Tờ CNBC đưa tin, lượng cổ phần từng trị giá tới 9,4 tỷ USD của Uber tại Didi Chuxing đã giảm tới hơn 1 nửa chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng khi chính phủ Trung Quốc đe doạ sẽ buộc Didi phải huỷ niêm yết tại Mỹ. Riêng trong tuần này, giá trị lượng cổ phiếu kể trên đã bốc hơi 1 tỷ USD.
Tính tới ngày thứ 6, giá cổ phiếu của Didi đã giảm 21% xuống còn 8,06 USD/1 cổ phiếu so với mức giá 14 USD/1 cổ phiếu trong ngày đầu giao dịch trên sàn New York. Cổ phiếu này từng đạt mức cao nhất tới 16,4 USD vào ngày 1/7, tức là ngày thứ 2 sau IPO.
Uber sở hữu 12% cổ phần Didi, biến đây trở thành nhà đầu tư lớn thứ 2 vào công ty này chỉ sau Softbank. Uber nhận về lượng cổ phần này vào năm 2016 sau khi bán lại hoạt động kinh doanh của họ tại Trung Quốc cho Didi theo phương thức trao đổi cổ phần.
Ngày IPO, Didi đã đóng cửa phiên giao dịch ở mức vốn hoá 70 tỷ USD. Tuy nhiên tuần trăng mật của họ nhanh chóng chấm dứt chỉ trong vài ngày sau khi các bài báo dồn dập đưa tin các quan chức Trung Quốc đang tiến hành một cuộc điều tra về bảo mật đối với Didi. Nhiều nguồn tin tiết lộ, Didi đã được khuyên nên hoãn IPO và xem lại mạng lưới bảo mật vài tuần trước khi IPO.
Tới tuần này, tình trạng càng trở nên tồi tệ hơn sau khi Bloomberg đưa tin chính quyền Trung Quốc đang lên kế hoạch về các lựa chọn trừng phạt Didi gồm cả phạt tiền hoặc yêu cầu huỷ niêm yết.
Didi hiện không trả lời về bình luận này.
Cổ phiếu Didi giảm mạnh những ngày gần đây.
Trong khi Uber cho tới thời điểm này vẫn có lợi nhuận từ khoản đầu tư ban đầu vào Didi, trị giá khoảng 2 tỷ USD từ 5 năm trước nhưng giá trị của khoản đầu tư đang giảm nhanh chóng.
Điều đáng nói, Uber không phải là công ty duy nhất chịu thiệt hại khi Didi gặp nạn. Cổ phần của Softbank tại Didi cũng đã giảm từ gần 14 tỷ USD sau IPO xuống chỉ còn 8 tỷ USD. Trong khi đó, lượng cổ phần từng trị giá 4,3 tỷ USD của Tencent tại Didi hiện giảm xuống chỉ còn 2 tỷ USD.
Didi hiện đang phải trải qua giai đoạn khủng hoảng chưa từng có.
Tuần trước, các quan chức từ 7 cơ quan chính phủ đã đến văn phòng Didi để kiểm tra vấn đề bảo mật.
Đầu tháng này, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cho các nhà điều hành kho ứng dụng trong cả nước phải loại bỏ ngay lập tức ứng dụng di động của Didi Chuxing.
Cụ thể, Cục Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã đề cập tới "những vấn đề nghiêm trọng" liên quan tới việc thu thập dữ liệu cá nhân trái phép của Didi Chuxing. Ngoài ra họ cũng chỉ đạo cho Didi Chuxing phải ngay lập tức giải quyết các vấn đề này để "đảm bảo an toàn thông tin cá nhân cho người dùng".
Lệnh kể trên của Bắc Kinh tới chỉ 2 ngày sau khi các nhà chức năng cấm Didi Chuxing bổ sung thêm người dùng mới khi các nhà chức trách đang xem xét hoạt động bảo mật của công ty.
Trước đó, một thông báo trên ứng dụng của Didi vào ngày 29/6 – 1 ngày sau khi IPO tại Mỹ nói về những thay đổi mới với thông tin người dùng và chính sách dữ liệu cá nhân sẽ có hiệu lực từ 7/7.
Didi gần như độc quyền tại thị trường gọi xe ở Trung Quốc và thu thập hàng loạt dữ liệu từ người dùng – nhằm phục vụ phân tích thói quen giao thông và phát triển các công nghệ gồm xe tự lái.
Nguồn: CNBC