Hong Kong được xếp hạng là thành phố có chi phí nhà ở đắt nhất thế giới liên tục trong 8 năm trở lại đây với chỉ số về nhà ở Median Multiple Index (MMI) lên đến 19,7. Điều đó có nghĩa là giá nhà ở Hong Kong cao gấp 19,7 lần mức thu nhập trung bình của người dân nơi đây.
Và tình hình ngày càng tồi tệ hơn khi hàng trăm ngàn cư dân đang phải co mình lại trong những căn hộ siêu nhỏ. Đa phần trong số chúng không to hơn một chỗ đậu xe ô tô là mấy.
Một chiếc "nhà lồng", về cơ bản chỉ vừa cho một người ở và đồ đạc cá nhân của họ. Chúng được xếp chồng lên nhau trong một phòng để có thể đủ chỗ cho càng nhiều người càng tốt. Và giá cho một chiếc "lồng" như thế vẫn cứ tiếp tục tăng. Phóng viên của Vox thông tin: có tới hơn 10 ngàn người Hong Kong đang sống trong một khoảng diện tích từ 7 mét vuông đến 13 mét vuông. Trong khi đó một chỗ đậu ô tô ở Mỹ đã là 11 mét vuông.
Một trong những "chiến thuật" để có thể sống ở thành thị quá đỗi chật chội này là sống trong những ngôi nhà được chia nhỏ hết cỡ. Mọi người sẽ có phòng chỉ đủ cho một chiếc giường, một chiếc bàn và đồ đạc. Mấu chốt của cách sống này là tất cả họ sẽ sử dụng một không gian bếp và vệ sinh chung. Tất cả mọi người đều nấu ăn và tắm giặt cùng một chỗ. Nên họ có thể tiết kiệm tiền và diện tích sử dụng.
Một phụ nữ Hong Kong nói với Vox: "Cuộc sống khó khăn lắm. Nhà thì quá tối. Nếu sống ở đây, chẳng bao giờ bạn nhìn thấy ánh mặt trời. Mà mỗi người thì một thói quen. Chúng tôi tranh cãi với nhau từ những việc nhỏ nhất. Chúng tôi hay cãi nhau lắm".
Lời giải thích cho việc tại sao giá nhà đất cao như vậy thường là vì đất ở rất khan hiếm. Đó là câu chuyện xảy ra ở những nơi có cầu nhà ở tăng nhanh gấp nhiều lần cung – ví dụ như San Francisco hay New York.
Nhưng Hong Kong thật sự thiếu đất ở ư?
Thật ra, Hong Kong vẫn còn rất rất nhiều vùng đất chưa hề được khai thác. 75,6% đất đai ở Hong Kong chưa được phát triển. Phần lớn chúng là địa hình núi đá, rất khó để xây dựng nhà ở.
Vox đã phỏng vấn hai chuyên gia địa ốc, ông Paul Zimmerman – CEO Designing Hong Kong và ông John Wright – Chủ tịch Friend of Sai Kung.
"Liệu giá đất ở Hong Kong đắt như vậy có phải vì khan hiếm đất đai hay không?".
"Không" – cả hai chuyên gia trả lời. "Vấn đề là việc sử dụng đất. Do đất đai đang được sử dụng, hoặc bảo tồn theo cách phi hiệu quả", "Vấn đề không phải là thiếu đất mà là quản lý đất không tốt".
"Sử dụng đất", "quản lý đất", những điều mà các chuyên gia muốn đề cập là: chỉ có 3,7% đất Hong Kong phục vụ việc ăn ở của người dân. Nhưng không phải vì đồi núi, đó là do chính sách và đây là lý do chính khiến ngày càng có nhiều người sống trong những chiếc "lồng" – theo đúng nghĩa đen.
Điều đầu tiên cần lưu ý nếu bạn thực sự muốn biết lý do cho việc đó, là chính quyền sở hữu toàn bộ quyền sử dụng đất đai ở Hong Kong (trừ một nhà thờ mà người Anh xây ở đây vào những năm 1800).
Chính quyền sở hữu đất và họ cho các nhà phát triển thuê lại, thường là hợp đồng 50 năm, dưới hình thức đấu giá. Ai trả giá cao nhất sẽ có được đất. Với sự khan hiếm và đắt đỏ của nhà ở, các công ty địa ốc từ Trung Quốc, mang theo hàng tỷ USD, sẽ giành bằng được phần thắng những thương vụ này. Và hệ quả của quá trình đấu giá đó, chính là giá đất cao ngất ngưởng.
Đó là phần đầu của lý do. Phần tiếp theo trong câu chuyện này là thuế.
Hong Kong có mức thuế cực kỳ thấp. Đây là vùng đất tuyệt vời để làm ăn. Thuế doanh nghiệp rất thấp, không có thuế giá trị gia tăng, không thuế bán hàng, thị trường tự do. Nếu chính quyền không có doanh thu ngân sách từ thuế, họ sẽ cần một nguồn thu khác. Và ở Hong Kong, nguồn thu đó là cho thuê đất.
Paul Zimmerman cho biết: "Phần lớn doanh thu ngân sách của chính quyền Hong Kong đến từ doanh thu đất, chúng chiếm 30% tổng thu tài chính". Chính quyền Hong Kong cho các nhà phát triển thuê đất với giá cao ngất ngưởng, thu về một núi tiền khổng lồ mà không cần phải tăng một đồng thuế cá nhân hay thuế công ty nào. Trong khi đó, theo bảng xếp hàng của Quỹ Di sản (Heritage Foundation) Hong Kong vẫn tự hào là nền kinh tế tự do nhất hành tinh.
Tuy rằng chiến lược này rất tốt cho doanh thu ngân sách cũng như cho các nhà đầu tư, thì nó cũng không tốt cho người dân.
"Con trai tôi bị rối loạn tăng động giảm chú ý, không có đủ chỗ cho nó. Hệ thống thông gió thì kém, có hại cho sức khỏe của tôi"- người phụ nữ ngậm ngùi chia sẻ.