Chính sách hỗ trợ của nhà nước giúp người dân, DN cảm thấy rằng Chính phủ gần mình, thấu hiểu mình để có thêm niềm tin, nhất là trong những lúc khó khăn như thời điểm hiện tại.
Nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Sau khi ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí ước tính trên 26 nghìn tỷ đồng, một loạt chính sách khác đã được Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp đưa ra.
Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức như đã áp dụng cho năm 2020; Giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế; Giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ.
Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 (2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, 2019 và 2020.
Nhiều cửa hàng, doanh nghiệp phải đóng cửa để phòng chống dịch. Ảnh: Đoàn Bổng |
Ngoài ra, ngày 2/8, với sự chứng kiến của các lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT, Vietnammobile và SCTV đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này sẽ được triển khai từ ngày 5/8 và kéo dài trong 3 tháng.
Ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về đợt giảm giá điện đợt 4 cho một số khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tổng số tiền miễn giảm ước tính 2.500 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm 2021, Bộ Tài chính tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trên diện rộng đối với doanh nghiệp, người kinh doanh trong hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề năm 2021; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021; tiếp tục giảm mức thu 30 loại phí, lệ phí áp dụng từ ngày 1/1/2021 đến hết 31/12/2021…
Tại Diễn đàn “Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19” do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức ngày 5/8, PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính), cho rằng, các chính sách hỗ trợ đã góp phần hỗ trợ cho người dân, DN vượt qua khó khăn. Trong đó, việc tiếp tục giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho DN nhỏ và vừa là điều cần thiết bởi đây là nhóm dễ tổn thương nhất vì khả năng tài chính có hạn.
“Việc các DN viễn thông lớn công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông khoảng 10 nghìn tỷ đồng cũng rất đáng quý. Bởi trong điều kiện dịch bệnh, người dân làm việc ở nhà nhiều hơn nên phải sử dụng cước viễn thông nhiều. Việc giảm tiền điện cũng vậy. Đó cũng là chính sách rất quý”, ông Lê Xuân Trường bày tỏ.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đánh giá: Trước tác động của đại dịch, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều chính sách phù hợp giúp người dân, DN vượt qua khó khăn.
Cho rằng trong bối cảnh ngân sách luôn trong cảnh “chi nhiều hơn thu”, ông Hoàng Văn Cường cho rằng những chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã đáp ứng được những gì người dân, doanh nghiệp đang cần.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ lấy trực tiếp từ ngân sách, ông Cường lưu ý việc giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền điện, hỗ trợ cước viễn thông cơ bản cũng khiến giảm lợi nhuận của các ngành này, làm giảm đóng góp vào ngân sách. Cho nên thực tế, đó cũng là nguồn lực từ ngân sách để hỗ trợ người dân, DN.
Cuộc sống người dân bị đảo lộn vì Covid-19. Ảnh: Đoàn Bổng |
Tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp
Bình luận về các chính sách giãn hoãn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường chia sẻ: Việc giãn hoãn các khoản thu này làm giảm thu ngân sách nhưng đỡ khó khăn cho DN, tránh tình trạng đóng cửa, giải thể, rút lui khỏi thị trường, ảnh hưởng đến các DN khác có liên quan, suy thoái cả kinh tế, ảnh hưởng đến thu ngân sách lâu dài. Do đó, việc giảm giãn thuế là biện pháp chấp nhận hụt thu trước mắt, nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài dựa vào khả năng phục hồi của DN.
Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV, cho rằng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các DN bị tác động bởi dịch bệnh có thể nói là tương đối đầy đủ, cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân, DN. Theo khảo sát của Hiệp hội, đến 70% DN đánh giá là hài lòng với những chính sách hỗ trợ của nhà nước.
“Các chính sách rất phù hợp về mặt thời điểm. Đây là giai đoạn cam go, có nhiều bằng chứng cho thấy DN đã đuối sức. Những chính sách hỗ trợ cho người lao động thực chất cũng là để giúp DN giữ chân họ”, ông Tô Hoài Nam nhìn nhận. “Trong lúc khó khăn, Chính phủ đã dùng nguồn lực Nhà nước để giúp cộng đồng kinh doanh vượt lên. Cộng đồng DN sẽ cảm thấy rằng Chính phủ gần mình, thấu hiểu mình và có thêm niềm tin, nhất là trong những lúc khó khăn như hiện tại”.
Ông Nam kiến nghị cần đẩy mạnh quá trình thực thi chính sách hỗ trợ. Bởi trong lúc khó khăn, sự hỗ trợ quý hơn lúc bình thường.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh một điều, chính sách hỗ trợ của nhà nước chỉ “góp phần” giúp DN vượt qua khó khăn chứ không thể đóng vai trò quyết định. Vấn đề chính vẫn là năng lực nội tại của DN và khả năng phục hồi của nền kinh tế. DN Việt Nam cũng thấu hiểu điều đó nên nhiều đơn vị cũng đã có những phương án chủ động. Đây là một tín hiệu tốt.
Ông Lê Xuân Trường bày tỏ: Trong bối cảnh dịch bệnh, bản thân nhà nước cũng rất khó khăn. Chúng ta nhiều năm nay bội chi ngân sách, thêm áp lực từ dịch bệnh nữa nên những sự hỗ trợ của Nhà nước như vừa qua là rất đáng trân trọng.
“Tôi là doanh nghiệp, tôi cũng muốn Nhà nước giảm thuế nhiều hơn nữa. Nhưng Nhà nước cũng phải thực hiện các chức năng nhiệm vụ của mình, nên để đưa ra được những chính sách hỗ trợ đó là sự cố gắng rất lớn”, ông Trường nói và kêu gọi sự đồng lòng của xã hội.
“Chúng ta phải đoàn kết, đồng lòng mới vượt qua được dịch bệnh. Làm được như vậy, chúng ta chắc chắc sẽ chiến thắng được dịch bệnh, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của nhân dân”, ông Trường nhấn mạnh.
Lương Bằng