Điểm chung của các app, sàn giao dịch lừa đảo ở Việt Nam là bao lỗ, bao cháy tài khoản, cam kết lợi nhuận - điều này phản kinh tế học khi lợi nhuận và rủi ro luôn song hành, tỷ lệ thuận với nhau.
Lừa đảo kiểu mô hình "Ponzi
Đối với giới đầu tư, "Ponzi" không phải hình thức đầu tư quá xa lạ. "Ponzi" là tên của Charles Ponzi, nhân vật tạo ra mô hình này vào năm 1919.
Hiểu một cách đơn giản về mô hình "Ponzi", đó là tổ chức, công ty, hoặc thậm chí một cá nhân sẽ gọi vốn, kêu gọi rót vốn vào một sản phẩm, hình thức đầu tư nào đó (như forex, vàng, bất động sản,...). Những người tham gia sẽ phải đóng góp một số tiền nhất định và được cam kết trả tiền trong một chu kỳ (theo tháng và/hoặc theo ngày) với lãi suất cao hơn lãi suất nhà băng rất nhiều lần.
Bản chất của mô hình này, thực tế là lấy tiền của những người tham gia sau trả cho người trước. Cứ xoay vòng vốn liên tục như vậy, thời gian đầu những kẻ lừa đảo sẽ chi trả đều đặn cho các nhà đầu tư. Dĩ nhiên, nhằm duy trì sự tin tưởng, thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia hơn, cũng như thuyết phục các nhà đầu tư ban đầu không rút vốn.
Đến khi hệ thống không đủ khả năng trả lãi, những người chủ của mô hình này sẽ âm thầm biến mất cùng với toàn bộ số tiền lừa đảo được.
Câu chuyện cách đây gần 1 thế kỷ đến giờ vẫn nguyên ý nghĩa. Thậm chí, có phần thủ đoạn, tinh vi hơn, núp dưới nhiều hình thức đầu tư "trá hình" nhằm thu hút những người dân nhẹ dạ bỏ tiền.
App Coolcat là một ví dụ điển hình. Theo giới thiệu, đây là app đầu tư tiền bảo đảm 100% vốn và có lãi. Cụ thể, sau khi bỏ vốn tham gia, nhà đầu tư mỗi ngày sẽ bấm dự đoán giá Bitcoin, giá vàng lên xuống sau vỏn vẹn... 30 giây. Nếu kết quả đúng, người chơi nhận tối thiểu 0,1 USD, nếu sai sẽ mất tiền.
Yếu tố "Ponzi" nằm ở việc Coolcat có bảo hiểm 100% vốn. Theo đó, người chơi phải nạp tiền trước vào tài khoản để mua gói bảo hiểm. Gói 1,26 triệu đồng, người chơi được cam kết sẽ thu về 20.000 - 60.000 đồng mỗi ngày. Gói 210 triệu đồng, người chơi được hứa hẹn thu nhập 3,3 đến 9,7 triệu đồng/ngày.
Nhiều người dùng tin tưởng và không ít người đã mua các gói bảo hiểm có tổng giá trị rất lớn. Hôm 23/4 vừa qua, hơn 30 người đứng trước cổng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, nộp 488 đơn tố cáo bị ứng dụng (app) Coolcat lừa đảo. Đã có hơn 2.000 người tại TP.HCM đã nạp tiền vào đây, nhưng hiện không thể truy cập vào hệ thống.
Hay, app PChome được quảng cáo là app đặt hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử lớn để nhận hoa hồng. Người dùng sẽ phải bỏ tiền để mua các gói từ 350.000 đồng đến 200 triệu đồng. Mỗi ngày sẽ được "giật đơn" 40 lần (nghĩa là quay số để mở đơn hàng) và lập tức tiền hoa hồng từ các đơn hàng sẽ chảy về tài khoản với tỷ lệ 3,5%. Sau một tháng, nhà đầu tư sẽ được nhân đôi tài khoản. Dù có đôi chút khác biệt với Coolcat, nhưng nhìn chung đây vẫn là mô hình đầu tư kiểu "Ponzi" như đã đề cập. Đến ngày 14/4 vừa qua, PCHome ngừng thanh toán tiền cho nhà đầu tư và đến 17/4 thì chính thức sập.
Tương tự, người dùng đăng ký tài khoản, nạp tiền vào app Shopping Mall để săn đơn hàng rồi nhận hoa hồng theo cấp bậc. Cụ thể, cấp 1 nhận 16%; cấp 2 nhận 8%; cấp 3 nhận 4% giá trị đơn hàng nhận được. Đến ngày 14/4, nhiều người dùng không thể truy cập được vào trang web app này.
Ngoài ra, còn nhiều app mô hình "Ponzi" khác như: Shopping Mall, MoXiaomi, Bounty, Auto Ads, Trang trại Tiết kiệm,....
Dễ thấy, thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều các chiêu thức lừa đảo đầu tư tài chính. Mục đích của các app này là nhắm đến những người chỉ quan tâm đến lợi nhuận được quảng cáo, những người không có kiến thức tài chính cơ bản,....
Điểm chung của các app, sàn giao dịch lừa đảo ở Việt Nam là bao lỗ, bao cháy tài khoản, cam kết lợi nhuận - điều này phản kinh tế học khi lợi nhuận và rủi ro luôn song hành, tỷ lệ thuận với nhau. Nhưng từ đó, những quảng cáo bao lỗ, bao cháy này đã đánh trúng tâm lý nhiều người muốn làm giàu bằng cách kiếm tiền đơn giản, thậm chí có người biết là app lừa đảo nhưng vẫn nạp tiền bất chấp rủi ro.
Các chuyên gia nói gì?
Trao đổi với Nhadautu.vn, TS Lê Đức Khánh – Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư VPS cho biết, có thể thấy, khi được bạn bè giới thiệu, được hướng dẫn, tư vấn, các nhà đầu tư sẽ có xu hướng tò mò và thường tìm tòi xem app (được giới thiệu) vận hành thế nào.
"Có thể thấy, các App giao dịch rất thuận tiện, bắt mắt, dễ sử dụng,... Và khi được nghe tư vấn về sự hấp dẫn của App này, cũng như mức lãi đầu tư hấp dẫn, nhiều người sẽ muốn cài đặt và giao dịch thử ngay lập tức. Thậm chí, sau khi nhận những khoản lỗ không như kỳ vọng, quảng cáo, không lại trừ khả năng sẽ có sự 'đâm lao'", ông Khánh nói.
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, các app đa cấp, ponzi có thể thu hút nhiều người dân tham gia do có các cam kết về lãi suất cao. "Mặt khác, những app này vẽ nên viễn cảnh tươi đẹp rằng nhà đầu tư không cần làm gì, chỉ cần nộp tiền vào app và thu lời hàng tháng, hàng năm", ông Minh nói.
Trong khi đó, với đầu tư chứng khoán, không một định chế tài chính, môi giới, tổ chức tự doanh, đơn vị ủy thác,... có quyền đưa ra cam kết lãi suất. "Việc này vi phạm Luật Chứng khoán", ông Minh diễn giải.
Chính vì thế, khi nhìn những viễn cảnh tươi đẹp, người dân càng tham và càng nộp tiền vào các app này bất chấp rủi ro mất sạch vốn và tiền lãi.
Ông Minh cũng cho rằng, nhìn chung kiến thức người dân Việt Nam về sản phẩm tài chính theo quy định pháp luật Việt Nam và kiến thức tài chính cơ bản khá kém. Trong khi, ở các thị trường phát triển, hoặc mới nổi, trình độ người dân tốt hơn rất nhiều so với Việt Nam. "Đơn cử, ở Đài Loan (Trung Quốc), hơn 50% tổng dân số đầu tư vào thị trường chứng khoán. Mặt khác, họ cũng được trang bị tốt các kiến thức tài chính", ông Minh nói.
(Theo Nhà Đầu Tư)