành, tuốt dáng… cho hàng trăm cây bưởi bonsai độc đáo trong vườn.
Hiện tại, vườn bưởi bonsai của anh Chính có khoảng 200 cây bưởi cổ thụ, trong đó có hơn 100 cây có tuổi đời từ 50 đến 60 năm trở lên.
"Năm nay, nhà vườn của tôi có một số cây dáng độc lạ phục vụ đại gia thuê về chơi Tết. Đặc biệt, có cây được gò theo thế Tình mẫu tử (với ý nghĩa mẹ che chở đàn con) đã có khách thuê với giá 50 triệu đồng", nghệ nhân Chính chia sẻ.
Nghệ nhân Chính cho biết thêm, phải mất nhiều năm để những đoạn cành, gốc cây bị cưa mới lành, tròn trịa và không lộ những vết sẹo theo thời gian. |
Mỗi cây đều được chủ vườn sưu tầm từ các huyện miền núi như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu... rồi đưa về chăm sóc tỉ mỉ, cắt ghép, chăm bẵm.
Tác phẩm bưởi cảnh "Phúc Lộc Thọ" có tuổi đời khoảng 60 năm được nhà vườn dự kiến bán ra với giá 150 triệu đồng.
Thời điểm hiện tại, công việc chủ yếu của các nhà vườn tại Văn Giang (Hưng Yên) là chăm sóc cây cảnh, tỉa lá và tưới cây vì các công đoạn quan trọng đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước đó.
"Gốc bưởi càng lớn nhưng khi cao thẳng được khoảng 2 m phải tạo tán, tách cành, hình dáng đẹp mới tạo nên sự may mắn, giá trị, bề thế cho gia chủ", anh Chính tâm sự.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, để hỗ trợ người đam mê chơi cây cảnh, anh Chính và các nhà vườn khác đều hỗ trợ miễn phí vận chuyển và giảm giá thành của cây từ 10-20% so với năm ngoái để kích cầu.
Hàng ngày anh Chính phải tưới cây đều đặn và chăm sóc từng quả bưởi để không bị sâu bệnh tàn phá, làm hỏng, giảm thẩm mỹ của chậu cây. Chỉ tính riêng thời gian tưới cây đã tiêu tốn khoảng hơn 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày mới có thể tưới hết cả vườn bưởi.
(Theo Dân Trí)