Nhóm những người sinh sau năm 1996 đã trở thành lực lượng người tiêu dùng lớn nhất trên toàn cầu. Dù nhiều người thuộc thế hệ này có thể vẫn còn đang đi học, thế hệ Z được cho là có sức chi tiêu lên tới 143 tỷ USD chỉ riêng ở Mỹ. Do đó các nhà đầu tư đang háo hức tìm hiểu cách họ mua sắm, ăn uống cũng như giải trí để có thể tìm ra những công ty sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ những tác động mà thế hệ Z mang lại.
Lâu nay thị hiếu của những người tiêu dùng trẻ tuổi vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư bởi những cơ hội mới mà họ đem lại, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, những suy nghĩ cũ như hãy đầu tư vào các cổ phiếu ngành bia, truyền hình hay thực phẩm rác (junk food) không còn đúng nữa. Thế hệ Z – những người trong độ tuổi từ 7 đến 22 – được sinh ra sau khi mạng internet trở nên phổ biến và lớn lên ở thế giới mà cần sa được chấp nhận hợp pháp ở một số nước. Họ có thể mua mọi thứ ship đến tận cửa nhà chỉ sau 1 cái vuốt ngón tay trên thiết bị di động và ưa chuộng Snapchat cùng với Instagram – nơi ý kiến của các KOL có sức mạnh rất lớn.
Bloomberg chỉ ra một số đặc điểm của thế hệ Z mà các nhà đầu tư nên chú ý.
1. Họ dễ bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội
Trong khi thế hệ Y tốt nghiệp đại học trước thời điểm Facebook hoặc thậm chí là điện thoại di động trở nên phổ biến, thế hệ Z chìm đắm trong Instagram và các nền tảng khác. 52% cho biết trước tiên họ sẽ tìm hiểu về sản phẩm mới thông qua mạng xã hội, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ 10% ở thế hệ Y và cao gấp đôi so với tỷ lệ ở thế hệ X. Điều dó có nghĩa là những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ Z.
Kylie Jenner, 21 tuổi, là cái tên hot trên Instagram và hiện được coi là tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất thế giới. Những bài viết trên Instagram là đòn bẩy đằng sau thương hiệu mỹ phẩm Ulta Beauty trị giá cả trăm triệu USD mà Jenner cho ra mắt năm ngoái và cổ phiếu của công ty này đã tăng hơn 40% kể từ đầu năm đến nay. Chỉ 1 bài viết trên Twitter hồi tháng 2/2018 của cô đã thổi bay 1,3 tỷ USD giá trị vốn hóa của Snapchat.
Bloomberg đã xây dựng danh mục giả định gồm cổ phiếu của các công ty gần gũi nhất với thế hệ Z. Quý ETF này đã tăng trưởng 15% kể từ khi ra đời năm 2018, vượt trội so với diễn biến của chỉ số S&P 500 trong cùng kỳ. Các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất bao gồm Electronic Arts, Nike, Adidas, Coca-Cola, T-Mobile và Under Armour dựa trên các mối quan hệ hợp tác của những công ty này với các nhân vật có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội như Cristiano Ronaldo, Selena Gomez, Ariana Grande và "The Rock".
2. Thú tiêu khiển của thế hệ Z hoàn toàn khác biệt
Thế hệ Z sợ tình trạng vật vờ sau những trận say xỉn. Ngược lại, họ thích cảm giác sảng khoái khi thức dậy vào cuối tuần và ra ngoài chụp ảnh tự sướng. Ở Mỹ, doanh thu bán bia đã sụt giảm mạnh vì người dân cắt giảm đồ uống có cồn. Trong khi AB InBev và Molson Coors Brewing phải đón tin xấu, cổ phiếu cần sa lại lên ngôi khi một số bang của Mỹ và Canada hợp pháp hóa cần sa.
3. Họ không cần phải tới cửa hàng
Thế hệ Z có thể là thế hệ đầu tiên thật sự tin tưởng vào việc mua thực phẩm qua mạng. Chỉ 83% cho biết họ chuộng mua thực phẩm tại cửa hàng vật lý hơn là mua trực tuyến, so với tỷ lệ 95% ở thế hệ X và 87% ở thế hệ Y. Amazon là một trong những thương hiệu được thế hệ Z ưa thích.
Kể từ khi Amazon thông báo mua lại Whole Foods cách đây gần 2 năm, Kroger và Walmart đã chi hàng tỷ USD đầu tư vào công nghệ và giữ giá ở mức thấp để sẵn sàng "chiến đấu" với "cuộc xâm lăng" của ông lớn công nghệ này.
4. Họ lựa chọn thương hiệu một cách cẩn thận
Sự trỗi dậy của thế hệ Z có thể là tin xấu cho Gap và Macy’s - các thương hiệu bán lẻ thời trang truyền thống vốn đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi làn sóng chuyển sang mua sắm quần áo trực tuyến. Theo báo cáo Resale Report năm 2019 của Thredup, thế hệ Z cũng ưa chuộng đồ secondhand – dòng sản phẩm được dự báo sẽ lấn át thời trang nhanh trong tương lai gần. Xu hướng này xuất phát từ việc thế hệ Z đặc biệt quan tâm đến các vấn đề môi trường và đạo đức kinh doanh.
Thế hệ Z thực sự muốn các công ty lên tiếng về những vấn đề to tát, với 40% cho biết họ sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm nếu như công ty đó khuyến khích bình đẳng giới hay ủng hộ các sáng kiến chống phân biệt chủng tộc.
5. Thói quen ăn uống khác biệt của thế hệ Z
Thế hệ Z có xu hướng tránh ăn thịt nhiều hơn so với các thế hệ trước và điều này tác động mạnh đến các chuỗi đồ ăn nhanh và thực phẩm đóng gói. Ví dụ mới nhất là Burger King vừa thông báo thử nghiệm bánh burger dùng thịt làm từ thực vật giống như phiên bản chay của chiếc bánh kẹp Whooper nổi tiếng.
Vài năm trước, thế hệ Y được cho là đang "giết chết" các chuỗi fast-food truyền thống vì họ ưa thích những thương hiệu có mức độ tiện lợi tương đương nhưng cam kết sử dụng nguyên liệu sạch hơn và có chất lượng cao hơn như Chipotle Mexican Grill và Panera Bread. Đúng là sở thích ăn uống của giới trẻ đã thay đổi, nhưng những cái tên cũ như McDonald’s và Burger King vẫn thống trị thị trường. Doanh thu của McDonald’s mới đây đã phục hồi trở lại và vừa đầu tư 300 triệu USD vào 1 công ty công nghệ mà hãng cho là sẽ giúp tăng doanh thu từ các sản phẩm bán cho các khách hàng mua trực tiếp trên xe. Có vẻ như giới trẻ ngày nay vẫn ưa thích món gà rán.
Tuy nhiên các nhà sản xuất thực phẩm đóng gói mới là nhóm bị tác động nhiều hơn. Kraft Heinz và Campbell Soup – những cái tên từng thống trị các kệ hàng trong nhiều thập kỷ - đã gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây vì thị hiếu của giới trẻ thay đổi và họ không còn ưa chuộng đồ ăn liền như anh chị và cha mẹ của họ.