Ngay những ngày đầu năm mới 2020, Mỹ và Iran đã bất ngờ thực hiện các cuộc tấn công quân sự qua lại khiến mối quan hệ song phương tiếp tục bị khoét sâu.
Giới phân tích cho rằng, chuỗi sự kiện này có thể khiến Mỹ rơi vào cục diện khó khăn ở Trung Đông và không có thời gian để thực hiện chiến lược ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, do đó áp lực đối với Trung Quốc sẽ giảm bớt. Đồng thời, cuộc xung đột Mỹ-Iran sẽ đẩy Iran tiến gần hơn về phía Trung Quốc.
Thậm chí, có ý kiến nhận định, nếu Mỹ và Iran khai chiến, Trung Quốc sẽ giành cơ hội "phát triển hòa bình" trong 10 năm.
Cạnh tranh với Trung Quốc
Sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã khiến các nhà quan sát cho rằng điều này có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện chiến lược "Ấn Độ-Thái Bình Dương" đã được thúc đẩy kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức.
Tờ Diplomat (Nhật Bản) cho biết, xung đột mới này sẽ ảnh hưởng tới chính sách châu Á của Tổng thống Trump, đối đấu với Iran sẽ khiến Washington chuyển sự chú ý từ châu Á, cạnh trạnh Trung Quốc - Mỹ sang Trung Đông.
"Làm thế nào để cân bằng nhu cầu lợi ích của Mỹ ở Trung Đông và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là một vấn đề nan giải đối với các Tổng thống Mỹ kế tiếp kể từ Tổng thống George W. Bush", báo Nhật viết. "Với tư cách là một siêu cường, Mỹ có lợi ích toàn cầu, bao gồm ở cả Trung Đông, nhưng ảnh hưởng của châu Á đang tăng lên và tác động mạnh lên chính sách ngoại giao của Mỹ. Vì chiến tranh Iraq, chính quyền Bush đã bị chỉ trích là "đầu tư quá mức" ở Trung Đông, còn chính quyền Obama bị chỉ trích vì "đầu tư không đủ" vào Trung Đông trong khủng hoảng Syria".
Nếu sa lầy ở Trung Đông, Mỹ sẽ khó thực hiện chiến lược châu Á - Thái Bình Dương, do đó giảm áp lực cho Trung Quốc. Ảnh: Getty
Nhiều ý kiến ở Trung Quốc tin rằng, nhờ Mỹ tham gia vào hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, Trung Quốc đã giành được một thập kỷ vàng phát triển.
Tờ Hindustan Times (Ấn Độ) cho rằng, vấn đề Iran có thể khiến "chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở" của chính quyền Tổng thống Trump không được thực hiện, do đó nhường chỗ cho Trung Quốc, giảm áp lực cho nước này.
"Căng thẳng với Iran khiến các nhà hoạch định chính sách của Mỹ mất tập trung, khiến chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mang tính khoa trương hơn là thực chất", báo Ấn Độ viết.
Trong một cuộc phỏng vấn VOA, ông Benjamin Friedman, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu An ninh Nội địa và Quốc phòng Cato (Mỹ), nói rằng nếu Mỹ lún sâu vào Trung Đông, điều đó thực sự sẽ tốt cho Trung Quốc, bởi từ góc độ của Bắc Kinh, theo một nghĩa nào đó, Trung Quốc không muốn Mỹ rơi vào cuộc cạnh tranh quân sự ở châu Á, không muốn cạnh tranh với Mỹ.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu CSIS, cho biết, "nếu Mỹ và Iran khai chiến, chắc chắn sẽ là đòn giáng nặng nề vào nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc của Mỹ".
Trên mạng xã hội Trung Quốc, một số cư dân mạng nước này đặt vấn đề: "Bin Laden đã cho chúng ta [Trung Quốc] cơ hội 10 năm phát triển hòa bình, và sau đó thế giới Ả Rập đã cho chúng ta thêm 10 năm nữa. Sau đó, nếu giờ đây Mỹ khai chiến với Iran, Trung Quốc có thể nào lại có được 10 năm phát triển hòa bình không?".
Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc Hồ Tích Tiến đã phản bác quan điểm này và chỉ ra, nếu Trung Đông hỗn loạn, điều này thực sự sẽ khiến Mỹ khó thoát thân và mất tập trung nhưng Trung Quốc lại là quốc gia nhập khẩu dầu Trung Đông hàng đầu thế giới, vượt qua sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu Trung Đông.
Chiến tranh Mỹ-Iran sẽ đẩy Iran gần Bắc Kinh
Trong bài viết đăng trên The New York Times vào tháng 6 năm ngoái, chuyên gia địa chính trị Robert Kaplan từng nhận định, đối thủ của Mỹ ở Trung Đông không phải là Iran mà là Trung Quốc.
Chiến tranh Mỹ-Iran nếu xảy ra sẽ đẩy Iran gần Bắc Kinh. Ảnh: Getty
Vào thời điểm đó, ông này cảnh báo: "Cuộc chiến Mỹ-Iran (nếu xảy ra) sẽ đẩy Tehran tiến gần hơn đến Trung Quốc, Trung Quốc chiếm gần 1/3 giao dịch năng lượng của Iran. Dù chịu lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Trump, cộng thêm tính phức tạp trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung, có thể làm suy yếu quan hệ năng lượng Trung Quốc-Iran, nhưng cuối cùng hai bên sẽ tìm cách hợp tác và ngăn chặn Mỹ".
Vào tháng 5/2018, Nhà Trắng tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, tái khởi động các lệnh trừng phạt đối với Iran khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Iran xấu đi. Trái lại, Trung Quốc và Iran ngày càng trở nên thân thiết.
Theo lời ông Kaplan, trong khi Mỹ đang xem xét một cuộc chiến với Iran, thì Trung Quốc lại đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng và thương mại trên toàn thế giới. Gwadar (Pakistan) là chìa khóa cho sáng kiến Vành đai và Con đường trên biển, nhưng mối quan tâm của Trung Quốc đối với Iran là cả trên đất liền và biển. Các tuyến đường khác nhau mà Trung Quốc hiện đang xây dựng ở Trung Á đã liên kết Trung Quốc với Iran - một sự kết hợp vô song của địa lục Á-Âu mà ở đó, Iran là trọng điểm có lợi về dân số và địa lý.
Vào cuối năm 2019, hải quân Trung Quốc, Iran và Nga đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung ở Vịnh Ô-man, phía bắc Ấn Độ Dương. Đây là lần đầu tiên ba nước tổ chức một cuộc tập trận quân sự chung trong 40 năm.
Ngoài ra, Thông tấn xã Iran ngày 31/12 đưa tin, Ngân hàng Trung Quốc sẽ cung cấp cho Iran 3,7 tỷ USD viện trợ tài chính để đẩy nhanh việc mở rộng nhanh chóng ngành công nghiệp hóa dầu.
Theo VOA, một số người tin rằng, cuộc tập trận quân sự chung với Iran, Nga và việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho Iran cho thấy, Trung Quốc đã "công khai và kiên quyết ủng hộ" Iran.
VOA: Về vấn đề Mỹ-Iran, ngoài chỉ trích, TQ sẽ không có hành động nào khác
VOA dẫn lời các nhà phân tích khác đánh giá, về căng thẳng Mỹ-Iran, ngoài việc chỉ trích cuộc không kích của Mỹ vào Baghdad, Bắc Kinh sẽ không thực hiện bất kỳ hành động quân sự nào.
CNBC (Mỹ) bình luận, dù Trung Quốc và Iran gần gũi kết hợp với cái chết của tướng Soleimani cũng sẽ không tác động nhiều đến quan hệ Mỹ-Trung, thậm chí là các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra.
Bài báo dẫn lời nhà phân tích Adnan Mazarei, một chuyên gia người Iran tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói rằng, dù duy trì quan hệ chặt chẽ với Iran, Trung Quốc vẫn coi Mỹ là đối tác thương mại lớn.
Diễn biến mới nhất cho thấy, phái đoàn thương mại Trung Quốc sẽ nhanh chóng tới Washington vào ngày 13/1 để ký kết thỏa thuận thương mại một với Mỹ.
Ông Friedman nhận định, Trung Quốc hiện còn có những cân nhắc khác ở Trung Đông.
Ông nói: "Nói chung, Trung Đông không leo thang căng thẳng thì lợi ích của Trung Quốc ở khu vực này vẫn tồn tại. Nhưng trái lại, giá vận chuyển năng lượng sẽ tăng. Tôi tin rằng Trung Quốc vẫn muốn tiếp tục mua dầu từ Iran và hy vọng những lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ được dỡ bỏ".
Một bài phân tích trên tờ Thời báo New York vào ngày 3/1 dự đoán, Nga và Trung Quốc có thể phản đối mạnh mẽ cuộc tấn công của Mỹ nhưng sẽ không tham gia vào xung đột Mỹ-Iran.
Ngoài ra, theo VOA, việc Trung Quốc duy trì mối quan hệ tốt với cả đối thủ của Iran trong khu vực là Ả Rập Saudi cho thấy Trung Quốc cần một sự cân bằng ở Trung Đông hơn là cục diện căng thẳng.