Theo đó, các đối tác xuất khẩu thép vào thị trường EU mà vượt quá mức độ khối lượng trung bình của 3 năm gần đây thì sẽ bị áp mức thuế quan 25%, cụ thể đối với 23 dòng sản phẩm thép.
Biện pháp chính sách này là hạn chế xuất khẩu bằng hạn ngạch xuất khẩu. Trong cuộc xung khắc thương mại hiện tại giữa Mỹ và các đối tác kinh tế, thương mại của Mỹ, biện pháp chính sách này cũng được Mỹ áp dụng.
Một số đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ bị Mỹ đặt trước sự lựa chọn giữa bị áp thuế quan bảo hộ mậu dịch và hạn chế xuất khẩu.
Tên gọi có khác nhau và nội dung cụ thể có khác nhau nhưng bản chất của biện pháp chính sách ấy là bảo hộ thương mại, là đóng cửa thị trường và tạo rào cản thương mại để bù đắp cho những ngành công nghiệp, sản xuất và dịch vụ trong nội địa không có đủ khả năng cạnh tranh quốc tế.
EU biện minh cho biện pháp chính sách này với lập luận rằng, Mỹ áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch đối với những sản phẩm thép và nhôm.
Các nhà sản xuất và xuất xẩu thép vì thế sẽ tránh hoặc giảm xuất khẩu vào thị trường Mỹ và dồn nhằm vào những thị trường khác, đặc biệt là thị trường EU, khiến thị trường EU ngập tràn sản phẩm thép với giá rẻ và như thế gây tổn hại nặng nề cho ngành công nghiệp thép của EU vốn đã bị tổn hại không hề nhỏ bởi biện pháp chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ.
Lợi ích và mục đích của EU với biện pháp chính sách này không có gì là khó hiểu. Nhưng EU vốn luôn cổ suý cho tự do hoá mậu dịch và chống bảo bộ mậu dịch, vốn vẫn thường tự coi mình là hiện thân và biểu tượng cho tự do hoá mậu dịch.
EU phê trách Mỹ gay gắt và đã kiện Mỹ lên Tổ chức thương mại thế giới về những biện pháp chính sách bảo hộ mậu dịch. Bây giờ, chính EU cũng hành xử như Mỹ. Vậy nên phải nhìn nhận EU như thế nào thì mới phải đây?