Thời gian gần đây, thủy sản trở thành một trong những nhóm cổ phiếu thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư. Những cổ phiếu ngành cá như Hùng Vương (HVG), Vĩnh Hoàn (VHC), Nam Việt (ANV) hay tôm Minh Phú (MPC), Sao Ta (FMC),…đều có nhịp tăng "phi mã".
Trong đó, VHC không ngừng lập đỉnh mới và kết thúc phiên giao dịch 25/9, thị giá VHC lên tới 96.000 đồng/cp, mức cao nhất từ trước tới nay. HVG cũng có những phiên tăng trần liên tiếp và cổ phiếu này đã tăng lên 5.600 đồng, gấp hơn 2 lần thời điểm đầu tháng 7.
Việc cổ phiếu ngành thủy sản "dậy sóng" có nguyên nhân đầu tiên từ kết quả kinh doanh khả quan. Theo báo cáo sơ bộ, doanh thu xuất khẩu tháng 8 của Vĩnh Hoàn đạt 41 triệu USD, mức kỷ lục mới về doanh thu tháng. So với kết quả đạt được tháng 8/2017 thì giá trị xuất khẩu của tháng 8/2018 tăng tới 85%. Mức tăng trưởng so với cùng kỳ (YoY) ấn tượng của Vĩnh Hoàn có được là nhờ khối lượng xuất khẩu tăng tới 27% so với cùng kỳ và giá bán vẫn duy trì ở mức cao. Trong đó, cá tra Fillet tăng gần gấp đôi, thịt cá và dầu cá tăng 73%, collagen và gelatin tăng 174% so với cùng kỳ năm trước.
"Vua tôm" Minh Phú cũng đạt mức xuất khẩu kỷ lục nhất từ trước đến nay với 8.354 tấn trong tháng 8, tăng hơn 35% so với cùng kỳ, tương ứng giá trị xuất khẩu đạt 89,73 triệu USD, tăng 18%. Lũy kế 8 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu Công ty ghi nhận 33.269 tấn, tăng 18% và đạt 62% kế hoạch. Giá trị hợp đồng đã ký gần 638 triệu USD, thực hiện được 80% kế hoạch, sản lượng hợp đồng đã ký là 58.172 tấn, tương đương 92% chỉ tiêu cả năm. Tính chung, Minh Phú thu về lũy kế 8 tháng gần 442 triệu USD doanh thu xuất khẩu, đạt hơn 55% kế hoạch cả năm (800 triệu USD).
Xuất khẩu cá tra hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Theo đánh giá của CTCK Bảo Việt (BVSC), cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không ngừng nóng lên với việc Mỹ và Trung Quốc chính thức áp thuế lên gói hàng hóa mới của nhau kể từ ngày 24/09 đang mang đến cơ hội cho những quốc gia trong vai trò xuất khẩu các mặt hàng thay thế sang cả hai thị trường rộng lớn và tiềm năng này.
Ngành thuỷ sản của Việt Nam mà điển hình là sản phẩm cá da trơn được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ xung đột thương mại Mỹ-Trung nếu như biết nắm bắt cơ hội.
Cụ thể, trong gói đánh thuế của Tổng thống Donald Trump, các sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu từ Trung Quốc đã bị áp mức thuế là 10%. Năm 2017, cá rô phi Trung Quốc chiếm gần 45% tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng của Mỹ, trong khi cá tra, basa chỉ chiếm gần 25%. Diễn biến này mở ra cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá thịt trắng (cá tra, cá basa) sang Mỹ để giành giật thị phần sụt giảm từ cá rô phi của Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, năm 2017 là lần đầu tiên Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất sản phẩm cá tra của Việt Nam. Bên cạnh đó, thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc đối với sản phẩm cá tra đang ngày một tăng lên.
Mặc dù các sản phẩm thuỷ sản mà Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc đang bị áp thuế trả đũa không phải là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như tôm hùm, ngao, cua…nhưng việc giá các mặt hàng này tăng lên do thuế có thể sẽ khiến người tiêu dùng Trung Quốc phải cân nhắc hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm thay thế khác, trong đó có thể có cá tra của Việt Nam.
Theo BVSC, nhìn chung nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, xuất khẩu cá tra của Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy mạnh sang cả hai thị trường này. Kết hợp với đề xuất của Bộ nông nghiệp Mỹ mới đây về việc công nhận cá tra của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ, trong đó Hùng Vương được hưởng mức thuế 0% từ mức 3,87 USD/kg sẽ là những thông tin mang tính hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất cá tra.
Trên TTCK, cổ phiếu của các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu cá tra sang Mỹ như ANV, HVG và đặc biệt là doanh nghiệp đầu ngành VHC đã và đang có những dễn biến tích cực về giá.