Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT vào chiều ngày 15/1/2019, trong bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, liên quan đến lĩnh vực công nghiệp nội dung số, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Bộ TT&TT đặt mục tiêu phải chiếm 20-30% doanh thu của các nhà mạng, nhưng hiện nay mới chiếm 6-8%, là tỷ lệ quá thấp so với các nước. Cơ hội tăng trưởng của nội dung số còn 3-4 lần, doanh thu có thể đạt 3-4 tỷ USD.
Vấn đề mấu chốt để tăng trưởng ngành công nghiệp nội dung số là chính sách phải tạo sự phát triển cho lĩnh vực này, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới vào Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam phải cùng một chính sách quản lý, không bảo hộ ngược, tỷ lệ ăn chia với nhà mạng phải khích lệ công ty nội dung, hệ thống phân phối, thẻ nạp tiền của nhà mạng phải hỗ trợ thanh toán cho công ty nội dung”.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, năm 2018 doanh thu công nghiệp nội dung số ước đạt 895 triệu USD, xuất khẩu 775 triệu USD. Có trên 3.700 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này với gần 63.000 lao động.
Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế của ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam như: Đóng góp của ngành công nghiệp nội dung số vào hoạt động chung của ngành CNTT còn rất thấp (ở mức dưới 10%). Ngành công nghiệp nội dung số chưa có sự chủ động trong sản xuất các sản phẩm có tính cạnh tranh.
Bên cạnh đó, ngành nội dung số trong nước còn thiếu nền tảng để phát triển chủ động và bền vững, cụ thể: Lĩnh vực game chủ yếu là nhập khẩu, quảng cáo số 70% sử dụng nền tảng của Google và Facebook.
Việc vi phạm bản quyền, quyền tác giả trong lĩnh vực nội dung số diễn ra khá phổ biến. Về cơ chế chính sách cũng chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nội dung số trong nước (đặc biệt về game, mạng xã hội) gặp nhiều vướng mắc trong việc xin giấy phép hoạt động, phê duyệt kịch bản game (thời gian cấp phép dài trong khi vòng đời của game ngắn).
Hiện nay, các khái niệm về dịch vụ nội dung thông tin số, dịch vụ thông tin trên mạng và các dịch vụ ứng dụng viễn thông về nội dung số đang chưa được định nghĩa rõ ràng, tách bạch lẫn nhau dẫn đến cách hiểu khác nhau và các dịch vụ này chịu sự quản lý nhà nước của nhiều cơ quan gây ra sự lúng túng cho doanh nghiệp và cho các cơ quan quản lý.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã phản ánh với Bộ TT&TT về thực trạng lĩnh vực nội dung số đang có tình trạng "bảo hộ ngược" do các doanh nghiệp trong nước hiện nay chịu nhiều sự quản lý, kiểm duyệt về nội dung, điều kiện kinh doanh và phải trả các loại thuế phí khác nhau… Trong khi các doanh nghiệp nội dung số nước ngoài hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam thì không bị ảnh hưởng bởi kiểm duyệt nội dung hay trả bất kỳ loại thuế, phí nào.
Để tháo gỡ những khó khăn này, giải pháp được đề xuất là Bộ TT&TT cần đưa ra biện pháp về kỹ thuật để bắt buộc các doanh nghiệp nội dung số nước ngoài tuân thủ các quy định khi kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đưa ra các ưu đãi phù hợp để tạo sự bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp nội dung số trong nước.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề xuất phương án đẩy nhanh thủ tục cấp phép game, phương án kiểm soát nội dung trên mạng xã hội và trang thông tin điện tử chuyển sang hình thức hậu kiểm, phát triển các công cụ hỗ trợ cảnh báo nội dung thông tin sai phạm trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử.
Trong giai đoạn tới, Bộ TT&TT đặt mục tiêu sẽ triển khai xây dựng Đề án thúc đẩy phát triển hệ sinh thái nội dung số Việt Nam nhằm xác định mô hình phát triển hệ sinh thái nội dung số phù hợp với đặc điểm nền kinh tế và trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam, đưa ra các giải pháp chính sách ban đầu.
Thực hiện sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Nghị định số 27/2018/NĐ-CP theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp nội dung số trong nước phát triển.
Bộ TT&TT cũng nghiên cứu cơ chế tăng cường bảo vệ bản quyền nội dung, đặc biệt bản quyền nội dung số trên môi trường mạng, tăng cường hậu kiểm, giám sát. Triển khai thí điểm dạng sand-box một số nội dung.