Tác động thế nào đến kinh tế toàn cầu?
Theo đánh giá của TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới. Việc áp thuế qua lại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ tác động tiêu cực, lan toả dần từ thương mại sang sản xuất của các nước. Tăng trưởng thế giới bị ảnh hưởng sẽ chủ yếu do tác động từ thương mại và đầu tư.Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp tục leo thang. (Ảnh minh họa: KT)
Tốc độ tăng GDP thế giới được dự báo giảm không đáng kể trong năm 2018, giảm từ -0,01 điểm % trong quý II/2018; -0,05 điểm % vào quý III/2018 và 0,09 điểm % vào quý IV/2018. Các năm 2019, 2020 tác động tiêu cực làm tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 0,1 điểm %.TS. Thắng dự báo đỉnh điểm của tác động tiêu cực là vào năm 2021 - 2023, sau đó thị trường sẽ tự điều chỉnh, giảm dần tác động tiêu cực vào các năm tiếp theo.
Bên cạnh Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất, Hàn quốc, Nhật Bản cũng chịu tác động tiêu cực khá lớn. Lý do là mức độ phụ thuộc lớn giữa các quốc gia này với cả Mỹ và Trung Quốc. Trong số các nước ASEAN, Singapore là nước chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất. Mức tăng trưởng GDP của Singapore có thể bị giảm đi 0,4 điểm % vào năm 2019, lớn hơn tác động tới Mỹ và Trung Quốc do Singapore là điểm trung chuyển thương mại và đầu tư của cả hai quốc gia này, TS. Trần Toàn Thắng phân tích.
Việt Nam chịu ảnh hưởng ra sao?
TS. Trần Toàn Thắng nhận định, cả Mỹ và Trung Quốc đều nằm trong nhóm những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, nên căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn chắc chắn tác động tới Việt Nam.
TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới - Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: CafeF)
Việt Nam có thể chịu tác động hai chiều. Tác động tích cực là cơ hội thị trường của Mỹ nếu hàng xuất khẩu Trung Quốc bị hạn chế. Tuy nhiên, tác động này không lớn do các sản phẩm Trung Quốc bị áp thuế hiện nay (trong trường hợp Mỹ đang áp 34 tỷ USD) cũng không phải là sản phẩm chủ lực của Việt Nam.
Ở chiều ngược, Việt Nam có thể chịu tác động tiêu cực do tốc độ tăng trưởng chung toàn cầu bị giảm đi kéo theo cầu về hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm. Như chỉ ra ở phần trên, ngoại trừ EU, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng tiêu cực, TS. Thắng cho hay.
Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF), tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung của Việt Nam bị ảnh hưởng, mức ảnh hưởng tăng dần và đạt cao nhất ở mức -0.12 % vào năm 2020 và 2021. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm -0.29 % vào năm 2021 và mạnh hơn trong các năm 2021-2023. Tốc độ tăng nhập khẩu sẽ giảm khoảng -0.4%.
Tác động tích cực cũng có thể từ dòng vốn FDI tăng thêm, trong điều kiện các nước sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, tính toán cho thấy tác động này không đáng kể, thậm chí FDI vào Việt Nam còn có xu hướng giảm xuống. Điều này có thể do tác động của thương mại bị ảnh hưởng làm cho tình hình sản xuất của khu vực FDI bị ảnh hưởng vì vậy sẽ hạn chế một chút dòng đầu tư. Tuy nhiên, TS. Trần Toàn Thắng cho rằng, tác động này không quá lớn (-0.004 %).
Về tác động tỷ giá, Trưởng ban Kinh tế Thế giới của NCIF lưu ý, đồng USD vẫn giữ được giá trị vì thế có thể không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá với VND mặc dù trong thời gian gần đây có xu hướng tăng nhẹ.
Song, TS. Trần Toàn Thắng khuyến cáo nên chú ý về tỷ giá với NDT. Đồng tiền này đã giảm giá liên tục và dự báo sẽ giảm giá sâu hơn, được coi như phản ứng của Trung quốc với sức ép của Mỹ.
Lo hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam?
TS. Trần Toàn Thắng phân tích: Do vị trí địa lý nên lượng hàng dư thừa Trung Quốc sẽ dễ dàng chuyển hướng sang các khu vực lân cận khác, trong đó có Việt Nam. Lợi thế cạnh tranh về giá khiến các sản phẩm từ Trung Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép cực lớn đến thị trường hàng hóa trong nước.
Nhiều mặt hàng Trung Quốc đội lốt hàng 'Made in Vietnam' để tuồn vào thị trường trong nước. (Ảnh minh họa: Thanh Niên)
Mặt khác, cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động với mục tiêu đánh vào ngành sản xuất công nghiệp của Trung Quốc. Hiện tại, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc lại chủ yếu đến từ các sản phẩm công nghiệp. Như vậy, nếu cuộc chiến thương mại xảy ra, khả năng Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc chuyển hướng các sản phẩm công nghiệp từ Trung Quốc đổ sang, TS. Thắng thông tin thêm.
Diễn biến xung đột thương mại Mỹ-Trung
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khởi nguồn từ tháng 4/2017, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu tiến hành điều tra nhằm xác định liệu thép do Trung Quốc và các nước khác sản xuất có đe dọa an ninh quốc gia Mỹ hay không, qua đó làm tăng khả năng Washington sẽ áp đặt các mức thuế mới và làm tăng giá cổ phiếu ngành thép của Mỹ.
Xung đột gia tăng vào giữa tháng 6/2018 sau tuyên bố áp thuế nhập khẩu 25% của chính quyền Donald Trump lên các mặt hàng từ Trung Quốc, trong đó 90% mặt hàng này là nguyên liệu sản xuất.
Đến tháng 8/2018, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu.
Quyết định của Tổng thống Donald Trump đã thổi thêm một bầu không khí căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ở chiều ngược lại, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tăng thuế lên mức 25% với 128 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Mới đây nhất, ngày 8/8, Ủy ban Thuế quan Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra thông báo sẽ tiến hành đánh thuế bổ sung 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỉ USD nhập khẩu từ Mỹ.
Danh mục hàng hóa gồm 333 mặt hàng các loại, trong đó chủ yếu là các mặt hàng về nhiên liệu như than đá, dàu mỏ, đồng phế liệu, sắt phế liệu,các sản phẩm chế biến từ gỗ ... thời gian tiến hành bắt đầu từ 0h (giờ Bắc Kinh) ngày 23/8/2018.