Vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang đổ vào Việt Nam sau nhiều biến động của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, nhưng điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng dòng vốn này. Chính vì vậy mới đây, Bộ Chính trị đã họp phiên định kỳ và một trong những nội dung được xem xét chính là Báo cáo về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Công ty Estec Phú Thọ đầu tư 8 triệu USD để xây dựng nhà máy mới.
Tại VFB giữa kỳ vừa qua, dù ghi nhận nhiều tiến bộ trong hoạch định chính sách, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều lời than phiền khi đầu tư vào Việt Nam. Chẳng hạn Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) nói có nhiều doanh nghiệp FDI tin tưởng vào chính sách phát triển khu công nghiệp của chính quyền địa phương nên rót vốn đầu tư. Nhưng không phải lúc nào tình hình cũng tốt đẹp.
Có trường hợp doanh nghiệp FDI còn gặp khó khăn chỉ vì địa phương thay đổi chính sách. KoCham khi ấy kể câu chuyện của Công ty Estec Phú Thọ, có trụ sở tại tỉnh Phú Thọ. Hồi tháng 6 vừa qua Công ty này quyết định đầu tư 8 triệu USD để xây dựng nhà máy mới. Lý do là họ thấy cơ sở Dữ liệu quảng bá thu hút đầu tư nước ngoài do tỉnh Phú Thọ phát hành năm 2015 có chủ trương này.
Ấy vậy mà, tỉnh Phú Thọ mới rồi đột ngột thay đổi quy hoạch phát triển khu công nghiệp. Hệ quả là khu vực mà Công ty Estec Phú Thọ đặt nhà máy chỉ là cụm công nghiệp - khu công nghiệp của địa phương chứ không phải là khu công nghiệp. Đương nhiên, việc thay đổi này sẽ dẫn đến những hệ quả khác nhau trong áp dụng chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI.
Xu hướng dịch chuyển vốn để "né" các vấn đề liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã biến Việt Nam thành tâm điểm đầu tư của thế giới.
Đại diện KoCham nói rằng: "doanh nghiệp này đang phải đối mặt với khó khăn trong hoạt động kinh doanh do không được chỉ định là doanh nghiệp chế xuất (EPE) - do chỉ các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp của quốc gia mới có thể xin cấp phép theo Nghị định số 82 của Chính phủ".
Thật ra đây không phải là chuyện cá biệt. Từ nhiều năm nay, dường như các nhà đầu tư nước ngoài đều "than phiền" về các chính sách mỗi khi có dịp đối thoại với các bộ, ngành và Chính phủ. Mỗi một cuộc đối thoại là những khó khăn khác nhau về chính sách. Hầu như mọi lĩnh vực có mặt các nhà đầu tư nước ngoài đều luôn tồn tại những khó khăn, nhất là khó khăn trong áp dụng pháp luật và hoạch định chính sách.
Cũng dễ hiểu bởi cuộc sống luôn vận động, chính sách cũng phải có những điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Nhưng sự điều chỉnh ấy mang lại lợi ích lâu dài gì cho nhà đầu tư nước ngoài nói riêng và các nhà đầu tư nói chung lại là vấn đề khác.
Sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới
Trong thời gian tới đây, những điều chỉnh về chính sách trong các lĩnh vực như lao động, công đoàn, đầu tư, kinh doanh… chắc chắn sẽ diễn ra khi các dự luật liên quan đến những vấn đề này đã được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Những điều chỉnh ấy, như đã biết, cũng là một phương cách để thích ứng với những Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA… mà Việt Nam đã ký kết.
Đương nhiên, điều này cùng với thương chiến Trung – Mỹ đang "tạo cơ hội và thách thức" cho Việt Nam. Cơ hội để Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi dòng vốn đang có dấu hiệu dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc để tránh các căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc. Việt Nam có trở thành "tâm điểm đầu tư" trong khu vực hay không lại còn phải tùy thuộc vào khả năng "hấp thụ" cơ hội mà những căng thẳng thương mại bỗng dưng tạo ra.
Số liệu thống kê đương nhiên đang báo hiệu những điều đáng mừng. Ngay cả các nhà đầu tư Trung Quốc, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019 đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam tới 2,285 tỷ USD. Đây được coi là điều chưa từng có. Sẽ có những vấn đề liên quan đến chất lượng dòng vốn từ Trung Quốc như Bộ KH&ĐT đã từng cảnh báo và đó chính là thách thức để Việt Nam có thể đề ra được một chiến lược thu hút đầu tư mới hơn, tiến bộ hơn, thông thoáng và an toàn hơn.
Đề án về thu hút FDI đã được Bộ Chính trị thông qua. Đề án này được Bộ KH&ĐT xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền dựa trên kinh nghiệm 30 năm thu hút FDI. Và như tinh thần chung, giải pháp căn cơ và lâu dài nhất trong đề án này chính là việc hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Ở tầm định hướng của Đảng thì như vậy. Định hướng ấy rồi sẽ được thể chế hóa và các cơ quan có chức năng sẽ phải triển khai. Nhưng bắt đầu từ bây giờ, khi những "tín hiệu vui" về đầu tư nước ngoài đã và đang diễn ra đối với Việt Nam, thì Chính phủ cũng đã có những động thái tích cực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây xác định tinh thần lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài là phải có chọn lọc, chú trọng vào các tập đoàn hàng đầu thế giới, có công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Với cách thức điều hành quen thuộc, Thủ tướng thông báo sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt đón làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam, đồng thời cần đưa ra các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư.
Đương nhiên, việc thành lập Tổ công tác đặc biệt là điều cần thiết trong giai đoạn đổi mới, hoàn thiện thể chế về thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng khi kết thúc giai đoạn ấy, thì hiệu quả của thể chế thu hút FDI có cao hay không lại dựa vào việc có còn những "than phiền" của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hay không.
Bài toán này, Tổ công tác đặc biệt có thể khó giải được. Mà như lãnh đạo cấp cao hay nói: cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.