Với sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng, các đối tượng sử dụng nhiều sim số để nhắn tin, gọi điện giả mạo các đơn vị bảo hiểm xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Do tình hình dịch covid 19 kéo dài, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24-9-2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng, các đối tượng sử dụng nhiều sim số để nhắn tin, gọi điện giả mạo các đơn vị bảo hiểm xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Mặc dù, chiêu trò lừa đảo qua mạng internet không mới, song số lượng nạn nhân sập bẫy vẫn không ngừng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân.
Luật Sư Nguyễn Văn Hùng Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: "Hiện nay có rất nhiều hình thức lừa đảo, lừa đảo online hiện nay có rất nhiều chiêu thức mà nhiều người không ngờ tới, họ đánh vào tâm lý và đặc biệt các đối tượng được hưởng quỹ bảo hiểm. Với sự phát triển của không gian mạng hơn nữa là chúng ta hiện đăng nhập rất nhiều số điện tại tại nhiều nơi, chúng dựa vào đó để hack đánh cắp được thông tin cá nhân,."
Anh Tuấn ở Cầu Giấy, Hà Nội phải nghỉ việc ở công ty 6 tháng nay do dịch covid 19, công ty phải cắt giảm nhân sự. Mới đây, anh Tuấn nhận được tin nhắn có đầu số điện thoại 84563 với nội dung anh đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm, đồng thời kèm theo một đường link để thực hiện giao dịch
Qua quá trình thực hiện giao dịch, anh Tuấn phải điền tất cả các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và click vào đường link để lấy tiền hỗ trợ. Tuy nhiên sau cú click chuột tiền hỗ trợ thì chẳng thấy đâu mà số tiền hơn 2 triệu đồng trong tài khoản của Tuấn lại không cánh mà bay. Lúc đó Tuấn mới biết mình đang tiếp tay cho đối tượng giả ranh, hack tài khoản ngân hàng
Anh Nguyễn Văn Tuấn, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Trong thời gian mình nghỉ làm tại công ty. vừa qua thì mình biết nhà nước có một khoản hỗ trợ người thất nghiệp, như mình được hỗ trợ 2 triệu 1. Mới đây, mình nhận được tin nhắn mạo danh từ bảo hiểm xã hội , gửi cho mình 1 đường link để mình điền thông tin vào đó. Khi mình điền thông tin thấy các mục không rõ ràng, chỉ có mục tài khoản ngân hàng là rõ ràng nhất, nhưng vì lúc đó mình tin tưởng là bên bảo hiểm thật nên đã điền đầy đủ. Sau lúc đó mình tự nhiên thấy tiền trong tài khoản của mình bị trừ."
Cùng chung với cảnh thất nghiệp như anh Tuấn, chị Mụi cũng đang chật vật với cuộc sống không có công việc. Hơn nữa, chị Mụi vừa bị mất một khoản tiền khá lớn khi đăng nhập vào một tài đường link được giả danh là quỹ bảo hiểm.
Theo chị Mụi, khi đăng nhập các thông tin chị click đường link thì hệ thống báo lỗi, nhưng số tiền trong tài khoản bỗng dưng bị trừ hơn 5 triệu đồng. Nhận thấy nhiều bất thường trong giao dịch này, chị Mụi đã dừng lại và nhanh chóng khóa tài khoản.
Chị Giang Mụi, Quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội cho biết: "Tôi thất nghiệp gần một năm nay, khi tôi biết có tin nhắn nhận được tiền hỗ trợ, thì tôi cứ nghĩ do dịch nên làm bên bảo hiểm cho đăng nhập online và nhận tiền qua tài khoản. Tôi đăng nhập thông tin theo đường link điền các thông tin, gửi đi thì báo lỗi nhưng tài khoản của tôi vẫn bị trừ tiền lúc đó tôi biết mình bị lừa vội khóa luôn tài khoản."
Gần đây, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, một số đối tượng giả mạo thông tin của các tổ chức y tế, bảo hiểm xã hội trong và ngoài nước ngày càng tăng mạnh. Các đối tượng lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, lừa đảo trực tuyến, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng đang dần trở thành xu hướng phạm tội khá phổ biến
Trước những thông tin trên BHXH Việt Nam thông tin các tin nhắn, cuộc gọi trên là của đối tượng lừa đảo đồng thời cảnh báo, người lao động không nên tin bất kỳ tin nhắn nào nếu không có chữ "BHXHVN" hoặc “BHXH HA NOI” (các địa phương khác trên toàn quốc sẽ có tên tương tự như BHXH Hà Nội) hiển thị tại phần số điện thoại của người gửi tin nhắn.
Chỉ tính riêng trong năm 2020, cơ quan chức năng đã phát hiện khoảng trên 4.100 vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng; trong đó có gần 800 vụ việc lừa đảo qua mạng viễn thông bằng thủ đoạn giả danh cơ quan thực thi pháp luật …, đe dọa, yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin tài khoản hoặc chuyển tiền. Tội phạm tăng 600 % trong đại dịch covid 19.
Để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến, cá nhân sử dụng mạng xã hội cần luôn tỉnh táo, cảnh giác. Không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại. Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người quảng cáo bán hàng. Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc.
(Theo ANTV)