Kết phiên hôm nay, cổ phiếu CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) tăng 7,5% lên 38.700 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu TAR của CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tăng 6,23% lên 39.200 đồng/cổ phiếu. Chỉ được giao dịch vào mỗi thứ Sáu, thế nhưng cổ phiếu VSF của Tổng công ty Lương thực miền Nam vẫn tăng tận 8.57% lên 7.600 đồng. Riêng cổ phiếu AGM của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang đã tăng trần liên tiếp 4 phiên từ ngày 21/2/2022, đến hôm nay giá cổ phiếu AGM tiếp tục tăng hơn 6% lên mức 51.600 đồng/cổ phiếu.
Trong số này, chỉ có Trung An và Lộc Trời là có thanh khoản cao, những cổ phiếu còn lại giao dịch khá èo uột.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dự báo 2022 vẫn là một năm nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong điều kiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, logistics đã được khơi thông trở lại sau đợt giãn cách do dịch Covid-19 thì sự bứt phá của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ mang lại hy vọng cho ngành xuất khẩu gạo Việt Nam.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa đầu tháng 2/2022 đạt 142.128 tấn với trị giá 68 triệu USD, tăng 9,2% về khối lượng và giảm 5,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế từ đầu năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 647.763, trị giá 314 triệu USD, lần lượt tăng 36,2% và 19,8% so với cùng kỳ.
Theo Bộ Công Thương Việt Nam, các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả một số lợi thế từ Hiệp định EVFTA để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cước vận tải biển đi châu Âu tăng mạnh và nhập khẩu gạo của EU giảm trong năm nay. Trong năm 2021, gạo Việt Nam đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trong khối EU như: Đức, Hà Lan, Pháp, Thụy Điển, Bỉ… và đem lại kết quả khá tích cực.
Ngoài ra, nhu cầu lương thực thực phẩm thế giới kỳ vọng sẽ phục hồi. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo tiêu thụ gạo toàn thế giới mùa vụ 2021-2022 đạt 512,3 triệu đơn vị, tăng 1,8% so với cùng kỳ.