Xung đột Nga-Ukraine tác động mạnh tới nguồn cung, đẩy giá phân bón trên thế giới tăng 8-12%. Nông dân lại đối diện với khủng hoảng khi Việt Nam nhập khẩu tới hơn 5 triệu tấn mặt hàng này mỗi năm.
Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho hay, năm 2021, Việt Nam nhập khẩu trên 5,1 triệu tấn phân bón. Hai tháng đầu năm 2022, khối lượng phân bón nhập khẩu lên tới 706.769 tấn.
Theo Cục BVTV, Nga là một trong những nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới. Năm 2021, nước ta nhập khẩu 320.045 tấn phân bón từ quốc gia này, trị giá 123,5 triệu USD (chiếm 7,74 % so với tổng giá trị phân bón nhập khẩu). Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất là Kali 195.429 tấn, NPK 109.552 tấn, DAP 14.217 tấn.
Hai tháng đầu năm nay, lượng phân bón nhập khẩu từ Nga 73.801 tấn, trị giá 40,390 triệu USD, chiếm 10,44% về khối lượng và 11,9% về giá trị so với tổng lượng phân bón nhập khẩu.
Theo Cục BVTV, căng thẳng xung đột giữa Nga-Ukraine đã tác động mạnh tới nguồn cung và giá phân bón trên thế giới.
Giá phân bón tăng dựng đứng đẩy chi phí sản xuất tăng cao (ảnh: Báo Cần Thơ) |
Ngay sau cuộc xung đột xảy ra ngày 24/02, giá phân bón thế giới lập tức tăng 8-12% so với thời điểm trước đó (ngày 23/2). Theo đó, thị trường phân bón trong nước cũng bị ảnh hưởng về nguồn cung và giá.
Việc nhập khẩu phân bón từ Nga gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với phân Kali do cả Nga và Belarus chiếm gần 50% lượng Kali cung cấp trên toàn thế giới.
Theo bản tin thị trường nông sản của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), trong tháng 2/2022, giá bán lẻ trung bình của hầu hết các loại phân bón tiếp tục tăng so với tháng trước.
Bảy trong 8 loại phân bón chính có giá cao hơn, với một loại phân bón tăng giá đáng kể từ 5% trở lên. Giá bán lẻ trung bình của phân bón 10-34-0 đắt hơn 5% so với một tháng trước. Phân bón này có giá trung bình là 837 USD/tấn.
Hầu hết các loại phân bón tiếp tục có giá cao hơn đáng kể so với một năm trước đó. MAP hiện đắt hơn 44%, DAP cao hơn 46%, 10-34-0 đắt hơn 60%, Urê cao hơn 95%, kali đắt hơn 102%, UAN32 cao hơn 144%, UAN28 đắt hơn 146% và anhydrous cao hơn 181% so với năm ngoái.
Việt Nam đang trong giai đoạn thu hoạch và sẽ bắt đầu vụ mới từ nửa đầu tháng 4, phía Bắc đã vào vụ chăm bón lúa Đông Xuân nên nhu cầu phân bón tăng dần. Song các DN dự báo sẽ xảy ra sự thiếu hụt trầm trọng DAP 64% nhập khẩu trong quý 2 và khả năng giá trong nước lên 25 triệu đồng/tấn.
Đối với mặt hàng Kali, vì 100% đều dựa vào nguồn hàng nhập khẩu nên tình trạng tắc nghẽn nguồn hàng từ Nga, Belarus sẽ khiến giá mặt hàng này sớm cán mức 15-16 triệu đồng/tấn cho hạt bột và 18-20 triệu đồng/tấn cho hạt miểng.
Theo các chuyên gia, việc phân bón tăng giá dựng đứng khiến nông dân rơi vào khủng hoảng, đẩy giá thành sản xuất lên cao. Thực tế, nhiều nông dân có tâm lý bỏ vườn, không chăm sóc cây trồng bởi chi phí sản xuất tăng cao, trong khi giá bán nông sản lại rất thấp.
T.An