Chiến tranh thương mại và Trung Quốc đang vùi dập 3 "ngôi sao" của kinh tế thế giới?

15/10/2019 13:10
Mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu của Đức, Hàn Quốc và Singapore đang bộc lộ nhiều điểm yếu.

Vì các tiến bộ công nghệ được phổ cập rộng rãi và toàn cầu hóa, từ lâu nay hầu hết các nước phát triển đang có tốc độ tăng trưởng gần như là ngang bằng. Tuy nhiên, trong mỗi thập kỷ lại có một vài ngôi sao nổi trội hơn so với phần còn lại. Thông thường, các quốc gia phát triển sẽ nhìn vào những ngôi sao này để tìm ra cách thúc đẩy nền kinh tế của mình tăng trưởng tốt hơn.

Trong thập kỷ hậu khủng hoảng tài chính, có 3 nước gồm Đức, Singapore và Hàn Quốc tỏ ra nổi trội với tốc độ tăng trưởng luôn vượt Mỹ kể từ năm 2009 đến nay. Nhìn vào mỗi quốc gia đều có thể tìm thấy một câu chuyện lý giải tại sao họ có thể làm tốt như vậy.

Chiến tranh thương mại và Trung Quốc đang vùi dập 3 ngôi sao của kinh tế thế giới? - Ảnh 1.

GDP bình quân đầu người của các nước.

Sức mạnh của kinh tế Đức xuất phát từ nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động rất năng suất, mối quan hệ hài hòa giữa công đoàn và các chủ doanh nghiệp, hệ thống đào tạo nghề hiệu quả và thặng dư thương mại lớn. Câu chuyện thành công của Singapore đôi lúc được cho là thành quả của nền giáo dục tân tiến, hệ thống nhà ở xã hội độc đáo và dòng vốn đầu tư công vào công nghệ sinh học cũng như các ngành công nghệ cao khác. Trong khi đó kinh tế Hàn Quốc mạnh lên nhờ những tập đoàn hùng mạnh, mà tiêu biểu là Samsung.

Nhưng trong năm vừa qua, cả 3 nền kinh tế này đang bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Trong khi các chỉ số kinh tế của Mỹ tỏ ra vững vàng, Hàn Quốc, Đức và Singapore đều đã hoặc sắp rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Kinh tế Đức đã tăng trưởng âm trong quý II, và được dự báo còn suy giảm mạnh hơn trong quý III. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu sụt giảm, và khoảng 1/8 mức sụt giảm là do kinh tế Trung Quốc – khách hàng lớn nhập khẩu các máy móc thiết bị và nhiều sản phẩm khác của Đức. Không chỉ có vậy, cả thế giới cũng mua ít hàng của người Đức hơn. Và lĩnh vực sản xuất của Đức phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu.

Các tập đoàn công nghiệp của Đức đang đối mặt với một số xu hướng bất lợi. Ngành ô tô Đức rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu, khi mà các quy định chặt chẽ hơn về khí thải đe dọa đến tương lai của ô tô chạy bằng diesel. Một số thành phố châu Âu đã ra lệnh cấm hoàn toàn phương tiện chạy bằng diesel, và một số nước trong khu vực đang cam kết sẽ cấm toàn bộ các phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong trong tương lai gần.

Xu hướng năng lượng sạch là một xu hướng gây cho kinh tế Đức nhiều nỗi đau. Các công nghệ, kiến thức sâu sắc được ngành ô tô Đức tích lũy trong cả trăm năm giờ sẽ trở nên lạc hậu khi thế giới chuyển sang xe điện.

Kinh tế Hàn Quốc vẫn tăng trưởng trong quý II, nhưng đã suy giảm 0,4% trong quý I. Tỷ lệ lạm phát cũng giảm, thể hiện nền kinh tế thiếu hụt lực cầu.

Giống như Đức, lĩnh vực xuất khẩu cũng là rắc rối của kinh tế Hàn Quốc và các công ty sản xuất chip bán dẫn là nỗi lo lớn nhất. Trong những năm gần đây, Hàn Quốc đã nổi lên là cường quốc về mảng này, với Samsung vượt mặt Intel để trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới (và cũng có thể là tiên tiến nhất). Xuất khẩu chip đóng góp tới 1/4 GDP. Vì thế khi mảng này gặp bất lợi – vì tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, chiến tranh thương mại với Nhật Bản và nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc – thì kinh tế Hàn Quốc lĩnh đủ.

Không chỉ có cú sốc bên ngoài, kinh tế Hàn Quốc còn bị ảnh hưởng tiêu cực vì người dân thắt lưng buộc bụng. Các hộ gia đình đã vay nợ rất nhiều trong mấy năm gần đây, và cú sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu sẽ khiến quá trình giảm nợ thêm đau đớn.

Trong khi đó, kinh tế Singapore đã suy giảm trong quý II. Một lần nữa, thủ phạm lại là xuất khẩu và lĩnh vực sản xuất đều suy yếu. Với xuất khẩu bằng 170% GDP, Singapore là một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất trên tehes giới, và cuộc chiến thương mại Mỹ Trung (đặc biệt là chính sách hạn chế xuất khẩu công nghệ của Mỹ) tác động rất mạnh đến nước này. Điều trớ trêu là các cuộc biểu tình ở Hồng Kông có thể giúp Singapore tránh được suy thoái trong ngắn hạn vì dòng vốn dịch chuyển sang đảo quốc sư tử. Về dài hạn, mối nguy chiến tranh thương mại, kết hợp với dân số già hóa và năng suất giảm, vẫn tồn tại và đe dọa kinh tế Singapore.

3 ngôi sao của thập kỷ vừa qua đều đang đối mặt với các vấn đề giống nhau: thương mại toàn cầu và nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm chế tạo suy yếu. Thời kỳ bùng nổ của kinh tế Trung Quốc chấm dứt, cùng với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang là những tín hiệu rõ ràng về hồi kết của mô hình đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong suốt 20 năm qua.

Và nếu như cuộc tranh cãi giữa người Nhật và người Hàn tiến triển mạnh hơn, chuyển biến thành chủ nghĩa dân tộc kinh tế, các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu trên khắp thế giới sẽ phải chịu nhiều đau đớn hơn nữa. Áp lực ngày càng tăng về biến đổi khí hậu sẽ làm xáo trộn các ngành dựa vào nhiên liệu hóa thạch ví dụ như ô tô.

Môi trường kinh tế đã giúp Đức, Singapore và Hàn Quốc vươn lên trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 sắp chấm dứt. Điều đó không đồng nghĩa không có bài học nào được rút ra từ hệ thống giáo dục, quan hệ với người lao động và chính sách công nghiệp của những nước này. Nhưng điều luôn đúng là các mô hình kinh tế khác nhau sẽ thích hợp với những thời kỳ khác nhau, bối cảnh khác nhau, và thời gian qua đi thì người thắng cuộc và người thua cuộc cũng thay đổi.

Tin mới

Giá cà phê tiếp đà lên đỉnh 27 năm
2 giờ trước
Giá cà phê thế giới tiếp tục xu hướng tăng mạnh phản ánh những lo ngại sâu sắc về nguồn cung trong tương lai.
3 triệu người đặt mua "siêu phẩm" điện thoại mới của Huawei: Không Android, chip vô danh - Vẫn cháy hàng
4 giờ trước
Mate 70 là mẫu điện thoại sở hữu con chip bí mật, không chạy hệ điều hành Android nhưng vẫn được hàng triệu người quan tâm.
Black Friday ở TP.HCM: Hạ giá tới 80% nhưng khách hàng vẫn dè dặt xuống tiền
4 giờ trước
Những ngày trước dịp Black Friday, nhiều cửa hàng tại TP.HCM đã rầm rộ quảng cáo khuyến mại sớm với những chương trình ưu đãi giảm giá từ 50% - 80% nhưng lượng khách mua không nhiều.
Thị trường ngày 28/11: Dầu biến động, vàng tăng, cà phê cao nhất nửa thế kỷ
5 giờ trước
Chốt phiên giao dịch ngày 27/11/2024, giá dầu Brent tăng trong khi WTI giảm sau khi tồn kho xăng tăng bất ngờ tại Mỹ. Giá vàng bật tăng sau dữ liệu lạm phát Mỹ, đồng đô la yếu.
Honda Wave 125i 2025 ra mắt: Thêm màu mới đẹp như SH, 'ăn' 1,4L/100km
5 giờ trước
Mẫu xe máy số Honda Wave 125i đời năm 2025 vừa được ra mắt, bổ sung thêm màu sắc mới.

Tin cùng chuyên mục

Một linh kiện xịn xò trên EV sẽ giảm một nửa, sắp phổ cập xuống cả xe giá 500 triệu: Thời của ô tô điện 'ngon bổ rẻ' đến thật rồi
10 giờ trước
Đây là thành phần quan trọng cho công nghệ ADAS trên các mẫu xe hiện đại.
Giá USD hôm nay 26/11: Đồng loạt giảm, tỷ giá "chợ đen" vẫn tăng
2 ngày trước
Giá USD hôm nay 26/11 trên thế giới và trong nước tiếp tục giảm. Tuy nhiên, giá USD ngân hàng bán vẫn sát giá trần được ngân hàng nhà nước cho phép. Trong khi đó, tỷ giá "chợ đen" tăng 90 đồng mỗi chiều.
App gọi xe nhỏ chật vật tìm đường sống
24/11/2024 09:20
Dù nỗ lực bám trụ thị trường nhưng các ứng dụng gọi xe nhỏ lẻ vẫn khó có cơ hội bứt phá
Xe Trung Quốc ở Việt Nam lúc này: Dè dặt xe điện, chuyển hướng bán hybrid, xe xăng
23/11/2024 07:47
Trước hàng loạt thách thức ở thị trường Việt Nam, xe điện Trung Quốc dường như đã không bùng nổ như kỳ vọng, thậm chí có xu hướng "dè dặt" hơn trong việc ra mắt. Thay vào đó, các hãng lại tỏ ra ưu ái xe đốt trong hơn khi đã và sắp ra những mẫu mới sử dụng động cơ xăng hoặc hybrid.