Chính phủ Anh đang gặp khá nhiều khó khăn trong việc khuyến khích người dân quay trở lại đường phố để chi tiêu kích thích kinh tế khi dịch Covid-19 vẫn còn khiến nhiều người sợ hãi. Mới đây, chính quyền London đã thực hiện chiến dịch "Eat out to help out" (EOHO) nhằm thanh toán 50% hóa đơn nhà hàng, quán cà phê hay quán rượu cho người dân trong tháng 8/2020 để kích cầu. Khoản thanh toán không được vượt quá 10 Bảng Anh, tương đương 13 USD/người và chỉ áp dụng trong các ngày thứ 2-3-4.
"Thứ 4 tuần trước thật kinh khủng. Số người xếp hàng còn đông hơn số thực khách đang dùng bữa nữa", Chủ sở hữu David Williams của chuỗi nhà hàng đường phố Baltic Market thốt lên.
Kích cầu
Khi Bộ trưởng tài chính Anh Rishi Runak công bố chương trình vào tháng 7/2020, ông cho rằng đây là lần đầu tiên chính phủ thực hiện một dự án như vậy nhằm hỗ trợ 1,8 triệu lao động trong ngành ăn uống du lịch. Trong khoảng tháng 4-8/2020, ngành dịch vụ ăn uống, du lịch của Anh đã suy giảm tới 87% do dịch Covid-19.
Số liệu của hãng tư vấn CGA cho thấy trong ngày đầu tiên thực hiện 3/8/2020, doanh số các nhà hàng tại Anh đã tăng 100% so với 1 tuần trước đó.
"Mọi người kể cả tôi cũng đã đánh giá thấp ảnh hưởng của EOHO. Hiện giờ phần lớn nhà hàng tại thành phố Liverpool đã hết bàn trong cả tháng 8 cho các ngày từ thứ 2 đến thứ 4", chủ nhà hàng Williams hồ hởi nói.
Trước chương trình EOHO, chuỗi nhà hàng Baltic Market của anh Williams chỉ mở cửa cầm chừng vào thứ 5 và Chủ Nhật. Khi EOHO bắt đầu vào tháng 8/2020, Baltic mở cửa thêm thứ 4 để tận dụng khoản hỗ trợ từ chính phủ và chỉ sau 2 tuần thử nghiệm, anh Williams đã quyết định hoạt động toàn bộ 7 ngày mỗi tuần cho đến hết tháng.
Mặc dù ngành dịch vụ ăn uống khá vui mừng vì khách hàng đã trở lại nhưng nhiều người lo lắng liệu chương trình kích cầu nhất thời có thúc đẩy được sự hồi phục hoàn toàn của nền kinh tế.
Hiện mùa đông sắp đến và khách hàng sẽ khó lòng ngồi ngoài sân ăn uống trong giá lạnh. Thêm vào đó, gói hỗ trợ mùa dịch Covid-19 của chính phủ Anh cho người thất nghiệp sắp chấm dứt vào tháng 10/2020 và hiện chưa có một chương trình cứu trợ nào khác đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Vào mỗi buổi sáng thứ 3 gần đây, khu Soho tại trung tâm thủ đô London có không khí như mùa lễ hội. Thời tiết khô ráo còn đường phố thì cấm xe cộ để các nhà hàng bày bàn ra vỉa hè. Khắp mọi nơi trang trí và dường như chẳng có dấu hiệu nào cho thấy Anh vẫn chưa chấm dứt được đại dịch Covid-19. Thậm chí nhiều con phố còn chẳng có bàn trống.
Thế nhưng không có ai nhận ra sự thật rằng London giờ đây đã vắng bóng các nhân viên văn phòng lẫn khách du lịch, trong khi rạp hát cũng các tụ điểm vui chơi khác vẫn đang đóng cửa.
Số liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Anh chịu thiệt hại nặng nhất Châu Âu trong quý II/2020. Nguyên nhân chính là do sự lơ là của chính phủ khiến dịch diễn biến phức tạp, buộc thời gian cách ly bị kéo dài trong khi nền kinh tế này lại phụ thuộc nhiều vào mảng chi tiêu, tiêu dùng.
Để có thể hồi phục nhanh chóng, chính quyền London buộc phải thuyết phục người dân quay lại quán bar, nhà hàng hay quán cà phê để chi tiêu. Chính phủ Anh thậm chí đã dành hẳn 500 triệu Bảng cho chương trình EOHO. Trước đó, Anh đã quyết định chi tới 190 tỷ Bảng nhằm chi tiêu kích thích lại nền kinh tế sau dịch Covid-19.
Hồi phục kinh tế
Sau nhiều tháng cảnh báo người dân không ra đường tránh lây nhiễm, giờ đây chính phủ Anh đang phải cố thuyết phục mọi người rằng đã an toàn để ra ngoài chi tiêu. Chính phủ thậm chí đã nhờ các chuyên gia tâm lý kinh tế tư vấn chiến lược cho chương trình EOHO.
Giáo sư Ivo Vlaev của trường Warwick Business School nhấn mạnh có 2 yếu tố tâm lý tác động trong EOHO. Đầu tiên, khi một hành động được tưởng thưởng mà ở đây là giảm giá hóa đơn, con người sẽ bị kích thích thực hiện tiếp các hành động tương tự mà ở đây là đi ăn nhà hàng. Sau nhiều lần lặp lại, thậm chí hành động này sẽ trở thành thói quen ngay cả khi phần thưởng 50% giảm giá không còn.
Tiếp đó, trước khi đưa ra những yêu cầu lớn thì nên chấp nhận thực hiện những ưu đãi nhỏ trước. Bởi vậy chính phủ đồng ý giảm giá nhà hàng để mọi người có thói quen ra ngoài ăn uống. Sau đó những đề nghị như quay trở lại văn phòng, rạp hát, phòng gym… sẽ dễ được tiếp nhận hơn.
Đến thời điểm hiện tại, có vẻ kế hoạch của chính phủ đang khá thành công. Khảo sát của CGA cho thấy gần 40% số người tham gia EOHO là những thực khách lần đầu tiên ăn ngoài kể từ đợt cách ly toàn quốc vào tháng 3/2020.
Dẫu vậy, Giám đốc Kate Nicholls của tổ chức UKHospitality cho biết vẫn có đến 50% số nhà hàng tại Anh vẫn đóng cửa và ngành kinh doanh này còn phải đối mặt với nhiều sự bấp bênh. Thậm chí với những nhà hàng mở cửa, doanh thu của họ cũng chỉ đạt 70% so với thời kỳ trước dịch Covid-19. Mặc dù chính phủ đã giảm thuế VAT nhưng chúng sẽ hết hạn vào tháng 1/2021 mà đại dịch thì chưa có dấu hiệu được kiểm soát tốt.
Chương trình EOHO của chính phủ dù kích cầu ngắn hạn nhưng hiện vẫn chưa rõ chính phủ sẽ xử lý việc có quá đông thực khách vi phạm lệnh giãn cách như thế nào, cũng như họ sẽ kích cầu ra sao khi mùa đông tới và mọi người sẽ hạn chế ra đường.
Một khảo sát mới đây của Tổng cục thống kê Anh (ONS) cho thấy chỉ 43% số công dân nước này cảm thấy thoải mái khi đi ăn ngoài tại thời điểm hiện nay.
Quay trở lại với câu chuyện của Baltic Market, hiện nhà hàng chỉ có thể chứa 150-200 thực khách do lệnh giãn cách, chỉ bằng 1/3 so với thời kỳ trước dịch. Nhằm thu hút thêm khách hàng trong mùa thu và đông tới, Baltic đang lắp đặt thêm máy sưởi để thực khách có thể thoải mái ăn uống ngoài trời.