Chiến tranh thương mại: Không thể là Trung, phải là Mỹ!

03/01/2019 11:18
Theo cách nhìn lịch sử-vĩ mô, Mỹ và Trung Quốc rõ ràng không phải là "đối thủ" cân sức trong cuộc chiến thương mại lần này...

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài viết về góc nhìn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung của nhóm tác giả: Vũ Thị Hằng, Nguyễn Xuân Hải, Đào Thị Thu Thủy thuộc Nhóm Chính sách Kinh tế (EPG – AVSE Global).

---------------

Trong lá thư gửi tới các cổ đông của tỷ phú Warren Buffett đầu năm 2016 có đoạn: "Trong 240 năm qua, đánh cược vào sự thất bại của Mỹ luôn là một sai lầm lớn, và giờ càng không phải là lúc làm vậy". Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung hiện nay, đây có thể xem như một lời khuyên đáng quan tâm cho Trung Quốc nói riêng, và cả thế giới nói chung.

Vị thế của hai quốc gia

Là một quốc gia tự cường, trong suốt chiều dài lịch sử, Mỹ từ một thuộc địa sơ khai đã vươn lên vị trí "siêu cường" với chưa tới 5% dân số thế giới. Đã có nhiều lúc người đương thời lo sợ cho sự tồn vong của nước Mỹ, như trong thời Nội chiến (1861-85) hay Đại Suy thoái (1929-39), nhưng nước Mỹ vẫn đã luôn vượt lên trên chính mình để duy trì một nền dân chủ lành mạnh, liên tục đổi mới, sáng tạo và thu hoạch những quả "trứng vàng" kinh tế.

Trung Quốc - ở một góc độ khác - đang tiến lên rất nhanh. Với 40 năm tăng trưởng liên tục, tốc độ trung bình giai đoạn đạt 9,6%/năm so với 2,7%/năm của Mỹ, Trung Quốc là một nền kinh tế đồ sộ. Nếu như năm 1978 - khởi đầu của thời kỳ cải cách mở cửa, quy mô GDP chỉ khoảng 2,4 tỷ USD - tương đương khoảng 1,8% GDP toàn cầu thì đến hết năm 2017, GDP nước này đã tăng lên 12,2 tỷ USD, tức khoảng 15% GDP toàn cầu, và đang dần bắt kịp GDP của Mỹ.

Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế của Mỹ có sức bền và xuất phát từ khả năng đổi mới sáng tạo không ngừng, kinh tế Trung Quốc còn thiếu yếu tố bền vững và đang vấp phải nhiều thách thức nghiêm trọng, bao gồm tăng trưởng dựa quá nhiều vào vay nợ, môi trường bị hủy hoại, già hóa dân số, và liên tiếp các làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc. Năm 2017, GDP bình quân đầu người của Mỹ xếp thứ 7 thế giới trong khi vị trí của Trung Quốc là thứ 71; năng suất lao động của Trung Quốc cũng chỉ bằng chưa đến 25% của Mỹ; thứ bậc trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Mỹ và Trung Quốc lần lượt là 1 và 27, năng lực đổi mới sáng tạo lần lượt là 6 và 17.

Theo cách nhìn lịch sử-vĩ mô trên, Mỹ và Trung Quốc rõ ràng không phải là "đối thủ" cân sức trong cuộc chiến thương mại lần này.

Trung Quốc liệu có lùi bước?

Trước khi cuộc chiến nổ ra, Trung Quốc gần chưa bao giờ có những động thái kinh tế đối đầu trực tiếp với Mỹ. Tuy nhiên trong cuộc chiến này, Trung Quốc đã sẵn sàng trả đũa liên tiếp và không nhượng bộ. Những động thái đó có thể được lý giải phần nào khi nhìn vào văn hoá "giữ thể diện" của người Trung Quốc.

Khác với cái gọi là lòng tự tôn, nhân phẩm hay uy tín, văn hóa "giữ thể diện" của Trung Quốc không chỉ hướng đến thể diện cá nhân, thay vào đó, nó còn đặt nặng thể diện của tập thể, gia đình, dòng tộc và quốc gia. Trong cuộc chiến này, chủ tịch Tập Cận Bình phải đồng thời giữ thể diện cho cá nhân ông - để khẳng định quyền lực tối cao, giữ thể diện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc - để duy trì vị thế lãnh đạo và giữ thể diện cho quốc gia - để thế giới thấy Trung Quốc không hề dễ bị bắt nạt.

Trong lịch sử, văn hóa "giữ thể diện" đã nhiều lần góp phần chi phối hành động của người Trung Quốc, đặc biệt là trong khía cạnh ngoại giao. Việc phát động chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979 với tuyên bố nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình "phải dạy cho Việt Nam bài học;" động thái "xem nhẹ" cuộc viếng thăm Mỹ của Hồ Cẩm Đào năm 2006 vì phía Mỹ một mực đối đãi ông này theo nghi thức của một chuyến thăm chính thức (official visit) thay vì chuyến thăm cấp nhà nước (state visit); hay làn sóng tẩy chay thương hiệu D&G vì sử dụng hình ảnh người mẫu Trung Quốc dùng đũa ăn các món ăn Italia gần đây tại quốc gia này là những minh chứng tiêu biểu.

Với văn hoá đặc thù này, Trung Quốc tuy không muốn và đã không khơi mào cuộc chiến thương mại, nhưng chắc chắn sẽ không chủ động khoan nhượng và đình chiến.

Kịch bản nào cho tương lai?

Sau cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 vừa qua tại Mỹ, Đảng Cộng hoà của Tổng thống Trump đã để mất Hạ viện vào tay Đảng Dân chủ. Mặc dù các chính sách tiếp theo của chính quyền Trump có thể sẽ gặp nhiều cản trở, quan điểm cụ thể về chiến tranh thương mại từ phía Đảng Dân chủ hiện nay còn chưa thực sự rõ ràng.

Một mặt, Đảng Dân chủ vốn có truyền thống phản đối tự do thương mại, chủ yếu chịu ảnh hưởng từ phía các tổ chức công đoàn, hướng đến bảo vệ quyền lợi và công việc cho người lao động trong nước. Mặt khác, truyền thống đó đang có xu hướng đảo ngược những năm gần đây, đặc biệt dưới phong thái lãnh đạo cởi mở và hoà nhập thời Obama. Trong một cuộc khảo sát được tiến hành đầu năm nay, có khoảng 67% cử tri ủng hộ Đảng Dân chủ cho rằng tự do thương mại là một điều tốt---con số này là 42% năm 2006 và 53% năm 2009. Việc Đảng đối lập bắt đầu nắm quyền kiểm soát Hạ viện từ tháng 01/2019, chính vì vậy, có thể dẫn đến một số kịch bản khác nhau cho cuộc chiến này.

Kịch bản thứ nhất, Đảng Dân chủ khẳng định quan điểm ủng hộ tự do thương mại và phản đối mọi chính sách của Trump. Các chính sách mới, như đánh thuế lên 500 tỷ USD hàng hoá hoặc đưa ra các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn, có thể sẽ gặp phải sự can thiệp từ phía Quốc hội. Thay vào đó, nhiều khả năng Trump sẽ tiếp tục cuộc chiến bằng cách tăng cường thực thi các chính sách hiện thời, như nâng mức thuế suất từ 10% lên 25% đối với 250 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc đang bị đánh thuế, hoặc gây sức ép lên phía Trung Quốc bằng cách trừng phạt các công ty và công dân của nước này, dẫn đến các vụ việc tương tự như vụ bắt và buộc tội Phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei. Phía Mỹ cũng có thể đưa ra thêm nhiều rào cản kỹ thuật, ví dụ như gây sức ép lên quan hệ giao thương giữa Trung Quốc với các đối tác khác. Với kịch bản này, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nhiều khả năng sẽ kéo dài ít nhất là 2 năm cho đến hết nhiệm kỳ tổng thống này và khả năng là cả nhiệm kỳ tổng thống sau. Đây là kịch bản dễ xảy ra hơn cả.

Kịch bản thứ hai, Quốc hội Mỹ có sự đồng thuận trong đối sách với Trung Quốc trước các nguy cơ từ quốc gia này, thống nhất việc tiếp tục sử dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn trong đối đầu với Trung Quốc. Trong trường hợp này, chính quyền Tổng thống Trump hoàn toàn có thể tiếp tục ban hành chính sách thuế mới đối với 500 tỷ USD hàng hoá của Trung Quốc, đồng thời đưa ra nhiều chính sách trừng phạt mạnh hơn với phạm vi rộng hơn. Với kịch bản thứ hai, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ leo thang nhanh chóng, có thể biến thành một cuộc chiến tiền tệ hoặc hơn thế, và sẽ chỉ kết thúc khi một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng xảy ra ở Mỹ hoặc Trung Quốc, với một trong hai bên---hoặc cả hai bên---có những thay đổi cơ bản trong cơ cấu lãnh đạo hiện thời.

Kịch bản cuối cùng, nước Mỹ thành công trong việc "thuần hóa" Tổng thống Trump và biến ông thành một người lãnh đạo "ôn hoà và dễ chịu" hơn, kéo theo việc thu hồi những chính sách hiếu chiến. Tuy quan điểm của Trump về Trung Quốc vẫn sẽ không thay đổi trong kịch bản này, những biện pháp được lựa chọn sẽ mềm mỏng và dài hạn hơn, hạ nhiệt cuộc chiến thương mại trên mọi mặt và nền kinh tế Mỹ-Trung, cũng như trên toàn thế giới, có thêm thời gian để hồi phục và thích nghi. Đây là kịch bản có phần "viển vông," nhưng đáng mong chờ.

Dù với kịch bản nào, cả hai bên, và cả các nền kinh tế liên quan, đều sẽ chịu nhiều tổn thất trong cuộc chiến này. Trung Quốc, dẫu sẽ là nước chịu tổn thất nặng nề nhất, sẽ khó chủ động đình chiến hay giảng hoà. Thế giới chỉ có thể trông chờ vào những động thái chính sách tiếp theo của chính quyền Mỹ. Mong rằng, như một câu nói mà nhiều người cho rằng của Winston Churchill, "Ta luôn có thể tin tưởng rằng người Mỹ sẽ làm điều đúng đắn, sau khi họ đã thử mọi thứ khác."


Tin mới

Trừng phạt của phương Tây "như muối bỏ bể", doanh thu từ dầu khí của Nga vẫn tăng đều, dầu Moscow "biến hình" không ngừng chảy vào châu Âu
4 giờ trước
Nga đã tận dụng 3 "lỗ hổng" khiến những lệnh trừng phạt của phương Tây trở nên thất bại.
[Trên Ghế 43] Ông chủ Phê Phượt bày cách phượt bằng ô tô: Đi gì, ăn gì, ở đâu, mấy ngày và làm gì?
5 giờ trước
Xuyên Việt hàng chục lần, anh Đoàn Kiều Dũng có thừa kinh nghiệm để chia sẻ cho những ai đang có ý định phượt bằng ô tô.
"Con làm cha phá" là đây: Nuôi ngan vịt ở Châu Phi không dám ăn, ông Quý vừa sang đã làm 1 việc Quang Linh Vlogs khóc ròng
5 giờ trước
Nam YouTuber ở Việt Nam nhìn thấy cảnh này mà “khóc thét”.
Giá xăng dầu hôm nay 22/11: Đột ngột bật tăng phiên cuối tuần
6 giờ trước
Giá xăng dầu hôm nay 22/11: Giá dầu thô thế giới đột ngột bật tăng trong phiên cuối tuần. Giá dầu WTI và Brent tăng từ 1,3 USD đến 1,4 USD/thùng so với ngày hôm qua 21/11.
GS thắng giải 3 triệu USD của tỷ phú Phạm Nhật Vượng “hiến kế” cho lĩnh vực Việt Nam đứng thứ 3 thế giới
6 giờ trước
Lĩnh vực này có thể mang về nhiều tỷ USD cho Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Hàng trăm nghìn tấn báu vật từ Canada đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ: Chi hàng tỷ USD nhập khẩu, nước ta tiêu thụ 10,4 triệu tấn mỗi năm
1 ngày trước
Nhập khẩu mặt hàng này từ Canada đã tăng mạnh 128% trong 9 tháng đầu năm.
Chỉ mất 3 năm để làm được điều Elon Musk cố gắng suốt 12 năm mới đạt được, Xiaomi làm rung chuyển ngành ô tô toàn thế giới
2 ngày trước
Xe điện của Xiaomi đang khiến cả thế giới ô tô phải bàn tán.
Giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm
2 ngày trước
Sau khi tăng vọt vào đầu tuần trước, giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch đầu tuần.
Giải bài toán tài chính cho khách hàng mua biệt thự “mùa cuối năm”
2 ngày trước
Trong bối cảnh thị trường đang ở giai đoạn “thăm dò”, nhiều người mua bất động sản ưu tiên các yếu tố chắc chắn như: pháp lý rõ ràng, chính sách hỗ trợ tài chính tốt…, loạt ưu đãi hấp dẫn từ Eurowindow Twin Parks kích cầu và gia tăng sức hút ở dòng sản phẩm biệt thự song lập đối với khách mua ở thực và giới đầu tư.