KHI NHỮNG CON SỐ LÊN TIẾNG
Nếu 2018 là năm thị trường gọi xe Việt chứng kiến sự so găng quyết liệt giữa Grab và Go-Viet sau khi Uber rời Việt Nam, thì sang đến 2019 mọi chuyện đã gần như ngã ngũ.
Các chương trình khuyến mại rầm rộ, những phát ngôn mạnh bạo, những kỳ vọng về một chỗ đứng vững chắc nhường chỗ cho thực tế phía sau: Grab là tay chơi gần như không thể đánh bại.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, thông tin về thị phần các hãng gọi xe được công bố bởi một đơn vị đơn vị nghiên cứu thị trường độc lập, ABI Research.
Nguồn số liệu: ABI Research.
Theo báo cáo này, 6 tháng đầu năm 2019, Grab áp đảo thị trường với 146 triệu cuốc xe, tương đương 73% thị phần.
be, tân binh mới gia nhập từ tháng 12/2018, ghi nhận con số 31 triệu cuốc xe và thu về 16% thị phần.
Trong khi đó, Go-Viet, cánh tay nối dài của Go-Jek, cái tên một thời được kỳ vọng sẽ tạo thành thế đối nghịch với Grab, lại chỉ về thứ 3 với 21 triệu chuyến xe hoàn thành, tương ứng 10% thị phần.
Fastgo, ứng dụng từng được VinaCaptial rót vốn trong năm 2018, hay VATO, ứng dụng được Phương Trang tuyên bố sẽ đầu tư 100 triệu USD phát triển, và một vài cái tên khác cùng chia nhau 1% thị phần ít ỏi còn lại.
Đến lúc này, chiến lược "đốt tiền" giành thị phần của Grab đã chứng minh tính hiệu quả của nó. Rõ ràng, trên thị trường gọi xe, tiền không phải tất cả nhưng ít tiền thì thì vất vả, đặc biệt nếu đã ít tiền lại còn chậm chân.
BỎNG RÁT THỊ TRƯỜNG GIAO NHẬN ĐỒ ĂN
Trong khi thị trường gọi xe nhìn chung không quá sôi động so với năm trước, thì mảng giao nhận đồ ăn năm qua lại chứng kiến nhiều biến động mới.
Từ một dịch vụ ngách trong 2018, sang đến 2019, dịch vụ giao đồ ăn đã bùng nổ để đáp ứng nhu cầu của giới văn phòng và những người trẻ bận rộn ở thành thị.
Với góc nhìn của các ứng dụng gọi xe, dịch vụ này đem lại nguồn thu tốt hơn khi họ cùng lúc nhận chiết khâu từ các quán ăn lẫn cánh tài xế thay vì chỉ một phía như trước đây. Nhu cầu ăn uống cũng là một nhu cầu ổn định và thường xuyên, với các giao dịch giá trị thường cao hơn so với đi lại. Chưa kể, gia nhập mảng giao đồ ăn, các hãng cũng không phải tốn sức "giáo dục" thị trường hay thay đổi thói quen như với thị trường đặt xe đi lại.
Kết quả là cả GrabFood lẫn GoFood đều tích cực chạy đua các chương trình khuyến mãi, cải thiện tính năng trên ứng dụng để lôi kéo người dùng. Sự cạnh tranh này buộc Now sau đó tích hợp thêm trong nền tảng Shopee, người ‘anh em’ cùng chung một nhà là Sea - Kỳ lân công nghệ từ Singapore, để tận dụng lượng truy cập khổng lồ từ sàn TMĐT số 1 Việt Nam.
Hình ảnh quen thuộc tại nhiều nhà hàng trong giờ cao điểm: rất nhiều shipper của các hãng giao đồ ăn đang chờ lấy đồ để đem giao cho khách.
Ngoài 3 cái tên chính trong mảng giao đồ ăn kể trên, năm 2019, thị trường Việt Nam cũng đón thêm một tân binh khác là Baemin. Ứng dụng này vào thị trưởng sau khi công ty mẹ là Woowa Brothers, một startup kỳ lân tại Hàn Quốc, quyết định mua lại Vietnammm, và đổi tên thành Beamin.
So với GrabFood hay GoFood, Beamin chọn chiến lược khá an toàn, sau 7 tháng ra mắt thị trường, Beamin vẫn tập trung hoạt động chủ yếu tại TP.HCM và chưa mở rộng ra Hà Nội.
Ở một diễn biến khác, cũng vì lựa chọn phương án an toàn, Be quyết định dừng beFood dù đã có 6 tháng rục rịch chuẩn bị. Thay vào đó, hãng xe công nghệ của Việt Nam quyết tâm dồn toàn lực ở mảng vận tải để cạnh tranh với Grab.
Cục diện thị trường giao đồ ăn năm nay nhìn chung là cuộc chiến của 4 tứ trụ: GrabFood, GoFood, Now, và Baemin. Trong đó cả GrabFood và GoFood đều từng tuyên bố giữ vị trí dẫn đầu.
Tuy nhiên xét trên tình hình thực tế, tuyên bố của GrabFood nhiều phần đáng tin hơn khi đây là ứng dụng sở hữu mạng lưới tài xế lớn nhất và cũng là đơn vị duy nhất đang triển khai mô hình "bếp trên mây" Grab Kitchen tính đến thời điểm hiện tại.
NHỮNG CHIẾC GHẾ CHAO ĐẢO
2019 là năm không chỉ thị trường giao đồ ăn nổi sóng mà nội bộ các ứng dụng gọi xe cũng chịu nhiều biến động về nhân sự.
Cuối tháng 3, Go-Viet chứng kiến sự ra đi đồng thời của ông Nguyễn Vũ Đức và bà Nguyễn Bảo Linh, hai nhân vật đảm nhận vị trí Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc phụ trách phát triển.
Sau đó không lâu, cựu Giám đốc Facebook Việt Nam, bà Lê Diệp Kiều Trang được bổ nhiệm vào vị trí cao nhất tại Go-Viet. Tuy nhiên, bà Trang cũng chỉ yên vị trên ghế CEO vỏn vẹn 5 tháng trước khi rời đi để theo đuổi con đường riêng.
Kết quả này không quá khó hiểu nếu nhìn vào thực tế phát triển của Go-Viet so với các đối thủ khác trên thị trường. Vào Việt Nam đã hơn 1 năm nhưng Go-Viet thậm chí còn không có dịch vụ gọi xe 4 bảnh như be; mảng thanh toán không tiền mặt Go-Pay vẫn chưa được triển khaib trong khi mảng xe 2 bánh lại chỉ đứng thứ 3.
Với kết quả có phần đáng thất vọng này, phía công ty mẹ là Go-Jek có lẽ buộc phải nghĩ tới phương án đổi tướng để xoay chuyển cục diện có phần trì trệ hiện tại.
Nhà sáng lập, CEO Trần Tranh Thải của Be.
Khác với Go-Viet, sau một năm ra mắt được đánh giá là khá rực rỡ, nhà sáng lập, CEO Trần Thanh Hải của beGroupcũng bất ngờ rời ghế. Ông Hải ra đi trong bối cảnh ứng dụng này vừa kỷ niệm 1 năm sinh nhật với hàng loạt chương trình tri ân ấn tượng dành cho tài xế như mời miễn phí bánh mì, cà phê, nước giải khát, mời rửa xe, thay dầu,...
Nhiều ý kiến đánh giá với Go-Viet sự ra đi của đội ngũ nhân sự cấp cao xoay quanh câu chuyện tăng trưởng thì với be, đó là câu chuyện tiền bạc.
Chiến lược đổ tiền đổi tăng trưởng, đặt giá cao, sau đó khuyến mại sâu sẽ giúp be vừa giữ chân được tài xế, vừa có được khách hàng. Nhưng cách làm này đương nhiên sẽ khiến be phải "cắn răng" chịu lỗ. Dường như đã tới lúc khoản lỗ vượt quá sức chịu đựng của các nhà đầu tư phía sau và ngay cả bản thân founder Trần Thanh Hải.
TƯƠNG LAI BẤT ĐỊNH PHÍA TRƯỚC
Với những diễn biến nói trên, 2019 sẽ là năm Grab tiếp tục củng cố địa vị của mình ở mảng gọi xe và giao hàng, đồng thời đẩy mạnh phát triển các giải pháp công nghệ tài chính (fintech), công nghệ di động mới (mobility) và logistics, như họ đã từng tuyên bố hồi tháng 9 vừa qua.
Sẽ khá khó khăn cho các tay chơi trong hiện tai, và cả những tên tuổi mới (nếu có) để đánh bại vị trí số 1 của Grab. Đặc biệt khi ông lớn đến từ Singapore sẵn lòng bỏ thêm 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong vòng 5 năm tới, còn người dùng cũng khó rời đi nếu đã quen với tốc độ và sự tiện lợi từ các dịch vụ trong hệ sinh thái Grab.
Như vậy, cuộc chiến trên thị trường gọi xe khả năng lớn sẽ là cuộc chiến giữa "tay chơi" nắm vị trí thứ hai – Be và vị trí thứ ba – Go-Viet.
Điểm chung là cả hai cùng phải giải bài toán trước mắt: Ai sẽ ngồi vào ghế CEO? Chưa nói đến việc phải cạnh tranh với đối thủ Grab, một số nhân vật có thâm niên làm việc trong ngành nhận định người ngồi được vào "ghế nóng" phải là làm được 3 mục tiêu cùng lúc: giữ chân đối tác tài xế, hài lòng khách hàng và duy trì tăng trưởng
Vì vậy không phải tự nhiên mà vị trí CEO Go-Viet vẫn còn trống đến ngày hôm nay.
Trong bối cảnh quốc tế, sự niêm yết không mấy thành công của cả Uber lẫn Lyft sẽ làm cho các tay chơi trên thị trường gọi xe nói chung vô cùng khó khăn khi gọi vốn tiếp. Tương lai của các công ty trên thị trường gọi xe lúc này đều là bất định nhưng quan trọng là ở mức ít hay nhiều.
Tuy vậy, Go-Viet sẽ vẫn được công ty mẹ Go-Jek bơm tiền để chiến đấu tiếp như một phần của chiến lược mở rộng thị trường quốc tế mà ông lớn đến từ Indonesia đã thông báo trong tháng 10 vừa qua. Còn Be, với một quãng thời gian đốt tiền miệt mài, cộng thêm nhà sáng lập, người được coi là linh hồn trong mỗi startup, quyết đinh rời đi, nhà đầu tư nào sẽ sẵn lòng cùng Be đi tiếp chặng đường sắp tới?