Trả lời câu hỏi của một đại diện đến từ Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) trong Hội nghị Vietnam Business Summit ngày 13/9, liên quan đến Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP ) rằng hi vọng của Việt Nam về Hiệp định này như thế nào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định CPTPP sẽ được thực thi thành công, giúp các nước đóng góp tăng trưởng.
Theo Thủ tướng, Hiệp định CPTPP là Hiệp định thế hệ mới về thương mại, trước đây hiệp định từng được thảo luận bao gồm cả Hoa Kỳ. Việt Nam và Nhật Bản là hai nước thúc đẩy mạnh mẽ việc ký hiệp định cùng các nước khác
Ngày 8/3 vừa qua chúng ta đã ký được Hiệp định CPTPP tại Chile. Hiệp định CPTPP ký và thực thi được giúp các nước đóng góp tăng trưởng vì mở rộng không gian phát triển sẽ có nhiều sản phẩm, mặt hàng, dịch vụ mới.
Thứ 2, xuất khẩu tăng thêm trong đó có nhiều thị trường mới như Peru, Mexico. Ngay cả với những thị trường chúng ta đã xuất khẩu sẽ có thêm mặt hàng khác.
Thứ 3, thúc đẩy đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư trong nước do nhu cầu đầu tư phát triển. Nhiều nước trong Hiệp định đầu tư vào Việt Nam và các nước đã đầu tư cũng sẽ yên tâm hơn. Đồng thời thu hút các doanh nghiệp Việt Nam tự sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ hỗ trợ. Như vậy đã tăng cường cả xuất khẩu, thu hút đầu tư.
“Theo chương trình nghị sự chúng tôi đã chuẩn bị, kỳ họp Quốc hội tháng 10 lần này Chính phủ sẽ trình thông qua Hiệp định CPTPP”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin với các nhà đầu tư.
Thủ tướng cũng cho biết về các thách thức đặt ra là thể chế phù hợp với CPTPP. Thứ 2, vấn đề phát triển doanh nghiệp như thế nào, doanh nghiệp sản xuất kém, sản phẩm, chất lượng, năng suất kém khó cạnh tranh được.
Thứ 3, vấn đề lao động không những thực thi theo yêu cầu Hiệp định mà doanh nghiệp, nhà nước đều phải nâng cao chất lượng lao động để năng suất hiệu quả hơn, nhất là trong việc ứng dụng công nghệ Cách mạng công nghiệp 4.0.