Bộ NN&PTNT vừa chức hội nghị “Đánh giá kết quả chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2018 định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040”.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau 10 năm triển khai Chiến lược, ngành chăn nuôi đã đạt được sự tăng trưởng khá cao và ổn định với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5-6%/năm, trong đó giai đoạn 2011-2015 đạt 4,5-5%, giai đoạn 2016-2018 đạt trung bình 6%/năm.
Kết quả này đã góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, thay thế nhập khẩu và bước đầu cho xuất khẩu một số sản phẩm.
Chăn nuôi chuyển dịch nhanh theo hướng trang trại, công nghiệp chiếm trên 45% về quy mô và trên 60% về sản lượng. Đến năm 2018, sản lượng thịt các loại trên 5,3 triệu tấn (trong đó thịt lợn đạt trên 3,8 triệu tấn, thịt gia cầm 1,2 triệu tấn) tương đương 220.000-230.000 tỷ đồng, riêng giá trị ngành hàng thịt lợn đã ngang bằng với ngành lúa gạo.
Trên 11,5 tỷ quả trứng (tương đương khoảng 23.000 tỷ đồng) và trên 960.000 tấn sữa tươi nguyên liệu (tương đương với trên 12.000 tỷ đồng). Doanh số ngành TACN công nghiệp hằng năm đạt gần 20 triệu tấn (tương đương với trên 200.000 tỷ đồng)…
Có thể nói trong nông nghiệp hiện nay, chăn nuôi là lĩnh vực thu hút đầu tư xã hội lớn nhất mà phần lớn đều do tư nhân đầu tư, nhất là lĩnh vực sản xuất TACN với trên 99% vốn đầu tư là của tư nhân.
Cùng với toàn ngành nông nghiệp, lĩnh vực chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6 - 6,5 triệu hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi bộ mặt của khu vực nông thôn…
Tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi trong giai đoạn 2011-2015 vẫn thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của Chiến lược đề ra là 6-7%, giai đoạn 2016-2018 cơ bản đạt so với mục tiêu 5-6%.
Đáng lưu ý, đến năm 2018, đàn lợn còn 28,1 triệu con. Nhưng đầu năm 2019, Việt Nam đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, đàn lợn bị tiêu hủy khoảng 6 triệu con, giảm khoảng trên 20% số đầu con và chưa có dấu hiệu dừng lại...
Như vậy, thực tế tăng trưởng về quy mô đàn lợn giai đoạn 2008 - 2018 là thấp hơn khá nhiều so với định hướng của Chiến lược, lý do chính là ảnh hưởng của dịch bệnh, sử dụng chất cấm và thị trường...
Thời gian tới, sẽ đầu tư cho việc nâng cao năng lực vận chuyển, giết mổ tập trung, công nghiệp các loại vật nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi.
Để đáp ứng tình hình mới, Bộ NN&PTNT đang dự thảo về chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040.
Theo đó, đặt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Đến năm 2030 sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.
Đến năm 2030, sẽ phát triển chăn nuôi lợn với các giống cao sản theo hướng trang trại công nghiệp, đồng thời mở rộng quy mô đàn lợn chăn nuôi theo hướng hữu cơ, truyền thống với các giống lợn bản địa, lợn lai giữa giống cao sản và giống bản địa.
Tổng đàn lợn có mặt thường xuyên ở quy mô khoảng 29-30 triệu con, trong đó đàn lợn nái khoảng 2,5-2,8 triệu con; đàn lợn nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%.
Đối với gia cầm, phát triển theo phương thức công nghiệp. Tổng đàn gà có mặt thường xuyên khoảng 400-450 triệu con, trong đó ít nhất 60% nuôi theo phương thức công nghiệp…
Sẽ ổn định quy mô công suất thiết kế các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp đến năm 2030 khoảng 40-45 triệu tấn, sản lượng thực tế khoảng 30-32 triệu tấn, chiếm khoảng 70% thức ăn tinh tổng số...
Về tầm nhìn đến năm 2040, chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Trình độ và năng lực sản xuất ngành chăn nuôi Việt Nam thuộc nhóm đầu của các nước trong khu vực ASEAN. Khống chế và kiểm soát tốt một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tới 100% sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70 % khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua chế biến, trong đó có 30% được chế biến sâu…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, quy mô ngành chăn nuôi còn nhỏ lẻ, triển khai Luật Chăn nuôi cũng như Chiến lược chăn nuôi giai đoạn mới phải có bước đi từng giai đoạn. Tuy nhiên, có những vướng mắc phải quyết liệt trong tháo gỡ để đảm bảo cơ cấu và tổng sản lượng thực phẩm phù hợp với từng năm và từng giai đoạn.
Dự thảo chiến lược đề ra 4 đề án liên quan đến các lĩnh vực cần tập trung nguồn lực để thực hiện thời gian tới: Công nghiệp sản xuất giống vật nuôi và công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; công nghiệp giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi; nâng cao năng lực kiểm soát soát dịch bệnh và xử lý chất thải trong chăn nuôi; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản lý Nhà nước, đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại ngành chăn nuôi thú y.
Tổng số kinh phí dự kiến cho việc thực hiện các đề án mà Chiến lược đề ra trong giai đoạn 2020-2030 khoảng 66.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng 14.600 tỷ đồng chiếm 22% còn lại huy động các nguồn lực xã hội để triển khai thực hiện.