Điểm cáp của CMC tố bị FPT Telecom cắt.
CMC Telecom cho biết, vào hồi 14h45 phút ngày 4/10/2018, tại số 2 và số 26 Tân Sơn Nhì, Quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, tuyến cáp quang 48FO của CMC Telecom đã bị FPT Telecom cắt đứt khiến toàn bộ dịch vụ kết nối cho khách hàng tại khu vực Tân Phú, huyện Hóc Môn, Củ Chi bị mất hoàn toàn tín hiệu. Đây là bể cáp ngầm mà FPT đầu tư theo hình thức xã hội hóa và CMC đang thuê lại hạ tầng. |
Ngay lập tức, CMC liên hệ với FPT thì mới được biết lý do là CMC chưa ký lại Phụ lục Hợp đồng mới với giá được FPT điều chỉnh tăng. Việc này khiến CMC hoàn toàn ngỡ ngàng khi FPT chưa gửi bất cứ một văn bản chính thức nào cho CMC về dự kiến thay đổi giá, ký lại phụ lục hợp đồng. Và FPT cũng chưa tiến hành đàm phán hai bên về sự thay đổi hợp đồng theo đúng chuẩn mực giao dịch kinh tế.
“Hiện tại, các kỹ thuật viên CMC đang gồng mình khắc phục sự cố, trả lại tín hiệu cho khách hàng. Tuy nhiên, hành động FPT cắt cáp của CMC đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khách hàng, tổ chức kinh tế trong đó có các tổ chức doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam”, đại diện CMC Telecom nói.
Chiều ngày 4/10/2018, ICTnews đã liên hệ với đại diện FPT để tìm hiểu sự việc và phía FPT cho biết sẽ thông tin sớm nhất về vụ việc này.
Chiều tối ngày 4/10, các nhân viên ký thuật của CMC vẫn phải tập trung xử lý hàn cáp dưới mưa. |
Đây không phải là lần đầu tiên CMC và FPT tố nhau về vấn đề cắt cáp. Hồi tháng 10/2016, FPT Telecom đã cắt cáp của CMC Telecom vì cho rằng đơn vị này vi phạm hợp đồng khi tự ý kéo cáp Internet vào hầm cáp do FPT đầu tư mà không báo trước. Phía CMC cho rằng, FPT Telecom tiến hành cắt cáp của CMC tại số 81 Cách mạng Tháng 8, quận 10, TPHCM cho dù CMC không vi phạm thanh toán và hợp đồng. Vụ việc đã làm ảnh hưởng đến toàn bộ khách hàng quốc tế trên tuyến Cách mạng Tháng 8. Tuy nhiên, phản pháo trước những cáo buộc này, FPT Telecom phát đi thông cáo cáo chí cho rằng, CMC Telecom đã vi phạm hợp đồng khi tự ý kéo cáp Internet vào hầm cáp do FPT đầu tư mà không báo trước. CMC Telecom có thỏa thuận với FPT Telecom về việc thuê hạ tầng trước đó, nhưng trong quá trình triển khai, phía CMC Telecom đã có động thái "lắp thêm" cáp vào những khu vực không có trong hợp đồng. Tại thời điểm đó, ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho rằng, với việc quản lý đô thị chưa tốt như hiện nay thì còn nhiều tranh chấp giữa các doanh nghiệp hạ tầng và bộ mặt mỹ quan đô thị còn bị ảnh hưởng. Cụ thể, ông Bình cho rằng, quan điểm của VIA là các doanh nghiệp kinh doanh thì trước tiên cần tuân thủ pháp luật cũng như thỏa thuận kinh tế giữa các bên. Khi có tranh chấp, trước tiên các bên nên ngồi lại với nhau để trao đổi, thỏa thuận trên cơ sở đảm bảo lợi ích của các bên.Trong trường hợp không thể thỏa thuận được với nhau, kể cả có sự tham gia hòa giải của các cơ quan liên quan thì phải ứng xử theo quy định của pháp luật, như kiện ra tòa chẳng hạn. "Hợp đồng giữa các bên tham gia đều quy định rõ điều khoản chấm dứt hợp đồng hay kiện ra tòa án dân sự", ông Bình nói. Nhưng một lần nữa, sự việc này cho thấy quản lý đô thị của Việt Nam chưa được tốt, hay nói cách khác là các quy định về sử dụng chung hạ tầng viễn thông, quy hoạch hạ tầng viễn thông còn chưa sát thực tế. Với tình hình này, sẽ còn nhiều tranh chấp giữa các doanh nghiệp hạ tầng, và bộ mặt mỹ quan đô thị còn bị ảnh hưởng, nếu các cơ quan chức năng không có phương án căn cơ. ICTnews sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về diễn tiến vụ việc này. |