Theo Bloomberg, hiện có tổng cộng 66 tàu chở than của Australia đang "mắc kẹt" trong vùng biển Trung Quốc, phần lớn là ở ngoài khơi bờ biển phía Đông Bắc gần với các cảng Jingtang và Caofeidian.
Theo số liệu do Kpler - một công ty dữ liệu công bố, đã có khoảng 5,7 triệu tấn than cùng với 1.000 thuyền viên đang "kẹt" ngoài khơi các cảng biển Trung Quốc. Hầu hết các tàu này đều là tàu vận chuyển cỡ lớn, với trọng tải từ 55.000 - 150.000 tấn. Theo ước tính sơ bộ, tổng giá trị của các lô than này vào khoảng 519 triệu USD.
Theo Kpler, do những quy định hạn chế của chính phủ Trung Quốc đối với các tàu hàng Australia khiến tất cả các tàu chở than của Australia phải đợi từ khoảng ba đến năm ngày mới có thể cập cảng Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có 53 trong số 66 tàu đang "mắc kẹt" đã phải chờ khoảng từ bốn tuần hoặc lâu hơn do vẫn chưa nhận được sự đồng ý từ hải quan Trung Quốc để dỡ hàng.
Cuộc chiến thương mại Trung Quốc – Australia leo thang
Tháng 5/2020, Australia kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 bên cạnh việc cấm Tập đoàn Huawei tham gia vào mạng 5G của Úc. Điều này đã khiến Trung Quốc phản ứng dữ dội và châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Australia.
Cũng trong tháng 5/2020, Bắc Kinh đã tạm dừng nhập khẩu lúa mạch và thịt bò từ Australia. Nông dân lúa mạch của Australia có thể phải đối mặt với khoản thuế 80% khi xuất khẩu sang Trung Quốc, mỗi năm giá trị xuất khẩu lúa mạch của Australia sang Trung Quốc khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu để sản xuất bia.
Tháng 9/2020, theo thông báo từ hải quan Trung Quốc, nhà tiêu thụ nông sản lớn nhất thế giới đã đình chỉ nhập khẩu lúa mạch từ công ty CBH Grain Pty ở miền Tây nước Úc vì tìm thấy cỏ dại có hại trong hàng hóa. Trước đó không lâu, Bắc Kinh tuyên bố điều tra chống trợ cấp đối với rượu vang của Canberra.
Tháng 11/2020, Trung Quốc đã trì hoãn việc nhập khẩu các lô hàng nhiệt điện và than cốc của Úc, đồng thời không khuyến khích các nhà máy điện và than thép mua thêm than của Canberra, hoãn một số đơn đặt hàng kỳ hạn. Trung Quốc áp dụng các chỉ thị tương tự đối với việc mua bán mặt hàng bông trị giá 750 triệu USD của Úc.
Trước đó, SCMP cũng cho biết các nhà chức trách Trung Quốc chưa thông báo lệnh cấm qua văn bản mà thông báo bằng lời nói. Lệnh cấm khiến một số tàu chở than của Úc bị mắc kẹt tại các cảng của Trung Quốc.
Giá than luyện kim giảm 40% - ngành thép Đông Nam Á hưởng lợi
66 tàu chở than của Australia neo ngoài khơi Trung Quốc do lệnh trì hoãn nhập khẩu than đã khiến giá than cốc luyện kim giảm 40% trong 2 tháng qua, từ 140 USD/tấn còn 102 USD/tấn tính đến ngày 30/11/2020. Trong công nghệ luyện gang thép, than coke chiếm tỷ trọng 40% chi phí đầu vào nguyên vật liệu, gần ngang với quặng sắt (iron ore).
Bên cạnh đó, do các lệnh hạn chế nhập khẩu nên các doanh nghiệp thép Trung Quốc phải sử dụng than trong nước, dẫn đến giá thành bị đẩy lên cao. Trong khi đó, do nhu cầu tăng cao khiến giá quặng sắt đang leo lên mức 130 USD/tấn, các doanh nghiệp thép Trung Quốc thiệt đơn thiệt kép dẫn đến thiếu thép thô để sản xuất thép xây dựng và HRC.
Giá than coke luyện kim giảm và sự thiếu hụt sản lượng thép thô tại Trung Quốc do chiến tranh Úc – Trung nói trên khiến các doanh nghiệp thép ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam vô hình chung được hưởng lợi bằng cách tận dụng cơ hội nhập than giá rẻ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Với phôi thép, một đại diện của Hoà Phát cho biết xuất khẩu phôi thép thời gian qua tăng cao, trong đó hơn 70% là sang Trung Quốc, là nhờ nỗ lực và đầu tư của công ty vào công nghệ và sản phẩm cũng như chính sách của Trung Quốc nhằm đóng cửa các nhà sản xuất thép công nghệ thấp ở Trung Quốc.
Còn với HRC, thị trường thép cuộn cán nóng Châu Á và thế giới nói chung vẫn đang giao dịch mạnh mẽ trong thời gian gần đây nhằm tìm kiếm nguyên liệu đầu vào để sản xuất sản phẩm hạ nguồn (ống thép, tôn mạ, thép kết cấu), cung cấp cho nội địa và xuất khẩu. Điều này khiến giá bán HRC ngày càng tăng cao và đã xuất hiện những đơn hàng với giá quanh mức 600USD/tấn tại Trung Quốc, giao hàng Quý I/2021.
Tại Việt Nam, trao đổi với chúng tôi, đại diện của Hoà Phát cho biết giá bán HRC đã tăng khoảng 20-50USD so với hồi tháng 10, dao động quanh mức trên dưới 570USD/tấn nhưng giao dịch vẫn rất sôi động, các nhà sản xuất không đủ hàng cho thị trường. Để tăng cường nguồn cung cho thị trường trong nước, Hòa Phát đã ưu tiên tối đa sản lượng nước gang tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất để làm HRC. Có thời điểm, tỷ lệ sử dụng gang lỏng cho thép cuộn cán nóng chiếm trên 60% tổng lượng gang lỏng của cả 3 lò.
Ông cho biết thêm việc mua thép từ ASEAN trong một số giai đoạn có hiệu quả và tiết kiệm hơn đối với người mua Trung Quốc nhưng cũng đề cập rằng vẫn là một thách thức lớn đối với ngành công nghiệp trong nước khi cạnh tranh với các công ty Trung Quốc khi sản xuất trở lại. Các nhà sản xuất trong nước nên đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, tăng cường xuất khẩu để giảm bớt áp lực trên thị trường trong nước và cạnh tranh tốt hơn với thế giới.
Trong khi đó, thông tin từ Hiệp hội Thép trích lời đại diện Công ty Cổ phần Thép Formosa Hà Tĩnh, đơn vị cũng đã xuất khẩu hơn 1 triệu tấn sản phẩm thép trong năm nay, cho biết Việt Nam đã kiểm soát rất tốt đại dịch, ngành xây dựng đã khởi sắc trở lại và tạo cơ hội cho ngành thép.