Chính phủ chọn lộ trình 15 năm
Ngày 19.5, Ủy ban về các vấn đề xã hội tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nói đây là phiên họp đặc biệt vì ngay sát ngày khai mạc Kỳ họp thứ 7 (Quốc hội khóa XIV) để thẩm tra một bộ luật quan trọng, liên quan đến nhiều quyền của người lao động.
"Dự án Bộ luật Lao động là một bộ luật lớn, được sửa đổi toàn diện, với nhiều vấn đề mới, phức tạp, có những vấn đề chưa có tiền lệ ở Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy việc tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và tiếp tục thể chế hoá đường lối lãnh đạo của Đảng và tinh thần Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân về lao động, việc làm, vì vậy đòi hỏi cần xem xét thấu đáo, thận trọng, đa chiều", bà Nguyễn Thuý Anh nói.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp (cơ quan soạn thảo Bộ luật Lao động sửa đổi) cho biết từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi hưu.
Trên cơ sở 2 phương án đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của cơ quan soạn thảo, Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1: Từ 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ.
Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Như vậy, đến năm 2028 thì nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 thì nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 8 năm với nam và sau 10 năm với nữ). Như vậy, so với phương án 2 lộ trình 10 năm, phương án 1 sẽ chậm hơn khi lộ trình kéo dài 15 năm.
Phương án tăng tuổi nghỉ hưu được Chính phủ lựa chọn. Ảnh: Theo VNE
Theo ông Diệp, Chính phủ lựa chọn phương án này vì có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đề xuất “quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn”
Tại lần sửa đổi này, dự thảo Bộ luật Lao động quy định “quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn”. Theo đó, dự thảo nêu rõ quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.
Bên cạnh đó là quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.
Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, đây là chế định quan trọng liên quan đến lợi ích của NLĐ .
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - thể hiện sự đồng tình với ban soạn thảo liên quan đến đề ra lộ trình tuổi hưu, cũng như có những quy định đặc biệt với các nhóm trình độ cao và thấp hơn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Dương Hà
Tuy nhiên, bà Hà cũng băn khoăn là NLĐ có khả năng, cơ hội đóng góp ở độ tuổi cao, trong thực tế chỉ là một nhóm lao động thuộc số ít. Nhóm thuộc số nhiều hơn, theo bà Hà chính là nhóm lao động thấp hơn.
“Chúng tôi đi thực tế ở 5 tỉnh Tây Nguyên, khu vực đồng bằng thì thấy NLĐ ở khu vực hầm lò độc hại, lao động một số ngành nghệ thuật, cô giáo mầm non,… hầu hết muốn được nghỉ hưu sớm. Chính sách cần phải tạo cơ hội cho nhóm cao tiếp tục làm việc, còn nhóm thấp hơn nên cho họ quyền ưu tiên là được phép nghỉ hưu sớm hơn” – bà Nguyễn Thị Thu Hà nói.
Các đại biểu dự phiên họp cũng nhấn mạnh việc tính toán cho người lao động được quyền nghỉ hưu sớm cũng cần phải đảm bảo chế độ BHXH được hưởng ở mức cao nhất, tương xứng với công sức.