Tạo "sốt" đất ảo trục lợi
Thời gian qua, rất nhiều trường hợp một số đơn vị kinh doanh bất động sản hay các đối tượng là "cò" đất tự làm giá với nhau. Họ bơm thổi về chuyện làm đường, mở khu công nghiệp, chuyển đổi trung tâm hành chính từ huyện, thị lên thành phố… để trục lợi từ việc "lướt sóng" mua bán bất động sản.
Mới đây, tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, Công ty TNHH Địa ốc Nam Khương (có địa chỉ ở Bình Dương) đã tổ chức dựng rạp tại khu đất trống sau đó "dàn dựng" cảnh "sốt" đất, "nếu không mua nhanh sẽ không còn cơ hội".
Những người bán hàng, sale của công ty này cố tình tạo sự nhộn nhịp mua bán để "gài" khách ký cọc, chốt đất… Những hành vi trên đã bị cộng đồng bóc mẽ là "lùa gà" và đất không phải dự án mà chỉ là phân lô, xung quanh là rừng cao su và không hề có nhiều tiện ích.
UBND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước sau đó đã vào cuộc điều tra. Đơn vị đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Địa ốc Nam Khương.
Hành vi của công ty này là vi phạm về kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 59 Nghị định số 16 của Chính phủ. Do đó, UBND huyện Lộc Ninh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với công ty trên số tiền 100 triệu đồng.
Còn tại Bình Dương, trong hơn 1 tháng qua tại thị xã Tân Uyên, nhiều người cũng đang rao bán nhiều thửa đất nông nghiệp tại khu vực phường Khánh Bình, phường Tân Hiệp… khi nghe tin thị xã này sắp lên thành phố trực thuộc tỉnh.
Theo ghi nhận, trong năm 2021 một miếng đất nông nghiệp có diện tích 450m2 trên địa bàn phường Tân Hiệp có giá khoảng hơn 1 tỷ đồng… nhưng đầu năm 2022 khi nghe thị xã Tân Uyên đang quy hoạch lên thẳng thành phố thì nhiều người đã thổi miếng đất này lên hơn 2 tỷ đồng và còn hứa hẹn sẽ được lên thổ cư làm đất ở tại đô thị.
Chưa hết, mới đây, tại thôn Lộc Thọ, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, người dân địa phương rất bất ngờ khi thấy giới đầu cơ bất động sản và “cò” đất tụ tập về đây thổi giá, mua bán đất.
Một “cò” đất cho hay: "Cách đây ít tháng, những lô đất ở vị trí bám Quốc lộ 15B diện tích 180 m2 mới có giá là 1,2 tỷ đồng, cách một ngày đã lên 1,8 tỷ. Hôm kia có người đã cọc 2,5 tỷ rồi, sáng nay đã lên hơn 2,6 tỷ rồi. Nếu anh chị không mua nhanh thì thêm ngày nào, giá sẽ còn lên ngày đó".
Tuy nhiên, sau ít ngày vùng quê bỗng náo loạn vì “cò đất” thì nay không khí trở nên yên tĩnh khác hẳn với những ngày trước. Toàn bộ khu quy hoạch này không còn bóng dáng của các nhóm "cò" đất tụ tập để mua bán. Chỉ còn rải rác một số xe biển ngoại tỉnh, chủ yếu là tỉnh Nghệ An vòng qua vòng lại, nhưng khi không thấy người đến mua đất thì cũng bỏ đi.
Dù từng nhóm "cò" đất đã rời đi. Thế nhưng, "cơn sốt" đất mấy ngày qua khiến những người dân nơi đây vẫn không ngừng bàn tán, xôn xao.
Cẩn trọng ôm “trái đắng”
TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng thực tế có nhiều đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch đất đai rồi thổi giá, tạo cơn "sốt" đất để lướt sóng. Trong các cơn sốt đất ảo, người dân sẵn sàng bán đất nông nghiệp, vốn là tư liệu sản xuất hằng ngày. Khi cơn sốt đi qua, họ không biết làm gì để có thêm thu nhập, từ đó ảnh hưởng đến xã hội.
"Hiện các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam họ triển khai dự án đã có kế hoạch đền bù giải tỏa. Nhưng giá đất bị đẩy lên sẽ khiến cho mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không như định hướng ban đầu, không hiệu quả.
Vòng đời của một dự án khoảng 5 năm nhưng dự án công nghiệp, sản xuất cần tới 20 - 30 năm nên khi giá đất tăng lên sẽ ảnh hưởng rất lớn. Ở góc độ vĩ mô, địa phương bị mất lực hút, mất sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư", ông Khương cho hay.
Còn bà Nguyễn Hương - Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho biết, hiện nay tâm điểm được nhiều người quan tâm nhất chính là bất động sản.
Theo bà Hương, do nguồn cung hạn chế nên giá đất trong năm qua vẫn tăng. Nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội tăng giá cùng kỳ vọng của thị trường thì lại càng đẩy giá lên. Vì vậy, cần công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời, chính xác. Không để khoảng trống thông tin, tuyên truyền. Vận động để người dân nâng cao hiểu biết, tỉnh táo trước những "cơn sốt" đất ảo và xử lý nghiêm các đối tượng cố tình tung tin giả, thổi giá đất để lũng đoạn thị trường, trục lợi...
"Bên cạnh đó, người mua, người đầu tư cần thực sự tỉnh táo khi giao dịch bất động sản, khi mua chúng ta nên tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư, khu đất, quy hoạch… vì số tiền bỏ ra lớn nên cứ chậm rãi thực hiện. Cơ hội sinh lời chỉ thực sự đến khi chúng ta có tầm nhìn, đánh giá được những rủi ro và phòng tránh rủi ro", bà Hương chia sẻ.