Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp lớn đã công bố báo cáo tài chính quý 1 với tình hình nhìn chung tương đối khả quan. Một số đơn vị hưởng lợi từ tăng trưởng chung toàn ngành, tuy nhiên có nhiều bối cảnh ngược lại. Thị trường chung bão hòa, hoặc tăng trưởng chậm lại, hoặc bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như chi phí nguyên vật liệu… là những khó khăn mà Thế giới Di động và Vietjet Air đang vấp phải.
Song, hai đại gia này vẫn tăng trưởng ấn tượng quý đầu năm. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là bên cạnh việc "thu tiền to" từ những sản phẩm truyền thống điện máy hay vé máy bay thì cả 2 doanh nghiệp này đang tìm kiếm động lực tăng trưởng từ những mặt hàng "thu tiền lẻ". Với Thế giới Di động là bán thêm nồi niêu, xoong chảo ... còn Vietjet đẩy mạnh nguồn thu từ những dịch vụ phụ trợ bán kèm như suất ăn hay đồ lưu niệm.
Những mặt hàng tưởng chừng ít lợi nhuận tuy nhiên đang đóng góp mức biên khá lớn cho hai doanh nghiệp trên, khi mà thông qua việc tận dụng cơ sở hiện có, đồng thời đáp ứng được nhu cầu cũng như khai thác thêm nhóm khách hàng hiện hữu, sản phẩm gia dụng mang về cả ngàn tỷ doanh thu cho Thế giới Di động cũng như đóng góp nhóm phụ trợ đối với Vietjet Air.
Nồi niêu xoong chảo đang "gồng gánh" tăng trưởng Thế giới Di động
Với Thế giới Di động, sớm dự báo thị trường điện thoại cũng như điện máy sẽ không tăng trưởng, thậm chí có khả năng sụt giảm trong năm 2019, ban lãnh đạo đã tuyên bố sẽ đẩy mạnh doanh số bằng việc "bán những gì chưa bán", đi cùng chiến lược tiếp cận nhóm khách hàng chưa từng tiếp cận. Trong đó, tận dụng sẵn hệ thống trưng bày, nhân viên, cửa hàng… Thế giới Di động tiện thể bán thêm đồng hồ theo mô hình shop-in-shop tại các cửa hàng Thế giới Di động (TGDĐ), đồng thời bày bán xoong nồi, chén, chảo… tại cửa hàng Điện Máy Xanh (ĐMX).
Đây cũng là "đòn đỡ" của Thế giới Di động khi khi Bách Hóa Xanh (BHX) vẫn đang trong quá trình tiến đến điểm hòa vốn toàn bộ (tính cả chi phí kho, vận hành). Kết thúc quý đầu năm, chiến lược này bước đầu thuận lợi, trong đó:
(1) Mô hình shop-in-shop kinh doanh đồng hồ được đưa vào thử nghiệm tại cửa hàng TGDĐ ở Tp.HCM từ 8/3/2019. MWG hiện có 2 cửa hàng đang bán trên 50 mẫu đồng hồ thông minh và trên 1.000 mẫu đồng hồ thời trang của hơn 20 thương hiệu. Công ty tập trung phục vụ nhóm khách hàng phổ thông và trung cấp với giá một sản phẩm chủ yếu dao động từ 1 triệu đến 6 triệu đồng. Sản phẩm được đảm bảo chính hãng 100% và cam kết bảo hành đến 1 năm.
(2) Đối với nhóm gia dụng và dụng cụ nhà bếp, trong quý 1/2019 đã có hơn 10 triệu sản phẩm được bán ra tại các cửa hàng ĐMX và mang về cho MWG hơn 1.700 tỷ đồng doanh thu, tương đương với mức tăng trưởng 130% về sản lượng và 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Ước tính, về số tuyệt đối nhóm này đóng góp khoảng 7% doanh thu Công ty, tuy nhiên xét về số tương đối sản phẩm gia dụng và dụng cụ nhà bếp quý đầu năm mang về gần 1/3 tăng trưởng doanh thu cho MWG.
Kết quả ghi nhận, biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng lũy kế 3 tháng đầu năm đều được cải thiện so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận ròng của quý đầu năm thường cao hơn các quý khác trong năm, song với mức xấp xỉ 4,2% của quý 1/2019 – đây là mức cao nhất tính từ đầu năm 2017 đến nay, con số khá ấn tượng trong bối cảnh toàn ngành đang dần bão hòa.
Đây cũng là "đòn đỡ" của Thế giới Di động khi khi Bách Hóa Xanh (BHX) vẫn đang trong quá trình tiến đến điểm hòa vốn toàn bộ (tính cả chi phí kho, vận hành).
Mảng phụ trợ Vietjet Air liên tục tăng trưởng bất chấp mùa thấp điểm
Còn với Vietjet Air, bên cạnh mảng vận chuyển, một lĩnh vực đang "hái ra tiền" khác chính là doanh thu phụ trợ, riêng quý 1 mảng này gần như đóng góp chính đà tăng trưởng khi nguồn thu trong kỳ tăng 45%, từ mức 1.825 tỷ lên xấp xỉ 2.647 tỷ đồng.
Song song, tỷ trọng đóng góp doanh thu toàn Công ty của mảng phụ trợ cũng tăng đáng kể, tính theo quý tăng từ mức 14,5% hồi quý 1/2018 lên hơn 19,4% trong quý 1/2019.
Được biết, doanh thu phụ trợ bao gồm các mảng (1) doanh thu bán hàng hóa trên máy bay và bán hàng hóa miễn thuế, (2) doanh thu hoa hồng và quảng cáo, (3) doanh thu vận chuyển hàng hóa và từ các dịch vụ liên quan đến vận chuyển hành khách (như phí cho sự thay đổi hoặc gia hạn các vé không được hoàn lại được ghi nhận doanh thu phụ trợ tại thời điểm thu phí).
Trong vòng 5 năm qua, doanh thu phụ trợ đã tăng gần 10 lần từ mức 836 tỷ lên 8.410 tỷ đồng tính đến cuối năm 2018. So với doanh thu vận tải, nguồn thu từ mảng phụ trợ liên tục tăng bất chấp mùa cao điểm hay thấp điểm.
Theo giới quan sát, việc tăng trưởng mạnh của mảng phụ trợ cũng đang được hỗ trợ bởi sự gia tăng số lượng khách ngoại theo chiến lược khai thác đường bay quốc tế của Công ty. Bởi, mức độ chi tiêu gia tăng của khách quốc tế cao hơn so với khách nội địa, từ đó thúc đẩy doanh thu phụ trợ. Quý đầu năm nay, Vietjet Air cho biết mở mới được 6 đường bay, nâng con số tổng lên 111 đường bay với 72 đường quốc tế.
Với lợi thế ít tiêu tốn chi phí, mảng phụ trợ đang mang về biên lãi khá cao cho hãng hàng không bikini này, Vietjet Air cũng đang tích cực thúc đẩy nguồn thu phụ trợ thông qua nhiều sản phẩm dịch vụ như chương trình Skyshop (ngoài việc cung cấp đồ ăn thức uống và hàng lưu niệm đặc trưng, Vietjet Air còn đưa lên tàu bay những sản phẩm theo mùa cho mọi tầng lớp khách hàng), hàng miễn thuế được bán rộng rãi trên các chuyến bay từ Việt Nam đi nước ngoài (đa dạng các thể loại nước hoa, rượu, thuốc lá…), bảo hiểm du lịch… bên cạnh khai thác hai dòng sản phẩm dịch vụ chính là Eco và Skyboss.
Chưa dừng lại, doanh thu từ hoa hồng và quảng cáo cũng bắt đầu được Vietjet khai thác, thông qua việc dán quảng cáo trên thân tàu bay, hoặc bên trong tàu bay nhằm phục vụ nghe, đọc... cho những hành khách có chuyến bay dài.
So với doanh thu vận tải, nguồn thu từ mảng phụ trợ liên tục tăng bất chấp mùa cao điểm hay thấp điểm.