Sáng 8/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 34, cho ý kiến đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, kết quả thực hiện 4 tháng đầu năm, nhìn chung vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018.
Kinh tế có dấu hiệu tăng chậm lại
Chính phủ nhận định, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại, cả ba khu vực kinh tế đều phát triển theo xu hướng chậm hơn cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng GDP quý 1/2019 là 6,79%, là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm 2016 (5,48%), năm 2017 (5,15%), chỉ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (7,45%). So với mục tiêu tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2019 của Chính phủ đã đề ra thì còn tương đối khiêm tốn, thấp hơn mục tiêu là 0,14 điểm phần trăm.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (-1,31%), năm 2017 (2,08%), nhưng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 (4,24%) và thấp hơn mục tiêu là 0,29 điểm phần trăm.
Với mức tăng trưởng quý 1 nêu trên, Chính phủ nhận định nếu các quý còn lại của năm nay đều đạt mục tiêu kịch bản đề ra, dự kiến tăng trưởng GDP cả năm 2019 ở mức 6,78%.
Chính phủ cũng nhấn mạnh để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 ở mức 6,8%, trong những tháng tới các bộ, ngành và địa phương phải hết sức nỗ lực, cố gắng, tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phấn đấu thực hiện không thấp hơn mục tiêu đề ra, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng phải đạt cao hơn.
Bên cạnh đó, trong khu vực dịch vụ, nếu bối cảnh thuận lợi, nhất là việc đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ đạt nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng khu vực dịch vụ cả năm đạt mức cao (trên 7,2%) thì tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế cả năm có khả năng vượt mục tiêu đề ra, đạt mức tăng trưởng bằng hoặc cao hơn so với năm 2018 (7,08%).
Dư địa chính sách tiền tệ và tài khoá hạn chế
Những tháng đầu năm 2019, theo Chính phủ thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định. Tính đến ngày 17/4/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,29% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ tăng 4,73%), huy động vốn tăng 2,69% (cùng kỳ tăng 3,69%); tín dụng đối với nền kinh tế tăng 3,23% (cùng kỳ tăng 3,74%); mặt bằng lãi suất duy trì ổn định.
Tỷ giá và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định. Thanh khoản thị trường diễn ra bình thường, hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng.
Thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt trong 4 tháng đầu năm 2018, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cổ phiếu, huy động vốn cho ngân sách và cho đầu tư phát triển. Tính đến ngày 25/4/2019, chỉ số VN-Index đạt 974,13 điểm, tăng 9,1% so cuối năm 2018; quy mô vốn hóa đạt khoảng 77,6% GDP, tăng 8,4% so cuối năm 2018.
Nhìn nhận nền kinh tế tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực, song Chính phủ cho rằng năm 2019 kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ đến từ nội tại của nền kinh tế.
Đặc biệt là các động lực chính cho tăng trưởng vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, trong khi dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng còn hạn chế. Ngành khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn, tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế. Thị trường lao động đối mặt nhiều thách thức về nguy cơ dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bên cạnh đó, công cuộc hoàn thiện thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tuy đã có bước chuyển mạnh mẽ, nhưng còn gặp rất nhiều thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế.
Đồng thời, xu hướng đô thị hóa với sự di cư của người dân ra thành phố đang tạo nên sức ép về hạ tầng, môi trường và an sinh xã hội, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam. Chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Việt Nam đang đối mặt với biến đổi khí hậu ngày càng nhanh và tác động mạnh hơn. Nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu của nền kinh tế vẫn hiện hữu.