Năm 2024, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã về đích ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu ước vượt 10 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2023. Các mặt hàng chủ lực đều có tăng trưởng tích cực như: tôm 4 tỷ USD, tăng 16,7%; cá ngừ gần 1 tỷ USD, tăng 17%; cá tra 2 tỷ USD, tăng 9,6%...
Với kim ngạch xuất khẩu từ 9 – 11 tỷ USD mỗi năm, ngành thủy sản Việt Nam hiện đứng thứ 3 trên bản đồ thủy sản thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Na Uy.
Chuyên gia Hiển Lê của Chứng khoán Rồng Việt cho biết, theo kịch bản cơ sở, Mỹ áp 25% thuế lên toàn bộ mặt hàng Trung Quốc vào quý 2/2025 và áp thuế/gia tăng biện pháp phòng vệ lên Việt Nam trong nửa đầu năm 2026. Đối với kịch bản này, giá cá rô phi không thay đổi do hiện nay cá rô phi đã bị áp thuế nhập khẩu 25%.
Vì vậy, chuyên gia kỳ vọng cá tra tăng 1% thị phần sản lượng nhờ chiếm 0,3% thị phần cá rô phi và 0,7% cá hồi. Đồng thời, cá tra không phải chia sẻ nhiều thị phần với cá minh thái nội địa Mỹ khi duy trì mức giá bán cạnh tranh.
Với mặt hàng tôm, chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang có lợi thế về mức thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp tại Mỹ khi mức thuế này áp lên các nước cạnh tranh hiện đang cao hơn Việt Nam. Tuy nhiên, việc bị áp thuế chống trợ cấp trong năm 2024 đã ảnh hưởng lên lợi nhuận các doanh nghiệp kinh doanh ngành tôm tại Mỹ khi không được hoàn thuế CBPG và phải trích thêm một khoản chống trợ cấp.
Trước đó, trong năm 2024, Bộ thương mại Hoa Kỳ (DOC) quyết định áp thuế chống trợ cấp 2,84% lên Việt Nam. Việc bị áp thuế chống trợ cấp đã dẫn đến quyết định về thuế chống bán phá giá cho giai đoạn 2023-2024 (POR 20) được dời sang năm 2025. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam bán tôm sang Mỹ như Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) phải hạch toán thuế chống trợ cấp và không được hoàn thuế CBPG trong năm 2024.
Theo đó, VDSC dự báo năm 2025: Giá bán tôm thẻ tăng nhẹ 1% ở các thị trường chính; Giá tôm thẻ nguyên liệu sẽ không tăng mạnh năm sau khi thời tiết thuận lợi.
Tựu chung lại, bước sang năm 2025, chuyên gia dự báo ngành thủy sản sẽ biến động khó lường trước mức thuế của Mỹ cho các nước. Tuy nhiên, chuyên gia Hiển Lê cho rằng, biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng cải thiện nhờ giá đậu tương ước tính giảm 4% so với cùng kỳ, giá bán theo VND tăng nhẹ 3-5% so với cùng kỳ (do tỷ giá USD/VND ước tăng 3% so với năm trước) và nguồn cung tôm cá nguyên liệu cải thiện khi thời tiết thuận lợi, mưa không quá nhiều
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) kỳ vọng kim ngạch thủy sản năm 2025 đạt 11 tỷ USD nhờ các chính sách thuế ưu đãi từ Mỹ, khi sản phẩm Trung Quốc bị áp thuế cao hơn.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt dự báo mức thuế nhập khẩu từ 60-100% áp lên thủy sản Trung Quốc sẽ tạo lợi thế lớn cho Việt Nam.
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Vasep, năm 2025 sẽ là năm triển vọng để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là sang các thị trường mục tiêu và tiềm năng như Mỹ, Trung Quốc, ASEAN và Trung Đông.
Cụ thể, dự báo, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục ổn định và phục hồi mạnh mẽ trong năm 2025, mang lại cơ hội lớn cho ngành thủy sản Việt Nam. Trong năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đã đạt mức tăng trưởng 16%, đạt trên 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, thách thức lớn đến từ chính sách thuế quan của chính quyền mới và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển.
Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường trọng điểm nhưng cũng đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ thị trường nội địa và các nước xuất khẩu như Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam có thể gia tăng thị phần tại Mỹ khi Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại và thuế quan.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, tăng trưởng của ngành thủy sản còn nhiều dư địa. Đối với những đối tượng đã có lợi thế như tôm, cá tra, nhuyễn thể..., cần nâng cao năng suất, giải quyết các vấn đề về kháng sinh, dịch bệnh, siết chặt chất lượng tôm giống, thức ăn, dinh dưỡng… để đảm bảo bền vững. Đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới tiềm năng như rong biển, lươn, cá rô phi…
Liên quan đến công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý đội tàu, thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), xử lý vi phạm hành chính, truy xuất nguồn gốc; trước trong và sau Tết phải tích cực kiểm tra tình hình tại các địa phương.