Các nhà nhập khẩu nông sản buộc phải chuyển hướng
Nhà nhập khẩu hoa quả ở Thượng Hải - ông Lucas Liu đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Giá dâu tây Mỹ tăng tới 50%, buộc ông phải cắt giảm đơn hàng từ Mỹ. Tuy ông Liu vẫn tiếp tục kinh doanh các mặt hàng trái cây nhập Mỹ ở thị trường Trung Quốc để giữ quan hệ với các nhà cung ứng, nhưng ông cũng đang tìm kiếm cơ hội ở nhiều nơi khác. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang buộc các nhà sản xuất và buôn bán Trung Quốc đa dạng hóa thị trường của họ, nhất là khi nó đã gần kéo dài tới năm thứ hai mà vẫn chưa có dấu hiệu về một giải pháp nào.
Ông quyết định chuyển hướng sang Trung Á, bởi chiến lược kinh tế với phương Tây của Bắc Kinh. Sáng kiến Vành đai và con đường – được thiết kế để kết nối Trung Quốc với châu Âu và châu Phi thông qua các khoản đầu tư hạ tầng xuyên lục địa. Trong một phần của chiến lược này, các thương gia có thể hưởng lợi từ tập hợp các khách hàng đã được phân bổ phù hợp khi làm ăn với các đối tác từ các quốc gia thuộc những khu vực kể trên.
"Thuế suất cao và tính bất ổn của thị trường bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại này", ông Liu nhận định, "Chúng tôi buộc phải tìm kiếm các lựa chọn khác. Khu vực Trung Á với lợi thế lao động giá rẻ và thời tiết phù hợp, cũng khá gần với Trung Quốc, có thể giúp chúng tôi tiết kiệm nguồn lực trong việc chuyên chở và lưu trữ hàng hóa.
Thiệt hại tới doanh nghiệp ở cả hai phía
Giữa tháng 8 năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa cho rằng Trung Quốc hiện đang rất cần một thỏa thuận bởi hàng nghìn doanh nghiệp đang di dời khỏi đất nước, dù ông chưa sẵn sàng để đưa ra một thỏa thuận với Bắc Kinh. Chính quyền Trung Quốc cảnh báo họ sẵn sàng trả đũa nếu những sắc thuế của phía Mỹ có hiệu lực.
Khi cả hai bên chưa tìm được tiếng nói chung bởi những loạt thuế ngày càng tăng, vẫn có khả năng phía Trung Quốc sẽ làm tổn thương những lợi ích của các doanh nghiệp Mỹ. Và cách đó có thể "gây thiệt hại lớn hơn những gì mà thuế có thể gây ra" – ông Stephen Olson, thuộc Tổ chức Khuyến khích thương mại toàn cầu bền vững nhận định.
Ông dự đoán phía Trung Quốc có thể gia tăng các quy định mang tính rào cản để làm khó các doanh nghiệp Hoa Kỳ, ví dụ như kéo dài quy trình kiểm tra chất lượng, phức tạp hóa các khâu giấy tờ kiểm duyệt, nâng quy chuẩn an toàn và thêm nhiều công đoạn trong việc cấp giấy phép. Họ cũng có thể sử dụng "danh sách những đối tác không đáng tin cậy" để hạn chế cơ hội của các doanh nghiệp Mỹ trong việc thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại đang ảnh hưởng không nhỏ tới tổng thể tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. GDP nước này đạt mức tăng trưởng 6,2% trong quý II, mức thấp nhất trong vòng 27 năm qua. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm 7,8% vào tháng 6 năm nay so với cùng kỳ năm trước, vốn là tháng đầu tiên cho thấy sự ảnh hưởng của thuế nhập khẩu của Mỹ, tăng từ mức 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Thất bại trong cuộc đàm phán thương mại hồi tháng 5 là nguyên nhân góp phần gây ra sự việc này.
Tuy có sự sụt giảm ngày càng lớn hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, với mức giảm 31,4% vào tháng 6, Trung Quốc vẫn đang thặng dư thương mại với Mỹ ở mức tăng trưởng 11% từ tháng 5, cụ thể từ 26,9 lên 29,9 tỷ USD. Kinh tế Hoa Kỳ cũng tăng trưởng chậm lại trong quý II, nhưng tăng trưởng GDP vẫn ở mức 2,1%, trên mức kỳ vọng 2%.
Cố vấn chính phủ Trung Quốc nhận định, mặc dù phải đối mặt với nhiều áp lực, diễn biến tổng thể của nền kinh tế vẫn đang ở mức chấp nhận được. "Nó cũng như một bài test xem liệu nền kinh tế nào có sức chịu đựng bền bỉ hơn", ông nói.
Theo một tính toán của nhà kinh tế học Louis Kuijs từ Viện nghiên cứu kinh tế Oxford, một khi khoản thuế 10% mới nhất của Trump được ban hành, tăng trưởng của kinh tế Trung quốc có thể giảm 0,1 điểm phần trăm trong nửa cuối năm nay và 0,2 điểm phần trăm trong năm kế tiếp.
"Những đòn thuế mới của Mỹ sẽ gia tăng áp lực lên tăng trưởng ở Trung Quốc, nhưng có thể không đủ để khiến Bắc Kinh rơi vào hoảng loạn", ông nhận định. "Dưới góc nhìn của những nhà hoạch định chính sách thì vẫn còn chỗ cho chính sách nới lỏng. Tất nhiên, nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, với những đòn trả đũa từ hai phía, tác động của nó có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn."
Ông Lu Xiang, một nhà nghiên cứu từ viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận thấy: "Viễn cảnh tồi tệ nhất với doanh nghiệp chính là sụt giảm lợi nhuận", ông nói, "Họ rất điềm tĩnh về tình hình hiện tại và chưa có kế hoạch cắt giảm nhân công – chỉ tính đến giảm số giờ làm thêm. Công nhân ở đây cũng cảm thấy ổn khi coi đó là một cơ hội để nghỉ ngơi sau nhiều năm làm việc hơi quá sức."
Ông Lei Congrui, một nhà sản xuất đồ lót tại Liên Vân Cảng cũng làm theo chiến lược này. Xuất khẩu sang Mỹ đã từng chiếm khoảng 40% giá trị hàng kinh doanh của công ty. Ông cho rằng sự bất ổn và căng thẳng vẫn sẽ diễn ra trong ít nhất một thập kỳ, "Tôi không kỳ vọng cuộc chiến thương mại sẽ kết thúc một sớm một chiều. Hiện tôi đã lên kế hoạch sản xuất dựa trên những viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra."
Ông Lei nhận định Hiệp hội doanh nghiệp dệt may Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn trên thế giới và đó là sẽ là điểm tựa trước những làn sóng thuế quan mới. Tuy nhiên những nhà sản xuất với thị phần xuất khẩu lớn hơn sang Mỹ có thể chịu thiệt hại nặng nề hơn.
"Chúng tôi không cắt giảm sản lượng một cách vội vàng bởi điều đó sẽ ảnh hưởng tới năng suất, tuy nhiên mức giá thì có thể được điều chỉnh. Chính sự linh hoạt sẽ giúp chúng tôi tìm được những đơn hàng có quy mô nhỏ hơn".
"Mỹ là thị trường quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Chúng tôi đang coi Mỹ như là một thị trường phi lợi nhuận, nhưng sẽ vẫn duy trì trong khi tiếp tục mở rộng sang các khu vực khác như châu Âu, Trung Đông hay châu Phi. Ngoài ra, thị trường nội địa Trung Quốc cũng có rất nhiều tiềm năng lớn".
Trung Quốc lép về hơn trong tiến trình đàm phán
Ông Kuijs đánh giá, động thái hăm dọa mới nhất từ Tổng thống Trump sẽ khiến thỏa thuận càng khó đạt được. "Chúng tôi nghĩ diễn biến mới này sẽ khiến Trung Quốc mất niềm tin vào việc đạt thỏa thuận và sẽ tính tới những kế hoạch lâu dài trong căng thẳng kinh tế với nền kinh tế Mỹ".
Các nhà quan sát cho biết hiện tại là thời điểm khó khăn để Trung Quốc có bất kỳ nhượng bộ nào mà không chịu ảnh hưởng bởi áp lực từ phía Mỹ. Trong khi đó với nền kinh tế vẫn nhiều khả quan, Mỹ đang có chỗ đứng tốt hơn trong cuộc thương lượng.
"Chiến thuật ưa thích của ông Trump là để căng thẳng thương mại diễn ra lâu nhất có thể, trong khi nền kinh tế vẫn trong trạng thái ổn định. Nếu thị trường chứng khoán hay nền kinh tế trở nên chao đảo thì đó lại là một câu chuyện khác. Nhưng miễn là mọi thứ vẫn ổn, ông ấy có thể đợi và điều đó lại giúp ông ấy có lợi trong lĩnh vực chính trị", một chuyên gia nhận định.
Chủ tịch của Phòng thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (European Union Chamber of Commerce in China) ông Joerg Wuttkem, cảnh báo các doanh nghiệp châu Âu phải có cái nhìn thực tế về cuộc chiến thương mại và cần lên kế hoạch đối phó trước sự căng thẳng tiếp diễn.
Ông nói: "Trung Quốc cần sự cải cách toàn diện (để đạt được kết quả trên), và đưa ra các chiến lược gây sức ép phù hợp để đi đúng hướng. Tuy nhiên loạt thuế mới nhất có vẻ không mang tính chiến lược nào cả."
"Vào thời điểm quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng và cần một giải pháp thiết thực, loạt thuế này dường như khiến tình trở nên tồi tệ hơn bởi nó sẽ tác động khá lớn tới hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc ở Mỹ. Điều này chỉ góp phần củng cố tiếng nói của người Trung Quốc trong việc tự lực và li khai với Mỹ".
Những điểm sáng trong nền kinh tế nội địa Trung Quốc
Một vài công ty nước ngoài đã di dời nhà máy của họ ra ngoài Trung Quốc hoặc trì hoãn tiến trình đầu tư vào đất nước này bởi tác động của cuộc chiến. Nhưng chính quyền Trung Quốc coi làn sóng cắt giảm sản xuất này chỉ là một vài trường hợp nhỏ lẻ không đáng kể.
Hai nhà kinh tế học từ Ngân hàng đầu tư Trung Quốc (China International Capital) là Liang Hong và Yi Huan ước lượng rằng khu vực công nghiệp của Trung Quốc đã mất khoảng 5 triệu việc làm vào năm ngoái, trong đó 1,8 đến 1,9 triệu là do ảnh hưởng của chiến tranh trương mại – tức là khoảng 1,2 % nhân công trong ngành sản xuất.
Báo cáo của họ cũng chỉ ra rằng lĩnh vực sản xuất thiết bị vi tính, viễn thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất và có một lượng các công ty đa quốc gia đã phải đóng cửa một số hoặc tất cả các nhà máy của họ tại Trung Quốc bởi sự gia tăng chi phí lao động và thuế quan từ Mỹ.
Sony Mobile đã đóng cửa nhà máy sản xuất tại Bắc Kinh vào tháng 3. Kế đó nhà sản xuất điện thoại từ Hàn Quốc là Sam Sung cũng tính đến việc đóng cửa nhà máy tại Huệ Châu, một thành phố phía nam tỉnh Quảng Đông.
Trong số những doanh nghiệp Mỹ tham gia cuộc khảo sát về môi trường kinh doanh, tổ chức bởi Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc (American Chamber of Commerce in China), ngành công nghệ truyền thông, máy móc tự động và khu vực dịch vụ là những ngành có cái nhìn bi quan nhất về quan hệ Mỹ - Trung.
Trong lĩnh vực công nghệ phần cứng, 40% doanh nghiệp được khảo sát cho biết vẫn chưa có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Trung Quốc trong năm 2019. Họ bày tỏ sự bi quan rõ rệt trong triển vọng quan hệ Mỹ - Trung, nhưng cũng có những sự "lạc quan đáng chú ý" tới sự tăng trưởng của thị trường nội địa Trung Quốc.
"Các công ty đang có kế hoạch rút bớt đầu tư bởi những sự bất ổn của mối quan hệ kinh tế và thuế quan song phương giữa Mỹ và Trung Quốc. Lo ngại về sự bất ổn của chính sách kinh doanh và các rào cản gia nhập thị trường được coi là những lý do chính yếu", các doanh nghiệp có thái độ bi quan cho hay.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy một phần tư các doanh nghiệp tham gia khảo sát (tại những lĩnh vực trên) đã chuyển một phần chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong vòng 3 năm qua. 12% doanh nghiệp đang cân nhắc di dời ra các quốc gia khác trong 3 năm tới.
Nhưng các lợi ích đan xen về mặt kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc dường như rất khó có thể bỏ qua. Ông Arthur Kroeber, trưởng ban nghiên cứu của Gavekal Dragonomics (một công ty dịch vụ tài chính đặt trụ sở tại Hong Kong), khẳng định: "Trung Quốc vẫn là một thị trường khổng lồ và các doanh nghiệp Mỹ vẫn sẽ tiếp tục đầu tư để tiếp cận nó".
Ông đưa ra ví dụ với trường hợp của ExxonMobil, đã được bật đèn xanh cho phép xây dựng nhà máy hóa dầu tại Trung Quốc, cũng như sự phát triển của Tesla tại đây trong khi đóng cửa nhiều nhà máy khác ở châu Á. "Ở nhiều khu vực, tăng trưởng lợi nhuận (của các doanh nghiệp Mỹ kinh doanh tại Trung Quốc) đang ở mức hai con số". Kể cả khi một số doanh nghiệp đang bị tụt lại, vẫn có những doanh nghiệp khác tăng trưởng khá mạnh".