Trong bối cảnh chiến sự căng thẳng ở Ukraine khiến dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 bị đóng băng, an ninh năng lượng của châu Âu đang gặp nguy hiểm.
Mặc dù cách xa cuộc giao tranh, tình hình chính trị mới cũng thay đổi nhiều điều ở Tây Ban Nha theo những cách khác nhau. Mối quan hệ kinh tế lâu dài của Tây Ban Nha với Trung Đông và Bắc Phi, cùng các công viên năng lượng mặt trời và năng lượng gió, đột nhiên thu hút được nhiều sự chú ý.
Tây Ban Nha cũng có 6 nhà máy đầu cuối khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) đáng mơ ước và một nhà máy nữa đang trong quá trình xây dựng. Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng đang tìm cách tăng cường liên kết với Nigeria và các nhà cung cấp nguyên liệu thô khác.
Quốc gia thuộc bán đảo Liberia này đã tạo ra hơn 21% tổng tiêu thụ năng lượng từ các nguồn tái tạo. Do đó, Tây Ban Nha hiện không gặp vấn đề về nguồn cung. Nhìn chung, nhiều người coi đây là cơ hội lớn để quốc gia này trở thành siêu cường năng lượng châu Âu trong tương lai.
Việc xây dựng MidCat Pipeline đã dừng vài năm trước.
Đưa MidCat trở lại
Tây Ban Nha, quốc gia quá phụ thuộc vào du lịch, đã hiểu ra vấn đề sau các đợt phong toả vì đại dịch và các hạn chế đi lại kèm theo. Giờ đây, Tây Ban Nha muốn sử dụng 154 tỷ USD từ quỹ Next Generation của Liên minh châu Âu (EU) để chuyển đổi xanh cho nền kinh tế. Điều này liên quan đến việc sản xuất hydro xanh.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen đồng tình với kế hoạch này. Bà cũng quan tâm đến việc hồi sinh dự án MidCat Pipeline (Midi Catalonia). Dự án này là đường ống khí đốt nối Tây Ban Nha với Pháp. Sau khi xây dựng được 80 km đường ống trên lãnh thổ Tây Ban Nha, việc xây dựng đã bị dừng lại vào năm 2019.
Nếu MidCat Pipeline được hoàn thành, đường ống này sẽ có công suất 7,5 tỷ mét khối khí đốt và có thể là khởi đầu của những dự án lớn hơn. Để dễ hình dung, đường ống Nord Stream 1 qua Biển Baltic có thể vận chuyển 55 tỷ mét khối mỗi năm.
Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera mới đây đã chỉ trích Pháp vì nước này không muốn tham gia vào việc hồi sinh dự án MidCat. Hiện tại, chỉ có hai đường ống tương đối nhỏ vận chuyển khí đốt giữa Tây Ban Nha và Pháp.
Ignacio Cembrero, một nhà báo Tây Ban Nha đồng thời là chuyên gia về Bắc Phi, cho biết: "Chủ yếu vấn đề là về tài chính. Tuy nhiên, sự thất bại của Nord Stream 2 khiến chủ đề này được quan tâm trở lại".
Tây Ban Nha sẽ cần phải đầu tư vào công nghệ mới để khai thác tiềm năng.
Giảm giá năng lượng trong nước
Để chạm tới tham vọng, trước tiên Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cần giảm giá năng lượng xuống trong thời gian ngắn. Nhiều hộ gia đình sống cảnh chật vật vì đất nước hứng chịu đại dịch Covid-19, thảm hoạ tuyết, lạm phát và giờ là hạn hán khắc nghiệt.
Đối với điện, thuế giá trị gia tăng đã giảm. Nhưng điều đó là chưa đủ đối với phe đối lập trong chính phủ. Đối mặt với giá khí đốt tăng nhanh, Thủ tướng Sanchez muốn đảm bảo các nguồn năng lượng xanh như thuỷ điện, năng lượng mặt trời và gió sẽ hấp dẫn trở lại.
Một số nhà nghiên cứu thị trường nhìn thấy cơ hội về kinh tế và chính trị cho Tây Ban Nha. Những người khác lại cho rằng mục tiêu trở thành siêu cường năng lượng châu Âu là quá viển vông.
Luis Merino, tổng biên tập tạp chí Energias Renovables, dựa trên dữ liệu của nhà điều hành thị trường điện Tây Ban Nha OMIE, cho biết: "Rõ ràng là vào năm 2025, Tây Ban Nha có thể đạt được mức giá 50 euro/MW nhờ các công viên năng lượng mặt trời và gió. Trong khi đó, Đức và Pháp sẽ trả từ 60-70 euro". Điều này thực sự sẽ giúp Tây Ban Nha trở nên hấp dẫn hơn với tư cách là một nước xuất khẩu năng lượng.
Tây Ban Nha có 5 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động.
Chiến lược mới cần thời gian
Tây Ban Nha đã có một số kinh nghiệm trong việc vận chuyển năng lượng. Vào tháng 1, nước này đã xuất khẩu điện sang Pháp nhiều hơn lượng điện nhập khẩu.
Roberto Gomez-Calvet, chuyên gia năng lượng tại Đại học Châu Âu Valencia, cho biết: "Do mật độ dân số thấp, chúng tôi cũng có cơ hội xây dựng nhiều hệ thống thủy lực hơn và đầu tư vào các nguồn như năng lượng địa nhiệt. Nhưng chiến lược của chính phủ hiện tại sẽ mất nhiều năm".
Ông tin rằng việc từ bỏ than cách đây vài năm là sai lầm trước tình hình hiện tại. Tây Ban Nha có 5 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động. Những nhà máy này sẽ bị gỡ khỏi lưới điện trong những năm tới.
Gomez-Calve khẳng định đó là điều không cần bàn cãi. Điều đó sẽ xảy ra nếu Tây Ban Nha muốn trở thành một nhà xuất khẩu năng lượng thực thụ.
Song, ông nói: "Nhưng dường như không có bất kỳ lựa chọn nào khác lúc này để thay thế lượng dầu và khí đốt bị thiếu". Đó là lý do vì sao nhà máy sản xuất hydro xanh đầu tiên vừa đi vào hoạt động đã được coi như "chuột bạch thí nghiệm".
Theo Roberto Centeno, cựu quản lý công ty khí đốt Enagas của Tây Ban Nha, để giấc mơ biến Tây Ban Nha thành nhà sản xuất năng lượng lớn thành hiện thực, nước này cần nhập khẩu lượng lớn khí đốt từ Mỹ.
Tây Ban Nha hiện có 35% trữ lượng khí đốt hoá lỏng của EU. Bồ Đào Nha, quốc gia cũng có trạm LNG, ủng hộ giấc mơ của ông Sanchez và đã nhận ra cơ hội cho chính đất nước của mình khi đầu tư nhiều hơn vào các năng lượng thay thế.
Tham khảo DW