Chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khai mạc sáng 21/10 tới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ký và gửi đến Quốc hội báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019, dự kiến kế hoạch 2020.
Theo báo cáo, 2019 là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Một trong 5 chỉ tiêu vượt là tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu, chỉ tiêu Quốc hội giao dưới 3%, kết quả xuất siêu 0,4%.
Trong số các chỉ tiêu đạt có tốc độ tăng GDP ước đạt 6,8% (mục tiêu 6,6-6,8%) tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 7,9% (chỉ tiêu giao 7-8%).
Dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2020 tại báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cho thấy không có sự thay đổi đáng kể so với năm nay: GDP tăng khoảng 6,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, y như năm nay và cả ba năm trước nữa.
Sau dự kiến chỉ tiêu, báo cáo của Chính phủ cũng dự kiến một số cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cân đối xuất nhập khẩu.
Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa năm 2020 dự kiến đạt khoảng 282 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với năm 2019. Nhập khẩu hàng hóa dự kiến đạt khoảng 286 tỷ USD, tăng khoảng 9%; nhập siêu khoảng 4 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Liên quan đến chỉ tiêu nhập siêu này, trước thềm kỳ họp thứ sáu của Quốc hội (tháng 10/2018) Uỷ ban Kinh tế cũng từng đặt vấn đề là: tại sao kết quả của các năm 2016, 2017 và 2018 đều là xuất siêu, nhưng 2019 Chính phủ lại nêu chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%?
Nhưng sau đó Chính phủ vẫn trình và Quốc hội vẫn quyết định chỉ tiêu cho năm 2019 là tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.
Tháng 10/2019, tại phiên họp toàn thể Uỷ ban Kinh tế thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kinh tế xã hội, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên lại đặt vấn đề: ba năm liền gần đây đều dự báo nhập siêu, nhưng kết quả là cả 3 năm liền xuất siêu. Vậy thì dự báo này để làm gì, giúp cho việc gì?
Sau đó, báo cáo của Uỷ ban Kinh tế tại phiên họp ngày 15/10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị làm rõ cơ sở của việc xác định chỉ tiêu nhập siêu hàng năm (chỉ tiêu này không thay đổi trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội) để phù hợp kết quả thực tế.
Trong 3 năm gần đây, Chính phủ đều trình Quốc hội tỷ lệ nhập siêu bằng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng kết quả thực tế là xuất siêu, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh lại vấn đề từng nêu hơn một lần.