Theo quy hoạch, đến năm 2020, TP.HCM có 88.005 ha đất nông nghiệp, chiếm 42,1% diện tích đất toàn tỉnh; đất phi nông nghiệp 118.890ha, chiếm 56,9%; đất chưa sử dụng 309 ha, chiếm 0,1%; đất khu công nghệ cao 913 ha; đất đô thị 62.704 ha.
Từ 2016-2020, có 26.246 ha đất nông nghiệp của thành phố được chuyển sang đất phi nông nghiệp; 5.760 ha chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp; 1.363ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở.
Với tỉnh Kiên Giang, đến năm 2020, tỉnh có 559.278 ha đất nông nghiệp, chiếm 88,04% diện tích đất toàn tỉnh; đất phi nông nghiệp là 75.808ha, chiếm 11,93%; đất chưa sử dụng 164 ha, chiếm 0,03%; khu kinh tế 65.581ha; đất đô thị 47.232 ha.
Từ 2016-2020, 12.687 ha đất nông nghiệp được chuyển sang phi nông nghiệp; 12.397 ha chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp.
Theo quy hoạch, đến năm 2020 tỉnh Tiền Giang có 182.570 ha đất nông nghiệp, chiếm 72,72% diện tích đất toàn tỉnh; đất phi nông nghiệp là 62.707 ha, chiếm 24,98%; đất chưa sử dụng 5.784 ha, chiếm 2,3%; đất đô thị 18.940 ha. Từ 2016-2020, tỉnh có 11.160 ha đất nông nghiệp được chuyển sang phi nông nghiệp; 2.853 ha chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp.
Chính phủ yêu cầu UBND TP.HCM, tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt; điều tiết phân bổ nguồn lực, trước hết là nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất.
Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các khu vực.
Bên cạnh đó, quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu cho ngân sách; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và đã cho thuê; tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất giữa đất ở với đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các yêu cầu về bảo vệ môi trường...
Các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai theo quy hoạch nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết không giải quyết giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích.