Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị có gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, giãn - miễn - giảm thuế với một số đối tượng; giảm tiền thuê đất.
Ngày 12/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục có báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid - 19 đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Dự tính các ảnh hưởng dài hạn
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP bị ảnh hưởng mạnh. So với kịch bản đưa ra hồi đầu tháng 2, kịch bản tăng trưởng lần này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chút điều chỉnh nhẹ.
Cụ thể, trong trường hợp khống chế được dịch trong Quý I/2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 6,25% (dự báo hồi đầu tháng là 6,27%), thấp hơn mục tiêu Chính phủ đặt ra là 6,8%. Trong đó quý I tăng trưởng chỉ 4,52%. Các quý về sau tăng trưởng sẽ hồi phục dần.
Trường hợp dịch được khống chế trong Quý II/2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 5,96% (dự báo đầu tháng 2 là 6,09%) giảm 0,84 điểm % so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong Quý I/2020.
Tăng trưởng suy giảm ở nhiều lĩnh vực do dịch corona. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm mạnh nếu dịch không được ngăn chặn sớm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo số lượng doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng giảm ở hầu hết các lĩnh vực so với cùng kỳ năm 2019 (15/17 ngành), trong đó giảm mạnh lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 23%); Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (giảm 11,8%), Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 14,5%) dẫn tới số lao động đăng ký mới giảm mạnh như nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 50,2%), vận tải kho bãi (giảm 37,9%).
Ngành nào ảnh hưởng nặng?
Vận tải hàng không bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch gây ra. Trước đây trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong thời gian dịch thì đã hủy toàn bộ chuyến. Vận tải đường bộ và đường sắt, xe buýt, taxi cũng bị sụt giảm về sản do ảnh hưởng lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng sẽ giảm theo, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không sẽ bị ảnh hưởng.
Ngành công nghiệp điện - điện tử là các mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc (máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện) khoảng 37,5 tỷ USD năm 2019 (xuất khẩu 17,8 tỷ USD và nhập khẩu là gần 19,7 tỷ USD). Trong đó, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam nhập khẩu linh kiện điện tử chủ yếu từ Trung Quốc. Do đó, các biện pháp kiểm dịch sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất trong nước.
Đối với ngành da giày, nếu dịch diễn biến phức tạp kéo dài sang quý II sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên phụ liệu của Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ phải nhập khẩu nguyên phụ liệu theo đường biên giới (đường bộ), ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành da giầy Việt Nam.
Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước nói chung về cơ bản chịu ảnh hưởng không lớn. Tuy nhiên, dự án sản xuất thép của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, một dự án khác của ngành Khoáng sản là Dự án luyện đồng tại Lào Cai cũng sẽ gặp khó khăn do phải nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu đường bộ tại Lào Cai.
“Các nhà đầu tư mới dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư trong thời gian tới. Đối với các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý.
Bình tĩnh, không chủ quan, sớm dự liệu giải pháp
Trên cơ sở đánh giá của các doanh nghiệp, nếu tình hình nguồn cung nguyên liệu đầu vào và thị trường xuất khẩu không sớm được cải thiện thì khả năng cầm cự chỉ hết tháng 2/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất phương châm, định hướng thực hiện và kiến nghị các nhóm giải pháp cụ thể cần quyết liệt làm ngay trong thời gian tới.
Phương châm thực hiện được Bộ này khuyến nghị là: “Không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp”.
Giải pháp quan trọng nhất là tập trung ưu tiên các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch, như: hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay...; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2 này.
Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giao Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch, như: gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế...
Ngoài ra, Bộ này đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất của nhà nước cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch trong thời gian diễn ra dịch, kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa, tiêu thụ nông lâm thủy sản, thúc đẩy và tăng cầu nội địa trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng muốn có các giải pháp cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho các doanh nghiệp đang phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh do dịch; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các hành vi lạm dụng chính sách kiểm soát dịch để gây khó dễ cho doanh nghiệp trong hoạt động thông quan hàng hóa để loại bỏ chi phí không chính thức của doanh nghiệp
Lương Bằng