Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp trực tiếp tại Nhật Bản hồi cuối tháng 6, nhất trí đình chiến cuộc chiến thương mại đã kéo dài một năm để nối lại đàm phán giữa hai nền kinh tế. Washington cam kết không áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc và nới lỏng các hạn chế lên công ty công nghệ Huawei.
Đàm phán thương mại đã tái khởi động sau khi bế tắc từ tháng 5. Các nhà đàm phán của hai phía điện đàm hôm 9/7, thảo luận về khả năng gặp trực tiếp trong tương lai.
Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc chưa thiết lập hạn chót cho quá trình này, để ngỏ khả năng đàm phán có thể kéo dài sang năm 2020, vào “cuộc chiến tranh cử tổng thống” của ông Trump.
“Tôi nghĩ khó có giải pháp nào đạt được trước năm 2020”, Steve Bannon, cựu chiến lược gia Nhà Trắng của Trump, nói. Bannon là người ủng hộ có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh.
Ông hoan nghênh quyết định hoãn áp thuế và nới lỏng hạn chế với Huawei để giúp đàm phán tiếp tục diễn ra.
“Tôi nghĩ điều đó sẽ hữu ích cho ông ấy về mặt chính trị bởi đó là thực tế của thế giới chúng ta đang sống”.
Mỹ muốn Trung Quốc thay đổi cái gọi là những hành vi thương mại bất bình đẳng, bao gồm trộm cắp tài sản trí tuệ, ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc, trợ giá doanh nghiệp quốc doanh và thao túng tiền tệ.
Tổng thống Trump đã áp thuế 25% với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và tuyên bố chỉ chấp nhận một thỏa thuận bao gồm việc Bắc Kinh có các cải cách mang tính cấu trúc về cách làm ăn.
Trung Quốc đáp trả bằng thuế với 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhập khẩu, trong đó có nông sản, khiến nông dân Mỹ - lực lượng từng giúp Trump đắc cử năm 2016 – bị ảnh hưởng nặng nề.
Chiến lược công kích Trung Quốc khi tranh cử năm 2016 đã giúp Trump thu hút sự ủng hộ từ cử tri và khả năng cao ông sẽ tiếp tục chiến lược này trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Washington và Bắc Kinh từng suýt hoàn tất thỏa thuận thương mại hồi tháng 5 nhưng phía Trung Quốc phản đối những yêu cầu về thay đổi luật pháp để thực hiện cải cách, theo các quan chức Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp trực tiếp tại Nhật Bản hồi cuối tháng 6. Ảnh: Reuters.
Dễ tổn thương
Dù vậy, phe Dân chủ - nhiều người cũng ủng hộ lập trường cứng rắn với Trung Quốc, vẫn nhìn thấy điểm yếu tiềm ẩn trong cách tiếp cận của Trump.
Tổng thống Trump nhấn mạnh thuế không ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ và đã chi hàng chục tỷ USD để hỗ trợ những nông dân chịu tác động. Nếu đến năm 2020 mà Mỹ - Trung chưa đạt thỏa thuận và thuế quan vẫn hiện hành, các bang chính trị dao động như Iowa và Pennsylvania – từng ủng hộ Trump, đảng Cộng hòa, năm 2016 – có thể nghiêng về phía ứng viên đảng Dân chủ.
Nguy cơ này khiến một số thân tín của ông Trump lo ngại.
Stephen Moore, cố vấn kinh tế ngoài Nhà Trắng của Trump, nhận định một thỏa thuận nhanh sẽ hữu ích. Việc xuống thang căng thẳng với Nhật Bản là tích cực nhưng các lần đình chiến không kéo dài bất tận.
“Có thể điều đó giúp chúng tôi vượt qua đợt bầu cử tới”, Moore nói. Moore từng được đề cử vào một ghế thống đốc trong Fed hồi đầu năm nhưng rút lui sau khi bị chỉ trích vì có bình luận khiếm nhã liên quan đến phụ nữ và thay đổi lập trường về lãi suất.
“Lời khuyên của tôi cho Tổng thống Trump … khi được hỏi là hãy chấp nhận thỏa thuận ông đang có và giữ lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc sau khi tái đắc cử”.
Trump vẫn chưa làm tất cả cam kết liên quan Trung Quốc ông đưa ra khi tranh cử năm 2016. Ông chưa coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ và trong khi áp thuế với Bắc Kinh, ông lại thường xuyên ca ngợi ông Tập.
Tự nhận là một nhà lập thỏa thuận lão luyện nhưng Trump dường như vẫn chưa khiến giới lãnh đạo Trung Quốc khôi phục lại những cam kết họ đã rút lại hồi tháng 5.
“Thành tích lớn nhất về đàm phán thương mại là buộc Trung Quốc phải quay trở lại bàn nhưng vẫn chưa có hạn chót nào được thiết lập và chưa có thông báo công khai rằng… Mỹ đã lấy lại được những cam kết ‘bị rút lại’”, theo Michael Pillsbury, cố vấn kinh tế ngoài Nhà Trắng của Trump.
Nhượng bộ để khởi động đàm phán là điều đáng làm. “Đó là quyết định khôn ngoan bởi nếu không làm vậy, chúng ta sẽ không có cuộc đàm phán nào nữa”.
Giới chức Mỹ cho biết Trung Quốc cuối tháng 6 nhất trí mua thêm nông sản Mỹ nhưng họ vẫn chưa thực hiện, khiến ông Trump bóng gió sự không hài lòng trên Twitter hôm 11/7.
“Trung Quốc đang khiến chúng tôi thất vọng bởi họ không mua nông sản từ nông dân Mỹ như cam kết. Hy vọng họ sẽ sớm bắt đầu mua!”, ông viết.
Theo hướng đi đúng?
Phe Dân chủ chỉ trích chiến thuật của Trump với Trung Quốc nhưng cũng thận trọng khi bình luận. Sự cứng rắn nhằm vào Bắc Kinh nhận được sự ủng hộ đáng kể từ lưỡng đảng. Ví dụ, cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, đảng Dân chủ, rút lại bình luận cho rằng Trung Quốc không phải mối đe dọa nhưng vẫn công kích biện pháp thuế của Trump.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, một trong những ứng viên tổng thống đảng Dân chủ có tiềm năng, cân nhắc coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Chiến dịch tranh cử của ông nhất trí cần có lập trường cứng rắn với Trung Quốc và không đồng tình với cách ông Trump làm.
Tuy nhiên, phe Trump coi lập trường hiện tại là một lợi thế, tin rằng không có thỏa thuận thương mại còn hơn là một thỏa thuận tệ, tiến triển còn hơn bế tắc.
“Tổng thống Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên hành động đối phó với những hành động xấu của Trung Quốc trong thương mại suốt nhiều thập kỷ qua, vị thế sức mạnh sẽ tạo được tiếng vang với những cử tri lo ngại về việc làm tại Mỹ”, Erin Perrine, người phát ngôn chiến dịch vận động của Trump, nói.
Trung Quốc mua hay không mua hàng hóa Mỹ sẽ có ảnh hưởng chính trị trong năm 2020, nếu cử tri tại các bang nông nghiệp và sản xuất nhận ra Trump chưa hiện thực toàn bộ cam kết.
“Nếu mọi người tin tình hình đi đúng hướng và các bang then chốt tiếp tục bán được nông sản như đậu tương… tổng thống có thể tuyên bố mọi thứ có tiến triển”, Sean Spicer, cựu phát ngôn viên của ông Trump, nói.
“Vấn đề là liệu tình hình có đang đi đúng hướng?”.