Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa nhắc lại sáng kiến phát triển một lực lượng tập trung cho nhiệm vụ chiến đấu ngoài không gian - ý tưởng nhận được sự ủng hộ của một số thành viên quốc hội nhưng lại vấp phải sự hoài nghi của Lầu Năm Góc.
Lực lượng thứ 6
Theo ông chủ Nhà Trắng, đây sẽ là lực lượng thứ 6, bên cạnh lục quân, hải quân, không quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên.
"Mỹ đang phát triển mạnh trong không gian nên cần cân nhắc nghiêm túc về việc thành lập lực lượng không gian" - ông Trump nhấn mạnh.
Hồi tháng 3, nhà lãnh đạo Mỹ từng đề cập ý tưởng này trong bài phát biểu trước các binh sĩ tại bang California và lập tức nhận được sự ủng hộ của ông Mike Rogers, Chủ tịch Tiểu ban Các lực lượng chiến lược thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ. "Năng lực không gian của Nga và Trung Quốc đang vượt Mỹ và chúng ta cần lập một lực lượng riêng biệt cho các nhiệm vụ trong vũ trụ. Chiến tranh tương lai có thể diễn ra ngoài không gian và chúng ta cần hành động trước các nước khác để bảo vệ an ninh quốc gia" - ông Rogers nói với đài CNN.
Ông Rogers cùng Nghị sĩ Jim Cooper đang nỗ lực thức đẩy bước đi nói trên. Một đề xuất được đưa vào dự thảo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2018 của hạ viện với nội dung kêu gọi lập ra một lực lượng không gian giống mô hình của thủy quân lục chiến - một nhánh quân sự riêng biệt thuộc hải quân.
Bất chấp sự ủng hộ của một số nhà lập pháp, đề xuất bị bỏ ra khỏi phiên bản cuối cùng của dự luật chính sách quốc phòng 700 tỉ USD được lưỡng viện quốc hội thông qua và được ông Trump ký ban hành hồi tháng 12-2017.
Thượng viện và các lãnh đạo Lầu Năm Góc cho rằng cần nghiên cứu thêm về đề xuất trên. Không chùn bước, các hạ nghị sĩ đang xem xét lập một bộ chỉ huy thống nhất về không gian trực thuộc Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, chịu trách nhiệm về các chiến dịch chiến đấu chung ngoài không gian.
Ông chủ Nhà Trắng có lẽ không quá lo xa nếu cảnh báo của một số chuyên gia được xem xét nghiêm túc. Theo ông Michael Schmitt, chuyên gia về chiến tranh vũ trụ tại Trường ĐH Exeter (Anh), xung đột trong không gian chắc chắn là điều khó tránh bởi quân đội các nước ngày nay đang dựa vào không gian cho mọi thứ, từ vệ tinh do thám cho đến định vị.
Điều này đồng nghĩa tấn công vệ tinh là điều cần thiết để giảm bớt năng lực của đối phương trong bất kỳ cuộc chiến nào.
Hệ thống phòng thủ tên lửa A-235 Nudol của Nga có khả năng bắn rơi vệ tinh Ảnh: PRESS PHOTO
Kịch bản ác mộng
Dù đang có một số hiệp ước quốc tế cấm xây dựng cơ sở quân sự trên mặt trăng hoặc đưa vũ khí hủy diệt hàng loạt lên quỹ đạo nhưng thật khó để kiểm soát bởi nhiều thứ có thể được sử dụng cho cả mục đích hòa bình lẫn quân sự.
Chẳng hạn như Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang phát triển những biện pháp nhằm loại bỏ tàu vũ trụ cũ và mảnh vỡ không gian khỏi quỹ đạo. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng các biện pháp này có thể được sử dụng với một vệ tinh "sống" khiến chúng trở thành vũ khí tiềm năng.
Theo Tổng Giám đốc ESA Jan Worner, không gian ngày nay là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người chứ không còn là nơi diễn ra cuộc đua của các siêu cường như cách đây 50 năm. Một trong những viễn cảnh đáng lo nhất là các đám mây mảnh vỡ được tạo ra từ các vệ tinh nổ tung có thể dễ dàng va chạm vào những vệ tinh khác và phá hủy chúng. Khi đó, trái đất có nguy cơ bị bao quanh bởi rác vũ trụ trong lúc các quỹ đạo không thể tiếp cận được, đường đi đến không gian bị phong tỏa hoàn toàn và vệ tinh vỡ tan thành từng mảnh.
Theo báo The Guardian (Anh), kịch bản ác mộng trên - được biết đến nhiều với cái tên "hội chứng Kessler" - không phải quá xa vời bởi cả Mỹ, Nga và Trung Quốc đều chứng tỏ khả năng phóng tên lửa từ trái đất để ngăn chặn và phá hủy vệ tinh.
Ngoài ra, tia laser có thể cản trở hoạt động thu thập thông tin hoặc thậm chí phá hoại vệ tinh do thám. Trung Quốc và Iran được cho là đã làm điều này với vệ tinh Mỹ và có khả năng phương Tây cũng "ăn miếng trả miếng".
Dù vậy, cuộc chiến không gian đầu tiên có nguy cơ xảy ra do hành vi tấn công mạng nhằm vào vệ tinh. Các vụ tấn công mạng vệ tinh đã được ghi nhận trong những năm qua, với nạn nhân có cả vệ tinh thời tiết của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) trong 2 năm 2007, 2008.
Tin tặc sắp tới có thể tìm cách cài phần mềm trí tuệ nhân tạo vào bên trong hệ thống điều khiển tàu vũ trụ và kích hoạt từ xa để phá hoại. Bạo lực hơn, một vệ tinh có thể bị điều khiển lao vào một vệ tinh khác và đẩy nó khỏi quỹ đạo nhưng bản thân "kẻ tấn công" cũng chịu thiệt hại. Để giảm tổn thất, một kịch bản được tính đến là trang bị tàu vũ trụ loại cánh tay robot để "tóm" mục tiêu, lấy đi các tấm pin năng lượng mặt trời hoặc thiết bị của "kẻ địch".
Nói cách khác, đó là cuộc chiến của các robot trong không gian và một số chuyên gia nhận định đây không còn là chuyện khoa học viễn tưởng. Ông Robert P Ashley Jr, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, gần đây nói với các thượng nghị sĩ rằng Nga và Trung Quốc đang phát triển vũ khí để sử dụng trong chiến tranh không gian, trong đó có loại vệ tinh tấn công như trên. Mỹ chắc rằng sẽ không nằm ngoài cuộc chơi nguy hiểm này.