HDBank vừa đưa ra dịch vụ tra cứu sổ tiết kiệm cho khách hàng gửi tiền sau hàng loạt sự cố tiền gửi tiết kiệm ở Eximbank.
Tuần trước, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM đã ký văn bản chỉ đạo Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đề nghị các TCTD phải thường xuyên tra soát tiền gửi tiết kiệm của khách hàng để ngăn ngừa những hành vi vi phạm về tiền gửi, tiền vay, thanh toán… trong ngân hàng.
Những người làm ngân hàng cho rằng, khủng hoảng sổ tiết kiệm ở Eximbank có yếu tố khách VIP – những người gửi tiền với số lượng lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thậm chí cả ngàn tỷ đồng được NHTM phục vụ tận nhà, từ việc cho xe đến nhà lấy tiền mặt, lập sổ tiết kiệm tại nhà, mang theo con dấu đóng dấu sổ tiết kiệm tại nhà cho khách VIP. Đến khi trả lãi nhiều NHTM chiều khách VIP lại mang theo giám đốc phòng giao dịch, kế toán trưởng, thủ quỹ ôm tiền, con dấu, sổ sách đến tận nhà làm thủ tục chiều khách VIP. Khách VIP còn ủy quyền cho nhân viên ngân hàng làm mọi thủ tục.
Thế nhưng, ít ai để ý đến việc 3-4 nhân sự của phòng giao dịch ôm tiền và con dấu đi phục vụ khách VIP, trên đường có thể nảy sinh lòng tham chuyển hướng ôm tiền của khách hàng bỏ trốn. Chỉ có những ngân hàng nào thực hiện nghiêm quy trình thủ tục giao dịch vốn mới từ chối giao dịch tiết kiệm tận nhà cho khách VIP tức là đảm bảo an toàn tiền gửi cho chính khách hàng. Nhưng lợi ích "hoa hồng" dành cho người tìm được khách VIP gửi hàng trăm tỷ đồng có thể làm ngân hàng bỏ qua quy trình an toàn tiền gửi ngân hàng.
Đặc biệt, nhiều khách hàng VIP ra vào ngân hàng thuộc mặt từ bảo vệ đến giám đốc nên khi gọi điện thoại đến nhờ rút tiền trước rồi đến bổ sung chữ ký sau cũng là điều dễ hiểu để các bộ phận kế toán, ngân quỹ có thể châm trước cho qua. Nhiều ngân hàng còn sẵn sàng ứng tiền hàng chục tỷ đồng chuyển qua một tài khoản khác cho khách VIP chỉ bằng một cuộc điện thoại với lý do khách hàng đi du lịch nước ngoài. Mối quan hệ thân thiết đến mức giám đốc phòng giao dịch ngân hàng còn đề nghị khách VIP ký vào form mẫu cho vài ba bản để sẵn khi khách VIP ủy quyền cho người khác rút tiền, chuyển tiền mà không cần đến quầy giao dịch ngân hàng.
Sự việc sẽ trở nên "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" giữa khách VIP và ngân hàng khi tiền gửi tiết kiệm bị một cá nhân trong ngân hàng xâm phạm. Nhưng lãnh đạo ngân hàng thì không muốn nói ra sự thật về đạo đức cán bộ của mình đã bị suy thoái và đặc biệt đã vi phạm quy trình giao dịch chỉ vì muốn đơn giản hóa thủ tục để giữ chân khách VIP. Nhất là những khách VIP có lượng tiền gửi lớn ngoài việc được chiều chuộng về thủ tục giao dịch lại còn được các ngân hàng tăng thêm lãi suất như một cách cạnh tranh với ngân hàng khác. Điều này càng làm cho ngân hàng nào chiều khách VIP trở nên khó nói khi chính mình đã vi phạm các quy định tiền gửi trong khi khách VIP tiếp tục khoét sâu vào sự thiếu minh bạch đó.
Theo ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, có nhiều nguyên nhân gây ra các sự việc liên quan đến mất tiền tiết kiệm, song trên hết với vai trò trách nhiệm của TCTD cần đảm bảo an toàn tài sản ngân hàng. An ninh an toàn tiền gửi của khách hàng còn tạo lập niềm tin và củng cố niềm tin vững chắc của người dân, khách hàng và thị trường đối với mỗi TCTD.
Theo đó, Chỉ thị 07/CT-NHNN năm 2017 về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã nhấn mạnh đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng góp phần ổn định tiền tệ, tài chính. TCTD phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục giao dịch với khách hàng chính là đảm bảo an toàn cho ngân hàng và khách hàng.
Trên nguyên lý, nếu dưới 10% số lượng khách hàng tạo ra doanh thu trên 80% thì nhà kinh doanh phải chăm sóc và nuôi dưỡng nhóm khách hàng VIP đó. Nhưng cũng nên nhớ ngân hàng là một định chế tài chính trung gian huy động tiền gửi dân cư và cho vay lại nền kinh tế, chứ không phải một đơn vị làm dịch vụ cất giữ tài sản. Điều này cũng lý giải vì sao một số ngân hàng hiện không áp dụng giao dịch ủy quyền rút tiền từ xa và các ngân hàng ngoại đã rất chặt chẽ trong quy trình rút tiền, chuyển tiền tự động đến cực đoan.