Mô hình Omnichannel sẽ tiếp tục phát triển trong giai đoạn bình thường mới
Cụ thể, báo cáo cho biết, đại dịch đã thúc đẩy sự xuất hiện của mô hình cửa hàng hỗn hợp Omnichannel. Đây là mô hình cửa hàng hỗn hợp đa kênh mới, kết hợp giữa cửa hàng vật lý và dịch vụ hậu cần như mua hàng trực tuyến, nhận tại cửa hàng hoặc nhận bên ngoài.
Trên thực tế, các đại gia bán lẻ tại Việt Nam như Thế Giới Di Động, WinMart... đã nhanh chóng áp dụng mô hình đa kênh, bao gồm các kênh trực tuyến và các kênh trực tiếp nhằm tương tác với người mua mọi lúc mọi nơi để quá trình mua sắm không bị gián đoạn.
Vietnam Report dự báo, trong giai đoạn tới, xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục phát triển, cùng với sự tái cấu trúc hoạt động từ cửa hàng vật lý, nhà kho đến trụ sở văn phòng hỗ trợ.
Một cuộc khảo sát gần đây của Vietnam Report cho thấy, 51,96% người sẽ mua sắm trực tuyến thường xuyên như khi xảy ra đại dịch. Trong khi đó, 45,10% người cho rằng sẽ mua sắm trực tuyến ít hơn so với khi đại dịch bùng phát nhưng nhiều hơn so với trước khi có dịch.
Bên cạnh đó, 4 trong 6 yếu tố hàng đầu thúc đẩy khách hàng mua sắm đa kênh có liên quan đến hậu cần, cụ thể: Giao hàng tận nơi, và tốc độ giao hàng (89,22%); Sản phẩm đa dạng, phong phú (52,94%); Phương thức đặt hàng dễ dàng (50,98%); Tiết kiệm thời gian mua sắm (49,02%); Có nhiều chương trình khuyến mãi (49,02%); Không phải xếp hàng chen chúc và tiếp xúc nhiều người (34,31%).
4 trong 6 yếu tố hàng đầu thúc đẩy khách hàng mua sắm đa kênh có liên quan đến hậu cần. Nguồn: Vietnam Report.
Do vậy, việc tạo ra một mạng lưới đáp ứng nhanh hơn là điều quan trọng hàng đầu mà các nhà bán lẻ cần phải xây dựng để duy trì khả năng cạnh tranh trong bán hàng đa kênh và sẽ đòi hỏi cả sự thay đổi tư duy và mô hình hoạt động giữa các nhà bán lẻ.
Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh, thương mại điện tử sẽ không thay thế các cửa hàng vật lý. Các cửa hàng không còn là một địa điểm chỉ để trưng bày các mặt hàng, mà có vai trò trong tích hợp vào quy trình mua hàng trực tuyến khi xu hướng hướng mô hình trực tuyến - hợp nhất - ngoại tuyến (OMO) sẽ tiếp tục phát triển.
Bên cạnh đó, các trụ sở văn phòng hỗ trợ các cửa hàng, siêu thị cũng sẽ được cải tổ lớn. Khi làm việc từ xa đang trở nên phổ biến hơn, các doanh nghiệp bán lẻ cần phải cải thiện triệt để hiệu quả hoạt động và chuyển nhiều hơn sang các phong cách làm việc kỹ thuật số. Điều này đòi hỏi người giám sát và hoạt động của trụ sở phải thay đổi để có thể hỗ trợ cửa hàng ngay cả trong trường hợp khẩn cấp.
Mức độ áp dụng công nghệ tại cửa hàng, siêu thị
Vietnam Report cho hay, Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, cùng với đó là nhu cầu và sở thích của khách hàng đã trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ. Do vậy, khi nới lỏng các biện pháp giãn cách và phong tỏa, khách hàng có thể sẽ quay lại các cửa hàng bán lẻ với kỳ vọng cao hơn đáng kể về trải nghiệm tại cửa hàng.
Trải nghiệm này phần lớn sẽ được thúc đẩy bởi mức độ mà các cửa hàng bán lẻ tích hợp một cách chặt chẽ với các công nghệ như tương tác công nghệ di động, số hóa sản phẩm, thông tin hàng tồn kho theo thời gian, quản lý khách hàng thân thiết và thiết kế tại cửa hàng. Bên cạnh đó, khách hàng hiện nay còn thích quy trình mua hàng không cần chạm, các cửa hàng bán lẻ thanh toán tự động không người bán.
Kết quả khảo sát khách hàng của Vietnam Report vào tháng 8/2021 cho thấy, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, hình thức thanh toán được ưa chuộng vẫn là tiền mặt. Nhưng để tránh lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt, các hình thức thanh toán số đã được đẩy mạnh hơn, đặc biệt là qua Internet banking, ví điện tử và quét mã QR.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người e ngại với hình thức này với nguyên nhân lớn nhất là lo ngại vấn đề bảo mật (63,73%), nhiều địa điểm bán hàng chỉ chấp nhận thanh toán tiền mặt (48,04%).
Trải nghiệm của người tiêu dùng giai đoạn bình thường mới sẽ được thúc đẩy bởi mức độ mà các cửa hàng bán lẻ tích hợp các giải pháp công nghệ. Nguồn: Vietnam Report.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tính bền vững, sức khỏe, sự lành mạnh, và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Báo cáo nhận định, trong suốt khoảng thời gian khi đại dịch xảy ra, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến lối sống lành mạnh, do đó, trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng sẽ có xu hướng thay đổi trong thời gian tới.
Cụ thể, gần 99% người trả lời trong khảo sát của Vietnam Report hoàn toàn đồng ý và tương đối đồng ý lựa chọn mua hàng từ những công ty có danh tiếng về trách nhiệm xã hội. Một số người tiêu dùng lại đang chọn các thương hiệu mới, nhỏ hơn, mới hơn mà họ cho là xác thực và sáng tạo hơn.
Ngoài ra, các chuyên gia và doanh nghiệp bán lẻ trong khảo sát của Vietnam Report đã đưa ra 4 yếu tố bên ngoài ảnh hưởng nhất đến kết quả cũng như chiến lược của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Cụ thể, 4 yếu tố bao gồm khả năng kiểm soát dịch bệnh và tốc độ bao phủ vắc xin; sự thay đổi hành vi và các phương pháp tiếp cận người tiêu dùng; mức thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng; sự phát triển của thương mại điện tử và xu hướng mua hàng trực tuyến.
Trong dài hạn, Vienam Report nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam còn được thúc đẩy bởi các yếu tố khác khi là một nước có dân số gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh nhất thập kỷ, và trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.