Sáng 15.11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Một trong những nội dung nhận được quan tâm là việc có cấm ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” trong danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hay không.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư sửa đổi tại Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đề nghị đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; đồng thời đề nghị có quy định xử lý chuyển tiếp đối với các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay.
Theo quy định của Luật Đầu tư 2014, ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, làm rõ tác động và phương án xử lý đối với các doanh nghiệp này trong dự thảo Luật.
Khác với quan điểm của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lại cho rằng không nên đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh.
Theo báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư sửa đổi do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày trước Quốc hội, việc đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, có 2 loại ý kiến:
Thứ nhất là tán thành tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Thứ hai không nên đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Ủy ban Kinh tế nghiêng về ý kiến thứ hai.
“Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thời gian qua, do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân.
Vì vậy, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.