TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa có báo cáo cập nhật về chính sách hỗ trợ của các nước trong bối cảnh khó khăn hiện nay cùng những kiến nghị đối với Việt Nam.
Báo cáo cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2020, kinh tế - xã hội thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và vẫn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, với làn sóng thứ hai, thậm chí thứ ba ở một số nơi. Kinh tế thế giới năm 2020 dự báo suy thoái sâu (tăng trưởng âm 4-6%) trước khi có thể phục hồi (tăng trưởng khoảng 3-3,5% năm 2021, theo dự báo của các tổ chức quốc tế). Trong bối cảnh đó, Chính phủ và NHTW các nước tiếp tục nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời đưa ra nhiều chính sách, gói hỗ trợ chưa có tiền lệ để hỗ trợ hộ gia đình, doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế.
Chính sách hỗ trợ của các nước
Nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Chính phủ và NHTW các nước đã thực hiện nhiều chính sách tiền tệ nới lỏng và tài khóa mở rộng với các gói hỗ trợ quy mô lớn chưa từng có, cùng với các chính sách y tế - xã hội nhằm giảm thiểu thiệt hại từ dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an sinh xã hội.
Về chính sách tiền tệ - tín dụng, Chính phủ, NHTW các nước thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ một cách mạnh mẽ, chưa từng có tiền lệ (như chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp của Fed hay cho vay lãi suất 0% hỗ trợ trả lương của Ngân hàng TW Trung Quốc - PBoC). Các chính sách này có thể tổng hợp gồm 7 giải pháp chính: (i) Hạ lãi suất điều hành tạo định hướng lãi suất và giảm lãi suất cho các tổ chức tín dụng (qua kênh cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu) để các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể hạ lãi suất cho vay (đa số các nước, Việt Nam); (ii) hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để các TCTD có thêm nguồn vốn cho vay, qua đó gián tiếp bơm thêm tiền vào nền kinh tế (như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia); (iii) hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua cam kết mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và chứng khoán thế chấp bằng nhà ở (như Mỹ có gói nới lỏng định lượng trị giá 700 tỷ USD để mua lại các khoản vay, trái phiếu; EU có chương trình mua trái phiếu khẩn cấp (PEPP) trị giá 1.350 tỷ EUR đến giữa năm 2021, bổ sung 120 tỷ EUR cho chương trình mua tài sản năm 2020, Nhật Bản tăng hạn mức mua trái phiếu, thương phiếu doanh nghiệp lên 7.400 tỷ Yên (70 tỷ USD); Trung Quốc mua lại các khoản cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ nhằm tăng thanh khoản và nguồn vốn rẻ cho các NHTM;
(iv) cho các NHTM vay lãi suất thấp để có thể cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi hơn (một dạng hỗ trợ lãi suất như Anh, Nhật, Thái Lan); (v) cung cấp gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản và trả lương (Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Việt Nam); (vi) cho phép giãn, hoãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới với lãi suất ưu đãi hơn (Việt Nam, Trung Quốc, Anh); (vii) tăng cường các biện ổn định tỷ giá và thanh khoản của hệ thống tài chính thông qua việc thực hiện thỏa thuận hoán đổi tiền tệ (Mỹ, Canada, Nhật Bản, Châu Âu, Thụy Sỹ).
Theo Nhóm tác giả, có thể đánh giá, đây là các chính sách được áp dụng trong bối cảnh hết sức đặc biệt, với mức độ nới lỏng khác nhau, tùy thuộc vào thể chế và mức độ thiệt hại do dịch gây ra. Tuy nhiên, dư địa của chính sách tiền tệ dần bị thu hẹp vì lãi suất đã ở mức rất thấp và thường chỉ mang tính thời điểm, khẩn cấp; do đó, các nước tập trung nhiều hơn vào chính sách tài khóa.
Về chính sách tài khóa, chính phủ các nước đã công bố và triển khai các gói tài khóa với quy mô khác nhau, tùy thuộc vào thể chế, khả năng ngân sách và mức độ thiệt hại do dịch gây ra. Các nền kinh tế lớn như Đức, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Canada...v.v. đều liên tiếp công bố các gói hỗ trợ với quy mô trung bình tương đương 18% GDP (đặc biệt Đức công bố các gói hỗ trợ lên tới 33% GDP và Nhật Bản 21% GDP). Tại Châu Á, các quốc gia cũng đã có các gói hỗ trợ với quy mô nhỏ hơn như Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Malaysia khoảng 10-14% GDP; Trung Quốc (6,5% GDP); Việt Nam, Phillippines, Indonesia có quy mô chỉ ở mức từ 1,5-6% GDP (theo IMF, McKinsey và tác giả tổng hợp).
Các gói tài khóa nhìn chung tập trung vào 9 mục đích chính: (i) đầu tư nghiên cứu, sản xuất vaccine và thiết bị y tế (như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ấn Độ, Philippines…); (ii) trợ cấp người lao động phải tạm nghỉ việc hoặc thất nghiệp (như Mỹ trợ cấp 3.000 USD/người lớn, Đức trợ cấp mỗi gia đình 300 Euro/trẻ em, Anh trả 80% lương cho người thất nghiệp tối đa 2.500 Bảng/tháng, Hàn Quốc hỗ trợ mỗi lao động khoảng 407 USD/tháng trong 3 tháng,Việt Nam hỗ trợ 1 triệu đồng/ tháng trong 3 tháng….; (iii) chia tiền mặt cho người dân thu nhập trung bình và thấp (Úc hỗ trợ người thu nhập thấp 750 AUD/người…), (iv) cho vay lãi suất thấp đối với DNNVV và DN kiệt quệ tài chính, khó khăn thanh khoản (Mỹ dành 510 tỷ USD để cung cấp các khoản vay, bảo lãnh nhằm ngăn doanh nghiệp phá sản, trong đó dùng 25 tỷ USD cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không, Đức cung cấp gói 100 tỷ EUR và Singapore với gói 4 tỷ USD hỗ trợ DN gặp khó khăn tài chính…), (v) cho vay, bão lãnh vay vốn hoặc mua lại cổ phần các công ty (Đức có gói bảo lãnh cho vay DN trị giá 400 tỷ EUR, Anh có gói bảo lãnh 80% giá trị các khoản vay của các DN bị ảnh hưởng…),
(vi) cho phép giãn, hoãn nộp thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, BHXH (như Mỹ, EU, Pháp, Trung Quốc, Việt Nam…); (vii) giảm thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân (Trung Quốc giảm thuế thu nhập DN trị giá 200 tỷ NDT, Singapore giảm 25% thuế thu nhập DN và Việt Nam giảm thuế 30% đối với DN nhỏ, hộ gia đình và HTX trong năm 2020...v.v.); (viii) kích cầu tiêu dùng, du lịch và hỗ trợ xuất khẩu (Thái Lan có gói kích thích du lịch nội địa trị giá 5 tỷ Bath tương đương 160 triệu USD, Malaysia miễn thuế dịch vụ cho lĩnh vực khách sạn, Indonesia với gói 10,3 nghìn tỷ Rupiah tương đương 725 triệu USD để kích cầu tiêu dùng và du lịch, Philippines với gói tài khóa 14 tỷ Peso để tài trợ các dự án du lịch…); và (ix) có riêng gói an sinh xã hội (Indonesia với gói 171 nghìn tỷ Rupiah tương đương 11,7 tỷ USD để tăng cường hỗ trợ hệ thống an sinh xã hội, Thái Lan phát tiền mặt cho người lao động không có BHXH, Việt Nam với gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ VND, Mỹ hỗ trợ chi trả bảo hiểm thất nghiệp …).
Các chính sách hỗ trợ hiện nay của Chính phủ Việt Nam
Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã có 4 gói hỗ trợ (tổng giá trị thực – tức là tổng chi phí mà Chính phủ và hệ thống các TCTD cam kết bỏ ra ước tính khoảng 181,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3% GDP năm 2019), bao gồm:
Gói hỗ trợ tài khóa với giá trị ước tính 73,1 nghìn tỷ đồng (1,2% GDP) theo Nghị quyết 41 (tháng 4/2020): gồm các biện pháp cho phép miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (khoảng 69,3 nghìn tỷ đồng) và gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (khoảng 180 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng). Tổng số tiền đã thực hiện tính đến tháng 8/2020 khoảng 66.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 36% quy mô gói hỗ trợ. Nguyên nhân tiếp cận hỗ trợ còn chậm là do: (i) Các DN kinh doanh thua lỗ, không có doanh thu, hoạt động cầm chừng; (ii) một số DN đã nộp tiền thuế TNDN năm 2019 ngay trong quý 1/2020; (iii) một số DN đã trả tiền thuê đất từ đầu năm nên số tiền còn phải nộp không nhiều hoặc không có nhu cầu giãn, hoãn; và (iv) tâm lý e ngại thủ tục rườm rà.
Gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng giá trị ước tính 36,6 nghìn tỷ đồng (0,6% GDP) bao gồm: (i) phần giảm lãi suất khi các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay mới với lãi suất ưu đãi (giảm 1-2,5%/năm so với thông thường) với quy mô cam kết khoảng 600 nghìn tỷ đồng, (ii) các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ (không tính lãi phạt); (iii) miễn, giảm lãi (giảm 0,5-1,5% cho các khoản vay hiện hữu bị ảnh hưởng); (iv) miễn, giảm phí, nhất là phí thanh toán và một số phí dịch vụ khác...v.v. Các khoản hỗ trợ này dẫn đến giảm lợi nhuận trước thuế (giảm 20-25%) cả năm 2020 của các TCTD và giảm thu ngân sách tương ứng. Song song với đó, NHNN cũng đã 2 lần giảm các lãi suất điều hành, giúp các TCTD có điều kiện giảm lãi suất. Theo NHNN, đến ngày 13/7/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272.000 khách hàng với dư nợ hơn 210 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 435.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế đạt 1,17 triệu tỷ đồng cho hơn 247.000 khách hàng.
Gói an sinh - xã hội: thực tế có giá trị khoảng 45,8 nghìn tỷ đồng (0,8% GDP), chứ không phải 62 nghìn tỷ đồng (do chi phí của gói hỗ trợ cho vay trả lương về bản chất chỉ là phần tiền lãi không tính do lãi suất là 0% khoảng 390 tỷ đồng); đến hạn, doanh nghiệp vẫn phải trả lại phần tiền gốc đã vay. Tính đến ngày 13/7/2020, đã thực hiện giải ngân khoảng 12 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ 11,5 triệu người và 12.000 hộ kinh doanh. Nhìn chung, công tác chi trả về cơ bản đã đảm bảo đúng đối tượng, song tiến độ còn rất chậm; trong đó, gói 16.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ trả lương chưa giải ngân được do: (i) điều kiện đặt ra còn chưa phù hợp, chưa sát thực tiễn, (ii) qui trình, thủ tục còn phức tạp, xử lý lâu khiến nhiều doanh nghiệp e ngại, và (iii) nhiều DN tự xoay sở.
Các gói hỗ trợ khác với tổng giá trị 26 nghìn tỷ đồng (0,43% GDP) bao gồm gói hỗ trợ giảm 10% giá điện của EVN trị giá 10.900 tỷ đồng và gói hỗ trợ giảm giá dịch vụ viễn thông trị giá trị 15.000 tỷ đồng. Đến hết ngày 30/6/2020, EVN đã giảm giá, giảm tiền điện cho 26,79 triệu khách hàng với tổng số tiền 6.800 tỉ đồng (62,4%). Đối với gói giảm giá dịch vụ viễn thông, hiện chưa có thông tin công bố kết quả thực hiện cụ thể.
Như vậy, có thể thấy trong 4 gói hỗ trợ, thì gói tiền tệ - tín dụng và giảm tiền điện đạt kết quả khả quan, còn lại rất chậm và còn vướng mắc, cần sớm khắc phục.
Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã có 4 gói hỗ trợ với tổng giá trị thực – tức là tổng chi phí mà Chính phủ và hệ thống các TCTD cam kết bỏ ra ước tính khoảng 181,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3% GDP năm 2019
Bốn kiến nghị đối với Việt Nam
Các nước nêu trên cũng như Việt Nam đến nay đã công bố, triển khai và đạt kết quả nhất định đối với các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là những chính sách hỗ trợ chủ yếu từ phía cung (được cung cấp bởi Chính phủ, NHTW các nước, chưa tính đến chính xác là các đối tượng thụ hưởng thực sự gặp phải khó khăn, thách thức như thế nào, kết quả thực hiện đã giúp họ đến đâu và góp phần phục hồi kinh tế như thế nào?).
Theo đó và qua quan sát cách thức thiết kế và thực hiện các chính sách, gói hỗ trợ của các nước; TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV có bốn kiến nghị đối với Việt Nam.
Một là, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại, như đã được nhận diện trong thời gian qua.
Hai là, Chính phủ cũng cần sớm xây dựng một số chính sách, gói hỗ trợ bổ sung (giai đoạn 2) với 4 nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất, qui mô đủ lớn và thời gian phù hợp (có thể từ quý 4/2020 đến hết năm 2021) mới có thể giúp người dân, doanh nghiệp vượt khó. Theo tính toán sơ bộ, các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận thấy các gói hỗ trợ giai đoạn 2 có thể tương đương các gói giai đoạn 1, khoảng 2,5% GDP; như vậy tổng các gói hỗ trợ cả hai giai đoạn khoảng 5,5% GDP. Thứ hai, cần đảm bảo độ bao phủ đến cả lao động không chính thức (.tự do) vì đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đến cả doanh nghiệp nhỏ và lớn vì cả hai đều chịu tác động tiêu cực (với tiêu chí hỗ trợ như nêu dưới đây). Thứ ba, cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch Covid-19 đến ngành, nghề cụ thể và có điều kiện, tiêu chí cụ thể. Thứ tư, phải triển khai nhanh, gọn, đúng đối tượng, chuyển hỗ trợ bằng nhiều kênh khác nhau (trong đó, hết sức chú trọng ứng dụng CNTT như dịch vụ Mobile money, ví điện tử…) mới đảm bảo chính sách nhân văn sớm đi vào cuộc sống. Đồng thời, cần đề xuất có cơ chế, phân quyền đặc thù cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ để có thể ra quyết định nhanh chóng, kịp thời.
Ba là, về lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực để ưu tiên hỗ trợ; qua đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các ngành nghề trong 8 tháng đầu năm 2020, Nhóm chuyên gia nhận thấy những ngành nghề chịu tác động tiêu cực theo thứ tự giảm dần, đó là: du lịch; vận tải; dệt may, da giày; bán lẻ; giáo dục – đào tạo. Về điều kiện/tiêu chí doanh nghiệp nhận hỗ trợ; Chính phủ có thể căn cứ ít nhất vào 5 tiêu chí chủ yếu, bao gồm: (i) tính lan tỏa (tác động tích cực tới các ngành, lĩnh vực khác), (ii) lao động (tạo nhiều công ăn việc làm), (iii) có khả năng áp dụng công nghệ và năng lượng sạch, (iv) có khả năng phục hồi, và (v) cam kết không sa thải nhân viên (hoặc không quá 10%).
Bốn là, song song đó, Chính phủ cũng cần thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp khác mang tính bổ trợ và dài hạn khác: (i) Nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ khẩn cấp (cho cả thiên tai và dịch bệnh với cơ chế đặc thù, đảm bảo nhanh, kịp thời, hiệu quả); (ii) Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thực chất hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nhất là về thủ tục hành chính (kể cả đối với các gói hỗ trợ), tăng cường ứng dụng CNTT nhằm tăng tốc độ xử lý công việc; (iii) Ban hành chính sách và giải pháp cụ thể để thu hút dòng vốn FDI trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi sản xuất (nhất là các giải pháp về thủ tục hành chính, hạ tầng KCN, nguồn nhân lực, và phân cấp ủy quyền trong tiếp cận, thu hút có chọn lọc các dự án FDI…); (iv) Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công như là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2020-2021 và cũng là động lực tăng trưởng dài hạn, với điều kiện không hình thức, không giải ngân bằng mọi giá mà vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng; (v) Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các thị trường còn nhiều dư địa ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Hoa Kỳ và EU, và tận dụng tốt hơn nữa các hiệp định CPTPP và EVFTA; và (vi) Đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử và thanh toán, giao dịch điện tử; vừa là để tăng năng suất lao động, vừa là theo kịp xu thế và giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp.