Tại sao phải có Nghị định số 13?
Nghị định 80 về doanh nghiệp khoa học công nghệ được ra đời năm 2007 dựa trên Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000. Thời điểm này, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) chưa thực sự được các doanh nghiệp coi trọng. Nghị định 80 nhằm hỗ trợ chủ yếu việc hình thành mạng lưới các doanh nghiệp trong lĩnh vực này từ các viện, trường… qua đó, thúc đẩy quá trình thương mại hoá các kết quả nghiên cứu.
3 năm sau, khi Chính phủ nhận thấy tiềm năng R&D của các doanh nghiệp, Nghị định 80 đã được bổ sung nội dung cho phép các doanh nghiệp thành lập từ trước nhưng được cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nếu đáp ứng đủ điều kiện, nhằm hưởng các chính sách ưu đãi. Nhờ vậy, số lượng của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã dần tăng lên.
Tuy nhiên, đến đầu năm nay, thống kê của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (NATEC) cho biết Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp có đủ điều kiện để được coi là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nhưng, số doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận chỉ là 400.
Ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng NATEC nhận định nguyên nhân có thể nằm ở 2 vấn đề: hoặc ưu đãi không thực sự hấp dẫn, hoặc thủ tục quá rườm rà.
Nghị định 80, sau gần 12 năm triển khai, cũng đã bộc lộ những hạn chế gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chứng minh, đáp ứng điều kiện theo quy định. Một số nội dung trong đó cũng không còn phù hợp với Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi năm 2013, cũng như các Luật về doanh nghiệp, đất đai, đầu tư… đã được chỉnh lý.
Đây là lý do Nghị định 13 được xây dựng nhằm đáp ứng các yêu cầu trong bối cảnh mới. Nghị định này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký vào ngày 1/2/2019 và có hiệu lực kể từ ngày 20/3/2019.
Nhiều thủ tục kinh doanh được đơn giản hoá
Nghị định số 13, theo NATEC, đơn vị xây dựng nghị định, kỳ vọng sẽ khuyến khích được khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu thuộc mọi lĩnh vực phát triển theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Điểm đáng chú ý của Nghị định mới là đã đơn giản hoá các điều kiện chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, giảm điều kiện để nhận ưu đãi thuế và giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính.
Ví dụ, trước đây, nếu muốn đăng ký thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp phải thuộc 1 trong 7 lĩnh vực được quy định, phải có kết quả nghiên cứu được hình thành từ các nhiệm vụ khoa học công nghệ, nhận chuyển giao hoặc nhập khẩu công nghệ, đồng thời phải giải trình quá trình làm chủ kết quả này.
Dù vậy, hoạt động R&D trong thực tế của các doanh nghiệp tư nhân phần nhiều được thực hiện theo nhu cầu tự doanh nghiệp, không phải lúc nào cũng đăng ký sở hữu trí tuệ. Do đó, các đơn vị này rất khó lòng cung cấp được bằng chứng quyền sở hữu trí tuệ và quyền sử dụng hợp pháp kết quả của mình.
Nghị định mới đã đơn giản hóa việc chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp đối với kết quả khoa học công nghệ bằng quy định doanh nghiệp có thể tự cam kết về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với kết quả này và có thể bị hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận nếu bị cơ quan có thẩm quyền kết luận có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Doanh nghiệp thay vì phải giải trình về việc hoàn thành quá trình ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả khoa học công nghệ mà chú trọng vào việc đánh giá tính ứng dụng của sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp có kết quả nghiên cứu thuộc mọi lĩnh vực khoa học và công nghệ đều có thể chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Mặt khác, Nghị định đã bổ sung điều kiện về tỷ lệ doanh thu từ 30% từ kết quả khoa học và công nghệ làm điều kiện chứng nhận là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này. Điều kiện này đảm bảo khi được cấp giấy chứng nhận, doanh nghiệp sẽ được hưởng ngay ưu đã về thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Đồng thời để khuyến khích các startup trong lĩnh vực công nghiệp, đổi mới sáng tạo có thể chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, Nghị định đã bổ sung quy định: Đối với doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm, không cần đáp ứng điều kiện về tỷ lệ doanh thu để được chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
Thời gian miễn, giảm thuế lên đến 13 năm
Nghị định 13/2019/NĐ-CP đã có nhiều sửa đổi khắc phục những khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách ưu đãi về thuế thu TNDN trong thời gian qua, bao gồm:
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được cấp giấy chứng nhận từ ngày 20/3/2019 trở đi sẽ được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh kết quả khoa học công nghệ.
Doanh nghiệp cũng được giảm điều kiện tỷ lệ doanh thu để hưởng ưu đãi thuế. Theo quy định cũ, doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải đạt tỷ lệ doanh thu 30% trong năm thứ nhất, 50% trong năm thứ hai và 70% từ năm thứ ba trở đi mới được hưởng ưu đãi về thuế TNDN. Do vậy, rất ít doanh nghiệp được hưởng ưu đãi. Nghị định mới đã giảm điều kiện hưởng thuế TNDN xuống tỷ lệ 30%, giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận được chính sách.
Nghị định cũng bổ sung quy định về việc xác định dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và thẩm quyền xác định để hỗ trợ doanh nghiệp có kết quả nghiên cứu mới hưởng ưu đãi về thuế TNDN.
Nghị định mới đồng thời quy định cụ thể hơn về các ưu đãi tín dụng, ưu đãi đất đai dành cho doanh nghiệp khoa học công nghệ, bổ sung trách nhiệm của cơ quan chuyên môn địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục miễn giảm tiền thuê đất.
Nghị định cũng bổ sung các hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả nghiên cứu của doanh nghiệp như: được sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và được hỗ trợ từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện dự án thương mại hóa, được ưu tiên trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ, trách nhiệm của Bộ ngành trong việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật để cấp phép lưu hành sản phẩm…
Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm báo cáo, cập nhật về tình hình phát triển doanh nghiệp, quy định rõ cơ chế hậu kiểm, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận khi doanh nghiệp không còn đáp ứng điều kiện hoặc có hành vi vi phạm pháp luật, vinh danh các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.