Chính phủ vừa có báo cáo gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc rà soát, hoàn chỉnh phương án phân bổ 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Chính phủ muốn trả nhà đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hơn 4.000 tỷ
Trong đó, Chính phủ làm rõ khoản nợ hơn 4.000 tỷ đồng của ngân sách Trung ương với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được đầu tư, hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 12 năm 2015, trở thành tuyến đường huyết mạch của khu vực. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là hơn 21,8 nghìn tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai thực hiện, do thay đổi thiết kế, trượt giá, chính sách đền bù tái định cư, lãi suất... dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án 2 lần. Năm 2014 tổng mức đầu tư tăng lên 45.487 tỷ đồng; năm 2016 tổng mức đầu tư dự án giảm còn 44.818 tỷ đồng.
Mặc dù đã tính toán tất cả các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, nhưng do tổng mức đầu tư dự án tăng hơn 2 lần so với dự kiến ban đầu đã làm giảm tính khả thi của phương án tài chính.
Vì thế, Bộ Giao thông vận tải đã thẩm định lại tổng mức đầu tư dự án, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 746/QĐ-TTg năm 2015 về việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối với dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Theo đó, quyết định phần tham gia, hỗ trợ của Nhà nước tối đa 39% tổng mức đầu tư dự án nhằm đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính, bao gồm: Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của Dự án (3.699 tỷ đồng); Chuyển sang hình thức nhà nước đầu tư trực tiếp vào Dự án khoản vay 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc.
Đối với khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng tái thiết Đức, Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét hình thức chuyển đổi hoặc hỗ trợ phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công và các quy định của pháp luật liên quan...
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước thời điểm đó gặp nhiều khó khăn, chưa kịp bố trí kinh phí hỗ trợ, chủ đầu tư (VIDIFI) đã sử dụng nhiều nguồn vốn hợp pháp khác, vốn vay để thực hiện công tác hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của Dự án.
Đến nay, mặc dù dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng phần kinh phí hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của Dự án thuộc trách nhiệm của ngân sách Nhà nước đã cam kết vẫn chưa được cân đối, thanh toán.
Vì thế, Chủ đầu tư (VIDIFI) đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam rà soát, tính toán lãi vay khoản vốn vay phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của Dự án. Theo đó, đề xuất tổng số vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thanh toán là 4.069 tỷ đồng (bao gồm cả tiền gốc và lãi).
Nhiều năm nay, khoản nợ này chưa được ngân sách trả cho nhà đầu tư. Vào tháng 5/2019, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, cho phép sử dụng 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thanh toán số nợ hơn 4.000 tỷ đồng này.
Thế nhưng, Ủy ban thường vụ Quốc hội không đồng ý vì dành ra số tiền hơn 4.000 tỷ trong tổng số 10.000 tỷ kể trên cho một dự án cao tốc là quá lớn, không hợp lý.
Sau đó, tại tờ trình gần đây, Chính phủ đã đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép bố trí 1.351 tỷ đồng (giảm 2.718 tỷ đồng) từ khoản 10.000 tỷ đồng kể trên, nhằm trả một phần số nợ nhà đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Chính phủ cho biết số vốn còn lại, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm rà soát, tổng hợp, cân đối trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải để thanh toán dứt điểm khoản nợ này.