Chiến sự bùng nổ khiến khách Nga ngần ngại, hủy tour đến Việt Nam. Du lịch lo ngại mất khách từ thị trường trọng điểm, chưa kể còn ảnh hưởng đến việc đón khách quốc tế khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn từ 15/3.
"Không còn nước mắt để khóc"
Tuy vẫn đón khách du lịch đến từ Nga vào ngày 24/2, sắp tới là hai chuyến ngày 3/3 và 6/3 do các chuyến charter không bay qua Nga, Ukraine hay các nước Đông Âu mà bay thẳng qua Đức, ông Nguyễn Đức Tấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam, cho hay sức mua của khách Nga đang sụt giảm do ảnh hưởng của chiến sự Nga - Ukraine, đồng Rúp mất giá.
“Công ty tôi đã ghi nhận tình trạng khách hủy từ trước Tết Nguyên đán, gần đây con số này cao hơn, lên gần gấp đôi do người Nga ngần ngại đi du lịch thời điểm này”, ông nói.
Ông Tấn lý giải, dù đã xác định khi triển khai thí điểm, bay charter không thể đầy khách và DN chấp nhận thua lỗ, song ông phải thừa nhận rằng các chuyến gần đây trống nhiều mà vẫn phải bay.
Lãnh đạo DN đứng đầu về đón khách du lịch Nga vào Việt Nam đang theo dõi tình hình, hy vọng đến giữa tháng 3, đầu tháng 4, khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch và tình hính chiến sự tạm lắng, người Nga sẽ đi du lịch trở lại.
Khách Nga là một trong những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam |
Trao đổi với PV. VietNamNet, bà Hoàng Thị Phong Thu - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Lữ hành Pegas Misr Việt Nam, đơn vị lữ hành chuyên về khách Nga lớn thứ hai ở Việt Nam, cũng đánh giá, chắc chắn cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của công ty.
Theo bà, đồng Rúp của Nga đang bị mất giá mỗi ngày, trong khi ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua vẫn chưa có hồi kết.
Công ty Pegas đang từng bước khởi động lại bộ máy để đưa khách Nga đi nghỉ dưỡng ở Việt Nam, đặc biệt từ 15/3 khi du lịch mở cửa toàn bộ biên giới. "Nhưng đó mới chỉ là kế hoạch dự định. Chúng tôi bắt buộc phải chờ quy định hướng dẫn cụ thể của Chính phủ sau khi thống nhất với các bộ, ngành liên quan. Vì khi bán tour trên thị trường Nga cũng như bộ máy quản lý điều hành công ty cũng phải dựa vào quy định chung này để có cơ sở triển khai", bà nói.
Trong khi mọi việc còn đang ngổn ngang thì cuộc chiến Nga - Ukraine lại xảy ra. Bà lo lắng khi cùng một lúc chồng chất hai rủi ro bất khả kháng ngoài tưởng tượng, công ty bà và các đối tác lâu dài tại Việt Nam "không còn nước mắt để khóc".
Khách Nga vốn là dòng khách chủ lực của du lịch Việt Nam. Theo báo cáo mới nhất từ Bộ VH-TT&DL, đến ngày 10/2, Việt Nam đón được khoảng 9.000 khách quốc tế đi theo chương trình thí điểm, trong đó, khách chủ yếu đến từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada,…
Tại Khánh Hòa, một trong 5 địa phương tham gia thí điểm đón khách quốc tế từ đầu, các đoàn khách đến từ Nga là những vị khách quốc tế đầu tiên “xông đất” sau 2 năm đóng băng vì dịch bệnh. Đây cũng là địa phương đón khách Nga lớn nhất, chiếm tới hơn 70% cả nước với hơn 463.000 lượt khách vào năm 2019.
Qua khảo sát, khách Nga đến Khánh Hòa có thời gian lưu trú khoảng 14 ngày/khách; chi tiêu khoảng 1.500 USD/người, tương đương 110 USD/ngày/khách
Do vậy, trả lời báo chí trước đó, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Crystal Bay (Crystal Bay Group) từng cho hay, nguồn khách Nga rất ổn định, khách đặc biệt muốn trở lại Việt Nam sau thời gian dài hạn chế đi lại vì dịch bệnh. Khách chủ yếu đến từ 3 thành phố chính là Moskva, Novosibirsk và Vladivostok của Nga. Khách vào lúc nào, lữ hành đón lúc đó và có thể đón lượng lớn cùng lúc.
Nguy cơ nguồn khách Nga bị giảm sút do ảnh hưởng từ chiến sự Nga - Ukraine |
Khó đoán định
Trong khi đó, việc đưa người Việt Nam đi du lịch Nga cũng gần như hết hy vọng. Tổng giám đốc một DN lữ hành lớn cho hay, mọi tour tuyến outbound sang Nga dự kiến trở lại từ tháng 3 giờ bị ngưng trệ, trong khi thường vào mùa hè (tầm tháng 6, tháng 7) hàng năm, người Việt Nam đi Nga rất nhiều. Chưa kể, khách từ Nga kết hợp sang các nước châu Âu như Áo, Pháp,... Còn lượng khách Nga đến Nha Trang, Phú Quốc giờ cũng khó đoán định.
Chỉ nửa tháng nữa là đến thời điểm du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn (từ 15/3). DN du lịch lo ngại, không chỉ khách từ thị trường khách Nga, Ukraine, Uzbekistan, Kazakhstan,… bị ảnh hưởng, mà cả các thị trường khác cũng bị “vạ lây” do những căng thẳng, bất ổn chính trị. Chẳng hạn như việc Mỹ ra các biện pháp trừng phạt Nga, giá dầu tăng,...
Tại một tọa đàm về mở cửa du lịch mới đây, ông Bùi Minh Đăng - Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không - Cục Hàng không Việt Nam, cho hay, tới nay Việt Nam mở lại bay quốc tế đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, đón khoảng 200.000 khách đến Việt Nam. Con số này còn rất nhỏ so với thời kỳ cao điểm năm 2019 (4 triệu khách/tháng) do chúng ta vừa mở lại sau dịch.
Cục Hàng không dự báo, kịch bản trung bình, năm 2022 Việt Nam đón 42-43 triệu hành khách, trong đó có khoảng 6 triệu khách du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, thị trường kỳ vọng nhất là Trung Quốc vẫn bị hạn chế, trong khi năm 2019 có đến hơn 7 triệu khách quốc tế đi trên đường bay Trung - Việt. Giờ đến thị trường Nga gặp khó do chiến sự.
Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, trong ngắn hạn muốn chiến lược mở cửa thành công, du lịch Việt Nam cần chia nhỏ thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững, và đúng mùa du lịch của khách vào mùa hè như khách châu Âu: Đức, Tây Ban Nha, Anh, Pháp hay Úc. Cùng thị trường gần chúng ta trong ASEAN, có thể phục hồi nhanh, và thường có nhu cầu du lịch gần. Đông Bắc Á và Trung Quốc khả năng sẽ quý 3 năm nay mới mở cửa hoặc lâu hơn, có chăng tập trung vào Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ông đề xuất Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch cần chia thị trường mục tiêu theo ngôn ngữ, hiểu văn hoá và hành vi tiêu dùng. Hàng không, lữ hành và điểm đến cùng xúc tiến sẽ tạo hiệu ứng tốt tại thị trường mục tiêu, có khách ngay hè này từ tháng 5-6, chuẩn bị tốt cho mùa du lịch quốc tế đến tới từ tháng 9.
Ngọc Hà