Google bị hàng loạt chính phủ “răn đe”
Tại châu Âu, Google bị Liên minh châu Âu (EU) phạt 1,7 tỷ USD do vi phạm quy định chống độc quyền trong ngành kinh doanh quảng cáo trực tuyến. Vào năm 2018, EU cũng mạnh tay xử phạt Google 5,1 tỷ USD do cạnh tranh không lành mạnh với các đối thủ trên nền tảng Google.
Vào tháng 6, Cục Quản lý cạnh tranh của Pháp (FCA) cũng phạt Google 268 triệu USD vì lạm dụng vị thế độc quyền trong quảng cáo online. FCA cho biết: “Các phương thức quảng cáo của Google đã gây hại cho các đối thủ cạnh tranh cùng với các nhà xuất bản của trang web và ứng dụng dành cho thiết bị di động”.
Theo tờ Bloomberg, Tòa án Khiếu nại Cạnh tranh London (Anh) đã nhận được đơn cáo buộc Google vi phạm luật cạnh tranh của châu Âu và Anh cho các giao dịch mua kỹ thuật số. Theo đó, người dùng bị buộc phải trả phụ phí 30% của các cửa hàng ứng dụng Google Play bất cứ khi nào họ mua ứng dụng hoặc mua dịch vụ trong ứng dụng.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Cục Quản lý cạnh tranh của nước này cũng phạt Google 36,65 triệu USD vì lạm dụng vị thế cho các công cụ tìm kiếm. Cơ quan này cáo buộc Google đã ưu tiên so sánh giá cho các phòng nghỉ và dịch vụ tìm kiếm địa phương của riêng mình hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Alibaba bị Trung Quốc phạt nặng
Vào tháng 4 năm nay, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đã bị Cơ quan quản lý thị trường quốc gia Trung Quốc (SAMR) “tuýt còi” vì có hành vi lạm dụng vị thế thống trị thị trường để thực hiện các hành vi độc quyền. Theo đó, mức phạt dành cho Alibaba là 2,8 tỷ USD, khoảng 4% doanh thu nội địa của tập đoàn này.
Nguyên nhân của án phạt này là bởi Alibaba đã có những chính sách mà SAMR đặt tên là “chọn một từ hai”. Tức là, Alibaba đã có những hành vi hạn chế các doanh nghiệp bán hàng online mà có tài khoản trên Alibaba và cả những trang thương mại điện tử khác. Ngoài ra, những cửa hàng, doanh nghiệp online nào mà quảng bá ở cả Alibaba và các đối thủ của hãng cũng bị hạn chế khi kinh doanh trên sàn thương mại của Alibaba.
Tập đoàn Alibaba đã bị Chính phủ Trung Quốc phạt 2,8 tỷ USD. Nguồn ảnh: Fortune
Kể từ năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã có những động thái mới về chính sách nhằm bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trước sự chèn ép từ các “đế chế” khổng lồ như Alibaba. Từ cuối năm 2020, SAMR đã bắt đầu mạnh tay làm chặt các quy định trong Luật Chống độc quyền của Trung Quốc đối với các tập đoàn công nghệ lớn. Điều này đã giúp các đối thủ của Alibaba là JD.com và Pinduoduo phát triển mạnh trong năm nay.
Nga và EU liên tục “sờ gáy” Apple
Trong tháng 4, EU đã cáo buộc Apple vì hãng đã vi phạm luật cạnh tranh. Theo đó, EU đã chỉ ra việc Apple có những quy định không công bằng cho các ứng dụng cạnh tranh trong mảng streaming nhạc trên App Store.
Việc này đã được Spotify nhiều lần “phàn nàn” với chính quyền vì hành vi sử dụng vị thế thống lĩnh thị trường mà chèn ép các app nghe nhạc trên App Store. Theo tờ The Verge, Apple đã có những hành vi bóp méo cạnh tranh bằng cách thu phí thêm 30% với các thanh toán mua sắm trong các ứng dụng trên App Store. Chính điều này đã đẩy giá lên cao cho người tiêu dùng và khiến nhiều hãng gặp khó khăn.
Nga và EU đã phạt Apple cho những hành vi cạnh tranh không công bằng. Nguồn ảnh: ABC News
Epic Games, công ty sản xuất trò chơi điện tử nổi tiếng Fortnite, cũng đã đệ đơn khiếu nại chống độc quyền của Liên minh châu Âu chống lại Apple. Theo đó, khi Epic Games chuyển qua sử dụng hệ thống thanh toán riêng thay vì của App Store, Apple đã loại bỏ ứng dụng Fortnite.
Mới đây, Nga cũng phạt Apple 10 triệu euro khi hãng này đã có những hành vi sử dụng thế độc quyền để tăng sức cạnh tranh cho các app phát triển bởi hãng. Vụ việc này được Nga vào cuộc sau khi Kaspersky, công ty về an ninh mạng của Nga, cáo buộc Apple đã chặn quyền truy cập vào app Safe Kids của hãng trong khi phát triển một phần mềm tương tự với họ.
Qualcomm bị EU phạt gần 1 tỷ euro
Ủy ban châu Âu đã phạt Qualcomm 997 triệu euro vì lạm dụng vị trí thống trị thị trường trong chipset băng tần cơ sở LTE. Theo đó, hãng này đã chặn đường làm ăn của đối thủ bằng cách đưa ra các điều kiện thanh toán có lợi cho khách hàng với điều kiện là không được mua hàng của các hãng cạnh tranh. Điều này là bất hợp pháp theo các quy tắc chống độc quyền của EU.
Theo Uỷ ban châu Âu, việc thống trị thị trường không phải là bất hợp pháp theo các quy tắc chống độc quyền của EU. Tuy nhiên, các công ty thống lĩnh có trách nhiệm không lạm dụng vị trí mạnh mẽ trên thị trường của mình bằng cách hạn chế cạnh tranh, ở thị trường mà họ thống lĩnh hoặc ở các thị trường riêng biệt.
Ủy viên Margrethe Vestager, phụ trách chính sách cạnh tranh của EU, phát biểu: “Những hành vi của Qualcomm đã khiến các đối thủ không thể kinh doanh hiệu quả trên thị trường dù sản phẩm của họ có tốt đến đâu. Hành vi của Qualcomm đã ngăn cản người tiêu dùng và các công ty khác có nhiều lựa chọn và sự sáng tạo, và nó nằm trong một lĩnh vực có nhu cầu lớn và tiềm năng cho công nghệ sáng tạo. Điều này là bất hợp pháp theo các quy tắc chống độc quyền của EU và là lý do tại sao chúng tôi lại đưa ra quyết định phạt công ty này”.