Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến kế hoạch 5 năm 2021-2025 của Chính phủ vừa được trình Quốc hội cho biết trong tổng số 21 chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội giao có 16 chỉ tiêu đạt và vượt, 5 chỉ tiêu không đạt.
. Ảnh: Tạp chí Công Thương.
Sự xuất hiện của dịch Covid-19
Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, những cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch; bội chi, nợ công giảm mạnh. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục. Việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực, đúng hướng, thực chất. Hệ thống pháp luật cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm. Hoạt động văn hóa phát triển, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm mạnh; hoạt động xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, vượt trước thời hạn hơn 2 năm.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 thấp hơn 0,8 điểm phần trăm so với mục tiêu 6,8% của kế hoạch, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức chống chịu và cạnh tranh, tính độc lập tự chủ của nền kinh tế chưa cao. Kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược chưa đạt được mục tiêu đề ra. Hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu. Mối liên kết vùng còn lỏng lẻo. Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững. Việc phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam chưa tương xứng với phát triển kinh tế. Chất lượng môi trường một số nơi suy giảm. Bộ máy nhà nước ở một số nơi còn cồng kềnh, chồng chéo; phân công, phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát chưa thực sự hiệu quả. Bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều thách thức và chưa tận dụng, khai thác tối đa, hiệu quả những cơ hội trong hội nhập quốc tế.
Những hạn chế, tồn tại vừa nêu do nhiều nguyên nhân nhưng báo cáo Chính phủ chỉ ra rằng chủ yếu do tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; năng lực nội tại của nền kinh tế còn thấp; thiên tai, dịch bệnh... tác động mạnh và thường xuyên hơn, đặc biệt, sự xuất hiện của dịch Covid-19 đầu năm 2020. Đồng thời, một số cơ chế, chính sách còn bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc, có nơi còn yếu kém, chưa chặt chẽ, hiệu quả. Phẩm chất, năng lực, uy tín của một bộ phận cán bộ, nhất là người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự ngang tầm nhiệm vụ. Việc tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục. Việc phân tích, dự báo cũng còn nhiều hạn chế.
Trong bối cảnh và những thách thức vừa nêu, Chính phủ dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với mục tiêu tổng quá là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính phủ phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới cao hơn mức bình quân của 5 năm giai đoạn vừa qua (2016-2020). Cụ thể, đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Trong đó, nền kinh tế được nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả, chất lượng và nâng co năng suất lao động. Đồng thời, Chính phủ cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế. bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của người dân với tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực
Để thực hiện được mục tiêu tổng quát vừa nêu, Chính phủ đã đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 2 chỉ tiêu so giai đoạn 2016-2020, với 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường. Một số chỉ tiêu quan trọng gồm tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi NSNN bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.
Bên cạnh đó, Chính phủ còn đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm bám sát và cụ thể hóa Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh yế xã hội 5 năm 2021-2025 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua.
Trong đó, Chính phủ tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, linh hoạt theo tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên và quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch. Chiến lược vaccine cũng được đề cập khẩn trương thực hiện một cách toàn diện, hiệu quả, tổ chức chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân và phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả cũng được nhắc đến trong báo cáo lần này.
Bên cạnh nhiệm vừa nêu, Chính phủ còn đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số. Nền kinh tế trong giai đoạn tới được định hướng phát triển theo hướng độc lập, tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu. Việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước và hoạt động đầu tư công sẽ được thực hiện quyết liệu và hiệu quả hơn trong giai đoạn này. Hoạt động sắp xết lại khối doanh nghiệp nhà nước sẽ phải hoàn thành vào 2025, xử lý cơ bản những yếu kém, thất thoát của tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Chính phủ cũng tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Theo đó, các dự án đầu tư của mọi thành phần kinh tế mà còn tồn đọng, kéo dài sẽ được tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo nguồn lực phát triển. Hoạt động đầu tư công được định hướng tập trung vào 3 đột phát chiến lược, lĩnh vực ưu tiên, vùng động lực, vùng khó khăn và khu vực ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, các công trình, dự án trọng điểm có sức lan tỏa cao. Những dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), trước hết là BOT được đẩy mạnh triển khai theo nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Hoạt động thu hút FDI sẽ ưu tiên dự án có công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường, quản trị hiện đại, có khả năng lan tỏa phát triển; tăng cường liên kết giữa các vùng kinh tế, giữa khu vực kinh tế trong nước và nước ngoài.
Gia đoạn tới, Chính phủ cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông (đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường sắt, đường thủy) ở các vùng kinh tế trọng điểm và vùng còn khó khăn. Theo đó, hạ tầng năng lượng; hạ tầng đô thị cũng được phát triển theo hướng tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Theo đó hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội được phát triển hài hòa và thúc đẩy phát triển hạ tầng số, hạ tầng kết nối các phương thức vận tải, logistics, phát triển đô thị và kinh tế đô thị.