Để tránh rủi ro pháp lý khi mua nhà đất, việc kiểm tra xem nhà đất đó đang thế chấp hay không có vai trò rất quan trọng.
Dựa vào thông tin trong sổ đỏ, sổ hồng
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hay giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở (sổ hồng) là cơ sở pháp lý quan trọng trong giao dịch mua bán. Tuy nhiên không ít trường hợp người mua đất, mua nhà vấp phải những sổ đỏ, sổ hồng đang thế chấp tại ngân hàng.
Để biết sổ đỏ đó có đang thế chấp hay không, bạn cần để ý đến mặt số 3 hoặc số 4 của sổ đỏ, sổ hồng. Bởi khi nhận thế chấp nhà đất đó, phía ngân hàng sẽ ghi rõ trực tiếp vào mặt số 3 hoặc số 4 của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hoặc đính kèm một tờ giấy riêng (tờ giấy này và GCN có đóng dấu giáp lai của cơ quan đăng ký đất đai). Khi tài sản đang được thế chấp hợp pháp thì bên nhận thế chấp giữ bản chính và được cơ quan có thẩm quyền đóng dấu và ghi dòng chữ: “Đã thế chấp quyền sử dụng đất cho ngân hàng… theo hợp đồng số...”.
Cần chú ý đến thông tin trong sổ đỏ/ sổ hồng |
Hoặc trong GCNQSDĐ ghi "Kèm theo giấy chứng nhận này có trang bổ sung". Tức là có một trang bổ sung kèm theo giấy chứng nhận này để thể hiện biến động, cập nhật trong quá trình được cấp sổ hồng. Do vậy, người mua phải yêu cầu chủ nhà xuất trình trang bổ sung đó để xem nội dung là gì?
Nếu nhà có thế chấp ngân hàng vay tín dụng thì sẽ được cập nhật vào trong trang bổ sung. Nhà đã xóa thế chấp thì nội dung xóa đó cũng sẽ thể hiện trong trang bổ sung này. Chỉ khi nào tài sản đã được giải chấp (xóa thế chấp) thì mới có thể mua bán.
Trong trường hợp người bán cố tình giấu thông tin về việc bất động sản đang bị thế chấp, có thể họ sẽ gỡ tờ giấy chứng nhận thế chấp ra. Quan sát kỹ bạn sẽ thấy ở 1 góc, cạnh nào đó của GCNQSDĐ chỉ có 1 nửa dấu giáp lai hoặc dấu của kim bấm.
Có những người bán thậm chí sẽ lươn lẹo bằng cách chỉ cho bạn xem bản photo của sổ đỏ thời điểm trước khi phát sinh việc thế chấp. Do đó, trước khi quyết định mua, bạn có quyền đề nghị chủ tài sản cho xem sổ đỏ bản gốc để kiểm tra những thông tin này.
Tra cứu thông tin tại phòng công chứng hoặc văn phòng đăng ký đất đai
Có thể tra cứu thông tin thế chấp nhà đất tại phòng công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền |
Trước khi tiến hành giao dịch mua - bán nhà đất, người mua trước hết phải yêu cầu người bán cung cấp bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất (sổ đỏ/sổ hồng). Sau đó, hãy đem bản photo này đến văn phòng công chứng để họ tra cứu thông tin xem nhà, đất đó có đang thế chấp ngân hàng hay không. Tùy từng văn phòng công chứng, việc tra cứu này có thể miễn phí hoặc mất phí.
Bạn cũng có thể kiểm tra thông tin thế chấp qua Văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có nhà, đất đó.
Hỏi dò người dân xung quanh
Những cách tra cứu thông tin trên chỉ có hiệu quả khi bên bán thế chấp nhà đất cho ngân hàng. Tuy nhiên thực tế, hiện nay nhiều chủ sở hữu bất động sản có thể thế chấp nhà đất cho các cá nhân, thậm chí "tín dụng đen". Do vậy, để tránh những rắc rối, bạn cần tiến hành bước kiểm tra cuối cùng và cũng tốn nhiều thời gian nhất, đó chính là dò hỏi hàng xóm, người dân xung quanh nhà đất đó.
Hỏi dò hàng xóm, người dân địa phương sẽ giúp bạn có giao dịch an toàn |
Bạn có thể hỏi họ về thông tin người bán cũng như bất động sản định mua, ví dụ như người bán là người thế nào? Nhà đất đó có đúng là thuộc quyền sở hữu của họ hay không? Vấn đề an ninh ở địa chỉ đó ra sao, có thấy ai đến đòi tiền hay siết nợ gì không?
Việc dò hỏi sẽ hơi phiền phức và tốn công sức. Tuy nhiên, để tiến tới một giao dịch an toàn, tránh phát sinh việc vừa mua nhà đã có đội quân "tín dụng đen" đến đòi nợ hoặc gây rối, thì bước kiểm tra cuối cùng này thực ra rất quan trọng và cần thiết.
Đăng Duy (Tổng hợp)