Đại dịch Covid-19 - cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng chưa từng thấy trong lịch sử - đã gây ra những tác động nghiêm trọng nhất trên toàn cầu kể từ sau Thế chiến thứ 2. Tại Mỹ, cuộc khủng hoảng này chưa bao giờ tiến gần tới giai đoạn chấm dứt.
Tuy nhiên, chiến lược vaccine được đánh giá là "thần kỳ" của nước này đang dần đẩy lùi dịch bệnh.
Những thành phố hoang vắng mỗi đêm từng vang inh ỏi tiếng còi xe cứu thương giờ đây đang sôi động trở lại. Khách du lịch bắt đầu bay trở lại, lấp đầy những chiếc phi cơ từng phải "đắp chiếu" nhiều tháng trời.
Theo CNN, cuộc sống đang dần phục hồi tại Mỹ - điều mà nhiều người không tin là có thật. Người Mỹ đang bắt đầu gặp gỡ nhau, không cần đẹp khẩu trang và ôm hôn chào nhau trở lại.
Người già được đoàn tụ với gia đình sau thời gia xa cách. Người trẻ đã được tiêm phòng thì hào hứng với những đêm vui chơi không nghỉ. Các sân vận động bắt đầu được lấp đầy trong các trận bóng rổ, khúc côn cầu.
Người Mỹ thoải mái tắm nắng trong công viên, nhiều người không cần đeo khẩu trang - Ảnh: CNN
Sự phục hồi đang diễn ra nhanh chóng trên khắp nước Mỹ. Các công viên giải trí đã mở cửa trở lại. Người dân cũng lại cảnh tắc đường vào giờ cao điểm. Các tòa nhà văn phòng mở cửa đón nhân viên. Những buổi hẹn ăn tối không còn phải diễn ra giữa những vách ngăn.
Trường học dự kiến sẽ mở cửa vào tháng 9 tới. Tại sân khấu kịch Broadway, các buổi biểu diễn sẽ sớm được tổ chức.
"Ít nhất giờ đây có thể tin vào lời đảm bảo của Tiến sĩ Anthony Fauci (cố vấn về Covid-19 của Nhà Trắng) trong những ngày đen tối của mùa đông năm ngoái rằng đại dịch sẽ kết thúc", CNN nhận xét, dù rằng không ngạc nhiên khi nhiều người, sau nhiều đau đớn và thiếu thốn, băn khoăn rằng đại dịch mới chỉ tạm dừng mà thôi.
Đó là câu chuyện vào mùa hè năm ngoái, khi quyết định mở cửa trở lại quá sớm tại khu vực đông nam và tây nam nước Mỹ của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã gây ra làn sóng bùng dịch với số ca tử vong kỷ lục.
Số liệu về số ca nhiễm và tử vong mỗi ngày tại Mỹ cho thấy rõ ràng rằng dịch bệnh đã bắt đầu thuyên giảm. 36 bang của Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới giảm rõ rệt. Tính tới ngày 25/5, số ca nhiễm mới trung bình ngày của nước này là 25.270. Lần cuối cùng nước này ghi nhận số ca nhiễm mới trung bình 7 ngày dưới mức 25.000 là vào giữa tháng 6/2020.
Nền kinh tế Mỹ đang phục hồi nhanh chóng. Theo Chỉ số Phục hồi Doanh nghiệp do CNN và Moody's Analytics công bố, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phục hồi được 90% mức trước khủng hoảng.
Dù một số nơi vẫn xảy ra tình trạng thất nghiệp, một số nơi khác lại ghi nhận tình trạng thiếu lao động. Điều này cho thấy tốc độ phục hồi nhanh chóng và tỷ lệ thất nghiệp sẽ sớm giảm xuống.
Kết quả của việc triển khai tiêm chủng vaccine từng được thấy ở các nước khác giờ đây cũng xuất hiện ở Mỹ. Các loại vaccine có hiệu quả phòng ngừa cao cũng giúp số ca bệnh nặng giảm đáng kể.
"Điều này mang rất nhiều ý nghĩa. Nó đồng nghĩa với việc một mùa hè tươi sáng đang tới", Monica Gandhi, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California cho biết.
Ông nhận định không lâu nữa thôi, Mỹ có thể chỉ ghi nhận 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày và điều này đồng nghĩa rằng đại dịch đã chấm dứt.
Theo CNN, điều khác biệt là vào mùa hè năm nay, hàng chục triệu người Mỹ - chính xác là 131 triệu người - sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ. Đến nay, gần 300 triệu mũi vaccine đã được tiêm, giúp giảm đáng kể số lượng người nhiễm virus.
Bên cạnh việc tiêm vaccine tại các trung tâm y tế, Mỹ còn triển khai tiêm tại các điểm cơ động - nơi người dân có thể lái xe vào và tiêm rồi đi thẳng về nhà- Ảnh: Time.
Theo dữ liệu từ Our World in Data, tính tới ngày 24/5, 49,1% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 và 39% dân số đã được tiêm đầy đủ. Mỹ nằm top các quốc gia tiêm vaccine Covid-19 nhanh nhất thế giới, trung bình 1,75 triệu/ngày trong tuần trước.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ mới đây đã phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNtech để tiêm cho nhóm người ở độ tuổi 12-15 nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm ở nhóm tuổi này.
Theo CNN, vaccine ngừa Covid-19 - được phát triển dưới thời chính quyền Trump và được triển khai tiêm chủng toàn quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden - đang mở ra tương lai của nước Mỹ, mà ở đó người dân có thể sống chung với dịch bệnh, kể cả khi dịch bệnh không biến mất hoàn toàn.
Bên cạnh sự háo hức trở lại các hoạt động bị ngưng trệ vì đại dịch, nhiều người vẫn không quên được những mất mát do cuộc khủng hoảng này gây ra. Gần 600.000 người Mỹ đã không thể vượt qua đại dịch để chứng kiến sự trở lại này. "Bóng ma" Covid-19 có thể sẽ còn những tác động dai dẳng với những người nhiễm bệnh.
Dư chấn của đại dịch Covid-19 cũng lan sang quan hệ ngoại giao của Mỹ vói các nước, đặc biệt là Trung Quốc. Những tranh cãi về nguồn gốc của Covid-19 từ Vũ Hán, Trung Quốc là nguyên nhân khiến quan hệ Mỹ - Trung càng thêm xấu đi trong bối cảnh chiến tranh thương mại.