Với chiêu thức lừa đảo mới tương đối tinh vi, không ít người dùng mạng xã hội Zalo đã bị sập bẫy, mất tiền oan khi kẻ lừa đảo mạo danh những người quen của họ để nhờ chuyển khoản, vay tiền.
Anh V.T.Đ (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chiều 28/8, anh nhận được thông tin có người mạo danh tài khoản Zalo của anh để hỏi vay tiền với cách thức hết sức tinh vi. Đối tượng này đã lập một tài khoản Zalo có tên của anh, dùng ảnh anh làm ảnh đại diện.
"Kẻ lừa đảo bằng một cách nào đấy đã có được gói dữ liệu là danh sách số điện thoại trong danh bạ của tôi. Tôi là dân IT nên đoán rằng, tất cả dữ liệu này đều được họ mua từ một bên thứ ba. Tiếp theo, kẻ lừa đảo lấy ảnh đại diện, ảnh bìa trên Facebook, Zalo của tôi để tạo một tài khoản Zalo có tên hiển thị, thông tin y hệt", anh cho biết.
Sau đó, họ sẽ kết bạn với các số điện thoại trong danh sách trên. Để xác định mối quan hệ giữa 2 người, những đối tượng này sẽ gửi những tin nhắn mồi, nếu mục tiêu trả lời, kẻ lừa đảo sẽ tiến hành nói chuyện và hỏi vay tiền.
Khi vay được một lần, các đối tượng sẽ tiếp tục vay mượn người quen, bạn bè trong danh bạ Zalo của anh Đ. Anh cho biết chỉ trong một ngày, nhiều người thân, bạn bè anh đã chuyển tiền liên tiếp 3-4 lần. "Khi thấy số lượng tiền quá lớn, mọi người mới gọi điện trực tiếp cho tôi, lúc này thì đã quá muộn, đối tượng đã chặn hết liên lạc", anh Đ kể lại.
Theo anh Đ, kẻ lừa đảo đã tạo sẵn một tài khoản ngân hàng có tên không dấu giống với tên của anh. Ngay sau đó, anh đã liên hệ với phía ngân hàng mà những đối tượng kia lập tài khoản. Việc làm này nhằm kiểm tra, xác minh là anh chưa đăng ký hay mở bất cứ một tài khoản nào ở ngân hàng.
"Tôi đã liên hệ với ngân hàng có số tài khoản của kẻ lừa đảo, mạo danh tôi để thông báo sự việc. Đồng thời, tôi đã viết đơn trình báo lên cơ quan công an nơi tôi sinh sống và công an ở các khu vực có người thân, bạn bè của tôi bị đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền", anh cho biết.
Trao đổi với Dân trí, đại diện một ngân hàng cho hay, khi gặp phải tình huống như trên, khách hàng cần liên hệ ngay đến bộ phận chăm sóc khách hàng của các ngân hàng để được hỗ trợ, hướng dẫn và trình báo sự việc cho cơ quan công an để vào cuộc xác minh.
Phía ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng, người sử dụng dịch vụ nên nâng cao sự cảnh giác, kiểm tra thông tin thật kỹ trước khi giao dịch để không gặp phải những trường hợp đáng tiếc. Đặc biệt, khách hàng nên hết sức cẩn trọng khi sử dụng các dịch vụ, công nghệ trên không gian mạng.
Theo tìm hiểu của Dân trí, hiện nay, không ít đối tượng đang rao bán dữ liệu cá nhân trên mạng. Trong vai người mua, phóng viên đã được giới thiệu về các gói, dịch vụ hoàn hảo từ A đến Z của các bên cung cấp.
Trong đó, gói dữ liệu cá nhân bao gồm số điện thoại, địa chỉ có giá từ 200 đến 500 đồng/số. Nếu khách mua từ 10.000 số trở lên sẽ có giá ưu đãi, chỉ còn 150 đồng/số. Theo quảng cáo, gói dữ liệu này có độ chuẩn xác đến 90% và đơn vị sẽ liên tục cập nhật thông tin nếu có.
Thông thường, gói data sẽ được chia ra theo khu vực, lĩnh vực, ngành nghề, độ tuổi, giới tính để người mua dễ dàng lựa chọn. Như gói data về bất động sản, bảo hiểm, mỹ phẩm, trung tâm tiếng Anh, sàn giao dịch chứng khoán…
Thậm chí, các đơn vị này còn sẵn sàng cung cấp 100 số đầu miễn phí để khách kiểm tra chất lượng và rà soát thông tin. Nếu ưng ý, người mua chỉ cần chuyển tiền là sau 5 - 10 phút, toàn bộ dữ liệu của khách hàng sẽ về tay.
Khi phóng viên ngỏ ý mua loại data cá nhân cao cấp hơn gồm có chứng minh thư của khách, các đơn vị này còn khẳng định là có bán nhưng sẽ bán ở một thời điểm thích hợp với lý do bất ngờ.
Nhìn chung, việc mua bán diễn ra khá đơn giản, dễ dàng nhưng từ đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi việc thông tin cá nhân bị xâm phạm. Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân từ những cuộc mua bán này.
(Theo Dân Trí)