Đến nay, sau gần 8 năm đưa vào vận hành khai thác an toàn và phát huy hiệu quả, dự án thuỷ điện Sơn La đảm bảo các nhiệm vụ, mục tiêu do Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Dự án xây dựng công trình thủy điện Lai Châu cũng đã hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào vận hành khai thác an toàn và phát huy hiệu quả. Người dân tại các khu, điểm tái định cư đã ổn định đời sống, sản xuất tại nơi ở mới.
Với hai lý do trên, trong báo cáo gửi đến Quốc hội tại kỳ họp này, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho phép kết thúc việc báo cáo về dự án, công trình quan trọng quốc gia đối với hai dự án nói trên.
Thuỷ điện Sơn La đã nộp ngân sách 10,6 ngàn tỷ
Đánh gía chung về dự án Thuỷ điện Sơn La, Chính phủ cho rằng các bộ, ngành Trung ương, địa phương và các đơn vị tham gia xây dựng dự án đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả. Đã nghiệm thu hoàn thành dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La và đưa vào sử dụng vượt 3 năm so với tiến độ được duyệt, vận hành an toàn nhà máy, công trình.
Tính đến hết tháng 9 /2018, thủy điện Sơn La đã cung cấp 64,12 tỷ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần quan trọng đáp ứng cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước cho cả 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu là 10,6 nghìn tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành công tác chuyển toàn bộ số tiền tương ứng với diện tích cần trồng theo quyết định phê duyệt; trên địa bàn hai tỉnh Sơn La và Điện Biên đang tiếp tục thực hiện phần diện tích còn lại theo các quyết định phê duyệt.
Sau 15 năm thực hiện, đến nay dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La đã cơ bản hoàn thành. Đời sống sinh hoạt và sản suất của nhân dân tại các khu, điểm tái định cư trên địa bàn 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu từng bước được ổn định; thu nhập bình quân đạt hơn 1,2 triệu đồng/người/tháng (hơn 14 triệu đồng/người/năm), tăng gấp 3,92 lần so với thời điểm trước khi di chuyển. Tỷ lệ hộ nghèo tại các khu, điểm tái định cư giảm 2,56 lần.
Việc hoàn thành công trình thủy điện Sơn La vượt trước tiến độ theo nghị quyết của Quốc hội và quyết định đầu tư của Chính phủ hơn 3 năm được Chính phủ nhấn mạnh là có ý nghĩa rất to lớn, đã góp phần đảm bảo công suất hệ thống điện. Trong đó có việc góp phần: điều tần, chạy bù đồng bộ, nâng cao hiệu suất của hệ thống điện Quốc gia, tăng sản lượng điện hằng năm khoảng 1 tỷ kWh điện cho nhà máy thủy điện Hòa Bình. Đồng thời thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các nhà máy trên hệ thống sông Đà tham gia điều tiết để giảm lũ cho hạ du ngay từ năm 2011, giảm tải việc xả lũ của hồ thủy điện Hòa Bình, phối hợp với thủy điện Hòa Bình đáp ứng yêu cầu sử dụng nước cho đồng bằng Bắc Bộ.
Thuỷ điện Lai Châu vượt tiến độ 1 năm
Công trình thuỷ điện Lai Châu, theo báo cáo cũng đã hoàn thành toàn bộ việc thi công các hạng mục công trình. Tổ máy số 1 đã được hoàn thành và đưa vào vận hành phát điện từ ngày 14 /3 /2016, Tổ máy số 2 đưa vào vận hành phát điện từ ngày 20/6/2016 và tổ máy số 3 đưa vào vận hành từ ngày 10/11/2016.
Dự án này vượt tiến độ 1 năm so với tiến độ đã được phê duyệt tại nghị quyết số 40/2009/QH12 của Quốc hội.
Tính đến hết tháng 9/2018, tổng sản lượng điện sản xuất của nhà máy cung cấp cho hệ thống điện quốc gia đạt 11,74 tỷ kWh điện tương đương khoảng 11,74 nghìn tỷ đồng (tính với giá điện khoảng 1.000 đồng/kWh), góp phần quan trọng đáp ứng cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đến nay, tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước trên 2,36 ngàn tỷ đồng (gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên, phí môi trường rừng, phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước… bình quân hàng năm khoảng 0,85 ngàn tỷ đồng).
Dự án đường giao thông tránh ngập tỉnh lộ 127 đoạn Nậm Nhùn - Mường Tè - Pắc Ma đã hoàn thành đảm bảo tiến độ chung, đã bàn giao cho địa phương quản lý vận hành. Tuyến đường giao thông nối Khu tái định cư thị trấn với thị trấn Mường Tè đang tích cực triển khai và bám sát tiến độ theo hợp đồng.
Theo báo cáo, công tác di chuyển toàn bộ số hộ dân phải di chuyển ra khỏi lòng hồ và khu vực mặt bằng xây dựng đã đáp ứng kế hoạch tiến độ chung. Hiện tại người dân các khu, điểm tái định cư đã ổn định đời sống sinh hoạt, sản xuất tại nơi ở mới. Công tác ổn định nơi ở, phát triển sản xuất của nhân dân vùng tái định cư luôn được chính quyền các cấp quan tâm.
Các khu, điểm tái định cư trên địa bàn được đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường trạm, nước sinh hoạt, đáp ứng kịp thời về nhu cầu đi lại sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng tái định; trường lớp học các cấp được đầu tư đảm bảo về nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh tại nơi ở mới theo quy hoạch chi tiết được duyệt.