Ông Donald Trump, đương kim tổng thống Mỹ, được cho là người trực tiếp khởi động cuộc chiến tranh thương mại vào tháng 3/2018 với việc tuyên bố sẽ áp mức thuế suất 25% đối với hàng nhập khẩu thép và 10% đối với hàng nhập khẩu nhôm vào Mỹ. Khi làm việc này, động cơ chủ chốt của ông không phải là đối đầu với Trung Quốc hay cản trở thương mại thế giới. Như ông tuyên bố, Chính phủ Trump sẽ làm mọi thứ để mang công việc trở lại nước Mỹ, khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại.
Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ công bố GDP quý 2/2018 tăng cao nhất kể từ năm 2014. Ông Trump phấn khởi với kết quả này, cho rằng đây là thành tựu bước đầu của chính sách mới, đồng thời khẳng định đây cũng đồng thời là một bước ngoặt kinh tế mang tính lịch sử và sẽ được duy trì bền vững.
Tuy nhiên, các chuyên gia quan ngại mức tăng trưởng này sẽ không kéo dài lâu, bởi nguồn gốc tăng trưởng chủ yếu đến từ chi tiêu tăng mạnh do gói cắt giảm thuế trị giá 1.500 tỷ USD giúp kích thích tiêu dùng. Phần còn lại của tăng trưởng đến từ xuất khẩu, là do sản lượng đậu tương của Mỹ xuất sang Trung Quốc tăng mạnh nhằm tận dụng thời gian trước khi mặt hàng này bắt đầu bị Trung Quốc đánh thuế trả đũa.
Việc thành tích tăng trưởng GDP của Mỹ có tiếp diễn trong tương lai hay không chưa ai biết. Nhưng sau một thời gian phát động chiến tranh thương mại, giờ đây chính trong nước Mỹ đang xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Một bộ phận của nước Mỹ đang phải gánh chịu những hậu quả đầu tiên của cuộc chiến này, chứ không phải Trung Quốc.
Giá cả tăng cao
Mỹ là nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới. Trump tin rằng hàng rào thuế quan nên được áp dụng đối với mặt hàng này đầu tiên, và ông đã làm như vậy. Động thái này giúp bảo vệ 147.000 công nhân trong ngành công nghiệp thép và nhôm của Mỹ. Nhưng nó lại gây tổn thương đối với 6,5 triệu công nhân trong các ngành công nghiệp mà Mỹ phải nhập khẩu thép làm nguyên liệu sản xuất.
Kết quả là việc áp thuế với thép nhập khẩu làm tăng vọt chi phí sản xuất của các doanh nghiệp sử dụng thép làm nguyên liệu, như các nhà sản xuất ô tô chẳng hạn. Cả GM, Ford, và Fiat Chrysler đều báo cáo lợi nhuận quý 2/2018 sụt giảm mạnh. Bên cạnh các doanh nghiệp, thuế quan đương nhiên đã làm cho giá bán ô tô trong nước tăng lên đáng kể, khiến chính người dân Mỹ là những nạn nhân tiếp theo.
Trong khi đó, ba quốc gia bị đánh thuế bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Nga thì chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu bất ổn nào, ngoại trừ việc Trung Quốc vẫn kiên trì kêu gọi Mỹ bình tĩnh trở lại. Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản cho biết, Nhật Bản tự tin rằng các ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đến quốc gia này là hoàn toàn không đáng kể.
Ngoài lĩnh vực công nghiệp, ngành dược và năng lượng mặt trời cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí tăng cao. Các công ty Mỹ sản xuất thuốc từ công thức gốc với lợi thế độc quyền bảo hộ nhưng vẫn không thể mở rộng sản xuất vì không thể tìm nhà cung cấp thay thế Trung Quốc. Trong khi đó, các mô đun năng lượng mặt trời nhập khẩu vào Mỹ cũng bị đánh thuế, khiến các công ty lắp đặt pin mặt trời ở nước này gặp nhiều khó khăn.
Trung Quốc không trả đũa đối kháng
Đối thủ lớn nhất mà Mỹ nhắm tới để đạt được mục tiêu của mình là Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc gần như chưa có động thái trả đũa quyết liệt nào đáp trả hành động của Mỹ, ngoài một đợt áp thuế với một số mặt hàng nông sản và rượu nhập khẩu từ Mỹ.
Việc Trung Quốc chưa đẩy mạnh các giải pháp trả đũa hoàn toàn không đồng nghĩa rằng nước này không làm gì trước các động thái của Mỹ. Trên thực tế, nhiều năm nay Trung Quốc đã gia tăng ảnh hưởng của mình tới các nước dọc tuyến Một vành đai – Một con đường, đặc biệt là các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Khi Mỹ tuyên bố áp thuế với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp nước này đã nhanh chóng dịch chuyển hoạt động sản xuất ra các nước lân cận có lợi thế về chi phí.
Lĩnh vực có thể chuyển dịch nhanh chóng nhất là dệt may. Theo dự báo của một số công ty chứng khoán lớn tại Việt Nam, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam có thể tăng trưởng tới 20 – 30% trong các quý tới. Nhiều doanh nghiệp dệt may lớn tại Việt Nam có vốn đầu tư đến từ Trung Quốc và Đài Loan.
Xanh vỏ đỏ lòng
Mặc dù nhiều doanh nghiệp Mỹ ở một số lĩnh vực chịu thiệt hại sớm nhất từ chiến tranh thương mại do Donald Trump khởi xướng, nhưng số liệu GDP khả quan lại khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed tự tin trong việc tiếp tục tăng lãi suất USD. Trong kỳ họp lần gần nhất vào tháng 6 mới đây, lãi suất cơ bản ngắn hạn mà các ngân hàng thương mại vay tiền từ Fed được tăng thêm 0,25%. Như vậy, trong vòng hơn 2 năm, Fed đã tăng lãi suất từ mức gần 0% đến 1,75% - 2%. Dòng vốn thế giới có xu hướng đổ về Mỹ khiến cho tỷ giá USD so với CNY hay so với đồng tiền của các quốc gia mới nổi tăng vọt.
Bởi Trung Quốc cũng như nhiều trong số các quốc gia mới nổi này là nguồn cung cấp hàng hóa và nguyên liệu chủ yếu tới Mỹ, việc tỷ giá so với USD tăng càng giúp hỗ trợ năng lực xuất khẩu cho họ. Trong khi đó, các hàng rào thuế cứng nhắc của Mỹ không giúp giảm phần nào đối với giá cả tiêu thụ nội địa.
Ông Donald Trump vài ngày gần đây đã đe dọa sẽ tiếp tục đánh thuế lên lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ đáp trả động thái leo thang này. Trong khi đó, các chuyên gia vẫn cho rằng đây là hành động cố đấm ăn xôi của cả hai bên.
Về lâu dài, chiến tranh thương mại sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Sẽ có nhiều người bị mất việc trong khi giá cả hàng hóa tăng cao càng khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Chuyên gia tư vấn của Oxford Economics dự đoán, chiến tranh thương mại có thể làm cho nền kinh tế toàn cầu mất 800 tỷ USD từ sụt giảm thương mại, dẫn đến kéo chậm tăng trưởng tới 0,4%. Giá dầu và lãi suất có xu hướng tăng lên càng khiến vấn đề trở nên trầm trọng.