Hướng đến 4 thị trường nước ngoài
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ( HoSE: HBC ) vừa tổ chức hội nghị các nhà phân tích với chủ đề "Bứt phá dũng mãnh". Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT tiếp tục nhấn mạnh chiến lược xuất khẩu ngành xây dựng ra nước ngoài nhằm đảm bảo mục tiêu doanh thu 5 năm tăng 5 lần, tức 5 năm sau doanh thu đạt 4 tỷ USD, lợi nhuận bằng 5% doanh thu, tương đương 200 triệu USD.
Cụ thể, ông David Martin Ruiz, Giám đốc Xây dựng thị trường nước ngoài của Hòa Bình cho biết 4 thị trường hướng đến là Canada, Australia, Mỹ, châu Âu. Các thị trường này có môi trường kinh doanh tốt, tốc độ tăng trưởng nhà ở cao và đặc biệt, giá xây dựng rất cao. Ông David Martin Ruiz kỳ vọng giá xây dựng cao sẽ giúp tăng doanh thu và lợi nhuận từ nước ngoài sẽ đóng góp lớn hơn cho Hòa Bình. Ông lấy ví dụ nếu so sánh cùng một tòa nhà xây dựng ở Việt Nam với một tòa nhà ở Australia, doanh thu của Hòa Bình sẽ tăng gấp 7-8 lần và lợi nhuận đạt được cao gấp 15-20 lần.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình có chiến lược tiến ra thị trường nước ngoài. Ảnh: HBC
Để đầu tư ở một quốc gia mới, Hòa Bình dự kiến triển khai 3 hướng: (1) Không đầu tư vào dự án, (2) Tham gia với tư cách là nhà đồng phát triển dự án, (3) Mua lại công ty xây dựng đang hoạt động ở địa phương. Ông David Martin Ruiz nhấn mạnh Hòa Bình sẽ ưu tiên tập trung vào giải pháp 2 và 3.
Về giải pháp tham gia phát triển dự án với tư cách nhà đồng phát triển, Hòa Bình đã xác định hơn 20 dự án khả thi, trong đó 10 dự án có tiềm năng trung bình hoặc cao với doanh thu khoảng 350 triệu USD.
Đại diện Hòa Bình cho biết 2 dự án sẽ được chốt vào quý III năm nay gồm một dự án tại Brisbane, Australia và một dự án tại Ontario, Canada với tổng giá trị khoảng 60 triệu USD. Dự kiến, Hòa Bình sẽ triển khai các dự án này từ quý II/2023.
Nguyên tắc của Hòa Bình là đầu tư vào dự án với tỷ lệ không quá 20%. Ông David Martin Ruiz cho rằng nếu góp một phần vốn chủ sở hữu với chủ đầu tư, chắc chắn họ sẽ lựa chọn Hòa Bình làm nhà thầu dự án.
Về phương án M&A, công ty sẽ thực hiện mua lại công ty xây dựng địa phương với tỷ lệ chi phối. Dự kiến giai đoạn 2022 - 2024, Hòa Bình tập trung đầu tư phát triển dự án và mua lại nhóm công ty đầu tiên. Sau đó giai đoạn 2024 - 2026 là khoảng thời gian tạo ra lợi nhuận. Mỗi năm, công ty đều đánh giá lại chiến lược và kết quả kinh doanh. Nếu mọi thứ diễn biến tốt, giai đoạn 2026 - 2029, công ty sẽ M&A nhóm công ty thứ hai. Những năm 2030 - 2032, Hòa Bình sẽ xem xét mua lại nhóm công ty thứ 3, nếu thị trường thuận lợi.
Nâng cao chất lượng các khoản phải thu
Kết thúc tháng 7, Hòa Bình cho biết đã trúng thầu 15.000 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch cả năm. Tổng giá trị các hợp đồng đã ký (backlog) tại thời điểm 30/6 là 26.500 tỷ đồng. Trong đó, 10.000 tỷ đồng sẽ được ghi nhận doanh thu năm 2022 và 16.500 tỷ đồng dự kiến ghi nhận năm 2023. Khả năng đạt kế hoạch doanh thu năm 2022 là khả thi (khoảng 750 - 800 triệu USD, tương ứng 18.000 - 19.000 tỷ đồng).
Tại ngày 30/6, theo báo cáo tài chính, khoản phải thu ngắn hạn và phải thu theo tiến độ hợp đồng đạt 10.880 tỷ đồng, chiếm đến 60% tổng tài sản của công ty. Việc tăng khoản phải thu cũng là nguyên nhân chính dẫn đến dòng tiền hoạt động kinh doanh bị âm 1.364 tỷ đồng trong kỳ này.
Ông Phạm Hữu Toản, Phó Giám đốc tài chính Hòa Bình cho biết công ty đang từng bước nâng cao chất lượng khoản phải thu bằng cách sàng lọc chủ đầu tư, chỉ tập trung vào các doanh nghiệp có thương hiệu, năng lực tài chính; Nghiên cứu bổ sung các điều khoản thanh toán đảm bảo quyền lợi nhà thầu; Tiếp cận các thị trường mới và tiềm năng, đặc biệt ở thị trường có thông lệ kinh doanh tốt...
Trong năm 2022 - 2024, Hòa Bình tiếp tục triển khai kế hoạch thoái vốn các dự án bất động sản trong nước, dự kiến thu về doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận không dưới 700 tỷ đồng.